Báo cáo của Chính phủ về tình hình KT- XH tại Kỳ họp thứ 8 cho thấy, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, lĩnh vực lao động, việc làm vẫn có những tồn tại như cơ chế kết nối cung - cầu và tự cân bằng của thị trường còn yếu; chuyển dịch cơ cấu lao động còn chậm; năng suất lao động chưa cao. Về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp luật, thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tồn tại nêu trên.
Vẫn còn tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực lao động, việc làm
Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 là một trong những nội dung trọng tâm được đông đảo cử tri và nhân dân theo dõi tại phiên họp đầu tiên của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Trình bày báo cáo này trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, trong thời gian qua, an sinh xã hội được bảo đảm, chúng ta đã thực hiện tăng lương cơ sở và điều chỉnh lương hưu, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024, đồng thời triển khai hiệu quả các giải pháp để bảo đảm tăng lương nhưng không tăng giá. Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, tín dụng chính sách xã hội được đẩy mạnh…
Theo đó, các giải pháp, chính sách giảm nghèo bền vững được triển khai hiệu quả theo tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1%, còn 1,93%; chỉ số hạnh phúc tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143. Xây dựng nhà ở xã hội đạt kết quả tích cực; trong thời gian ngắn, đã huy động trên 6 nghìn tỷ đồng cho phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát. Chính phủ đã cấp trên 432 tấn gạo, hỗ trợ khẩn cấp 430 tỷ đồng cho địa phương và đang rà soát tổng thể thiệt hại để tiếp tục hỗ trợ; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã vận động và tiếp nhận trên 2,15 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Trong những lúc khó khăn, gian nan, thử thách nhất, tinh thần đại đoàn kết, “tương thân, tương ái”, “tình dân tộc, nghĩa đồng bào” càng tỏa sáng mạnh mẽ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cũng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, lĩnh vực lao động, việc làm vẫn có những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, thị trường lao động trong những tháng đầu năm 2024 vẫn có hiện tượng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ và có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế; cơ chế kết nối cung - cầu và tự cân bằng của thị trường còn yếu. Số lao động có việc làm phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn; quý III/2024 là 33,0 triệu người, chiếm 63,9% trong tổng số lao động có việc làm, giảm 1,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên còn cao (tính chung 9 tháng là 7,92%, tăng 0,29 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước); trong quý III/2024, cả nước có khoảng 1,4 triệu thanh niên (từ 15-24 tuổi) không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo, chiếm 10,7%; tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng quý II là 4,2%. Tính chung chín tháng năm 2024, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức là 64,6%, giảm 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Chất lượng cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Đến nay có khoảng 37,8 triệu người lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên. Số người tham gia bảo hiểm xã hội tiếp tục có xu hướng tăng so với năm trước nhưng tốc độ đã chậm lại, cả 2 loại hình bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện đều giảm so với thời điểm cuối năm 2023. Số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần liên tục tăng ở các tháng đầu năm 2024, cho thấy đây vẫn là một lựa chọn của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, thôi việc, mất việc làm.
Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành, tăng năng suất lao động
Quan tâm đến lĩnh vực lao động, việc làm, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đưa ra các kiến nghị hoàn thiện cơ chế chính sách hướng đến chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy việc làm bền vững. Phó Trưởng Ban Chiến lược phát triển Vùng, Viện Chiến lược phát triển Bùi Thị Thanh Hoa cho rằng, để phát huy tác động tích cực của các chính sách nhằm thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động diễn ra nhanh, hợp lý và bền vững, cần quan tâm hoàn thiện và thực thi có hiệu quả một số chính sách, như: thu hút đầu tư, phát triển ngành, phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm.
Theo Phó Trưởng Ban Chiến lược phát triển Vùng, Viện Chiến lược phát triển, việc thực hiện chính sách phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế không chỉ có ý nghĩa chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành theo mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mà còn tạo nhu cầu cũng như khả năng và điều kiện đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành ngày càng hợp lý và phát huy hiệu quả vai trò năng suất lao động đối với tăng trưởng. Cùng với đó, cần triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động giai đoạn 2021-2030. Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, tăng khả năng kết nối cung - cầu lao động trên thị trường, có giải pháp phân bổ lao động phù hợp theo vùng nhằm sử dụng hợp lý và hiệu quả nguồn nhân lực.
Nhiều chuyên gia cũng kiến nghị tăng cường kỹ năng cho người lao động; chú trọng giải quyết việc làm cho thanh niên, lao động trung niên, lao động yếu thế và lao động nữ, thực hiện các giải pháp chính thức hóa việc làm phi chính thức, chuyển dịch nhanh lao động có việc làm phi chính thức sang việc làm chính thức; chú trọng hỗ trợ lao động di cư từ nông thôn ra thành thị, các khu công nghiệp. Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về người lao động; nâng cao năng lực phân tích, dự báo thị trường lao động.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng bày tỏ quan tâm đến chỉ tiêu tăng năng suất lao động khi chỉ số quan trọng này trong năm qua đã vượt kế hoạch đề ra, sau 3 năm không đạt. Trong năm 2025 sắp tới, Thủ tướng Chính phủ nêu mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 5,3 - 5,4%.
TS. Hà Minh Hiệp – Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia
Theo TS. Hà Minh Hiệp – Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, để tăng năng suất lao động của quốc gia, Việt Nam cần khắc phục được các vấn đề sau: Đầu tiên là sự dịch chuyển lao động từ ngành có năng suất thấp sang ngành có năng suất cao. Trong các giai đoạn phát triển trước, đóng góp chủ yếu tăng năng suất lao động của Việt Nam là do dịch chuyển cơ cấu. Lao động dịch chuyển từ khu vực nông nghiệp có năng suất lao động thấp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ có năng suất lao động cao hơn. Tuy nhiên, đây sẽ không thể là động lực phát triển bền vững của năng suất lao động và thực tế cho thấy, vai trò của chuyển dịch cơ cấu trong tăng trưởng năng suất lao động đã giảm dần trong những năm gần đây.
Thứ hai, việc tăng trưởng năng suất các nhân tố tổng hợp còn thấp dẫn đến hạn chế tốc độ tăng năng suất lao động. Có rất nhiều yếu tố làm năng suất các nhân tố tổng hợp tăng trưởng chậm, trong đó quan trọng nhất và đầu tiên vẫn là liên quan tới nguồn nhân lực. Chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam còn thấp và chưa thể hấp thụ tối đa được chuyển giao khoa học công nghệ, tạo tiền đề cho tăng trưởng năng suất.
TS. Hà Minh Hiệp cũng nhấn mạnh, mỗi người lao động khi bước vào quá trình làm việc phải luôn ý thức, tư duy về năng suất dựa trên các yếu tố kỹ thuật, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Để thực hiện được điều này cần tổ chức đào tạo cho doanh nghiệp các hệ thống công cụ, giải pháp về năng suất. Bên cạnh đó, lực lượng lao động rất lớn là sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng và trường nghề - những đối tượng cần trang bị kiến thức làm sao để tăng năng suất, có được giải pháp và công nghệ để thúc đẩy năng suất dựa trên yếu tố về kỹ thuật, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực lao động, việc làm
Quan tâm đến các quy định pháp luật trong lĩnh vực lao động, việc làm, TS. Trương Thị Thu Hiền, Trường Đại học Kinh tế- Đại học Đà Nẵng nêu rõ, theo quy định của Luật Việc làm năm 2013, có bốn chế độ mà người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp được hưởng khi đủ điều kiện, gồm: trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề và hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động. Ngoài bốn chế độ trên, người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng. Các chế độ này không những trực tiếp hỗ trợ người lao động khắc phục rủi ro do tình trạng thất nghiệp mang lại mà còn thể hiện được vai trò phòng ngừa thông qua chế độ hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề để gián tiếp duy trì việc làm cho người lao động. Ngoài ra, việc tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề còn được thực hiện cho cả đối tượng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, đóng bảo hiểm thất nghiệp một khoảng thời gian nhất định và có nhu cầu được tư vấn, hỗ trợ học nghề.
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc thực hiện quy định của Luật Việc làm hiện hành về các chế độ bảo hiểm thất nghiệp ở nước ta trong thời gian qua còn một số bất cập sau đây: chưa phát huy vai trò chủ đạo của chế độ học nghề - giải pháp lâu dài, căn bản của chính sách bảo hiểm thất nghiệp; cơ cấu chi trả các chế độ bảo hiểm thất nghiệp còn bất hợp lý…
Hoàn thiện hành lang pháp luật về lao động, việc làm là cần thiết để ổn định, phát triển thị trường việc làm bền vững (Ảnh minh họa)
Do đó, chuyên gia đề nghị hành lang pháp luật về lao động, việc làm cần được hoàn thiện theo hướng:
Thứ nhất, bổ sung quy định về hỗ trợ cho người lao động mất việc làm vay ưu đãi từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Trong bốn chế độ bảo hiểm thất nghiệp hiện hành, người lao động khi mất việc làm đã bước đầu có sự hỗ trợ về tài chính, một phần trong số đó được đào tạo nghề nhưng rất ít, số lao động được hưởng bảo hiểm thất nghiệp tái gia nhập thị trường lao động chưa được thống kê cụ thể. Trong số đó, có các trường hợp không hoặc không thể tìm kiếm việc làm mới mà tự tạo việc làm thông qua việc tự sản xuất, buôn bán, kinh doanh. Một số khác, nỗ lực học một nghề mới, sau đó tự kinh doanh, làm ăn, trang trải cuộc sống. Do đó, để tạo điều kiện hơn nữa cho người lao động mất việc làm, cần có sự hỗ trợ về nguồn vốn ban đầu cho những người thực sự cần vốn để tự sản xuất, kinh doanh thông qua việc cho vay vốn từ nguồn Quỹ bảo hiểm thất nghiệp còn kết dư.
Thứ hai, bổ sung quy định việc hỗ trợ đột xuất cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp trong các trường hợp gặp rủi ro. Cần có hỗ trợ đột xuất cho các đối tượng này trong các trường hợp: bị tai nạn, bị suy giảm khả năng lao động trong quá trình hưởng bảo hiểm thất nghiệp, không thể tái tham gia thị trường lao động.
Thứ ba, tăng mức hỗ trợ học nghề cho người lao động mất việc làm. Người lao động mất việc làm đa phần là lao động chính trong gia đình. Mất việc làm đồng nghĩa với việc mất đi nguồn thu nhập chính cho gia đình họ. Do đó, việc họ tham gia học nghề trong thời gian mất việc và phải chi trả toàn bộ chi phí ăn ở, đi lại... trong quá trình học nghề làm cho quyết định học nghề của họ trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, cần có hỗ trợ nhiều hơn cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tham gia học nghề như hỗ trợ một phần chi phí ăn ở, sinh hoạt phí... để họ yên tâm tham gia khóa học.