Thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư

17/10/2024

Tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu. Bàn về dự án luật này, các chuyên gia cho rằng, cần có các biện pháp hỗ trợ thiết thực, linh hoạt và khả thi để thu hút nhà đầu tư, nâng cao hiệu quả thực hiện các dự án đối tác công tư.

Tọa đàm về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật PPP và Luật Đấu thầu

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới, dự kiến được thông qua theo quy trình rút gọn tại một kỳ họp. Để chuẩn bị tốt nhất cho dự án luật này, Ủy ban Kinh tế đã tổ chức các cuộc tọa đàm nhằm lắng nghe ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý, nhà nghiên cứu nhằm đánh giá sâu sắc tác động của các chính sách, nhìn nhận rõ thực tiễn, nghiên cứu kỹ nguyên nhân và có cách tiếp cận phù hợp, đưa ra những điều chỉnh hợp lý, đặc biệt đối với vấn đề đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Tọa đàm về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu của Ủy ban Kinh tế

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) được thông qua năm 2020, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 quy định có 7 loại hợp đồng đầu tư theo phương thức đối tác công tư bao gồm: BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao), BTO (Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh), BOO (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh), O&M (Kinh doanh - Quản lý), BTL (Xây dựng - Chuyển giao - Thuê dịch vụ), BLT (Xây dựng - Thuê dịch vụ - Chuyển giao) và hợp đồng hỗn hợp.

Đáng chú ý, Luật này đã loại bỏ phương thức đầu tư theo hợp đồng BT (Xây dựng - Chuyển giao) đã áp dụng trước đó ra khỏi danh mục các loại hợp đồng theo dự án PPP và dừng triển khai dự án mới áp dụng loại hợp đồng này. Khi đó, triển khai dự án BT trong thực tế đã đặt ra nhiều quan ngại khi tổng mức đầu tư dự án tăng không được kiểm soát chặt chẽ, giá đất đối ứng thấp, dẫn đến nhiều dự án BT đã để lại nhiều hệ lụy, tạo dư luận không tốt. Tuy nhiên, trong lần sửa đổi chuẩn bị trình Quốc hội lần này, Chính phủ đề xuất đưa lại hợp đồng BT vào Luật nhưng có đổi mới toàn diện để khắc phục các bất cập.

Đối với nội dung này, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 38 cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, trong quá trình xây dựng Luật PPP nội dung này đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận không thực hiện đối với loại hợp đồng BT, vì vậy, đề nghị Chính phủ khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến theo quy định. Ngoài ra, việc áp dụng loại hợp đồng BT được thanh toán bằng tiền hoặc thanh toán bằng quỹ đất được thực hiện đấu giá thu tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì về bản chất đều sử dụng NSNN để thanh toán. Do đó, đề nghị bổ sung thống kê các dự án áp dụng loại hợp đồng BT thời gian trước đây và so sánh, làm rõ chi phí đầu tư, các ưu điểm, nhược điểm các dự án áp dụng loại hợp đồng này với các dự án đầu tư công.

Các đại biểu dự Tọa đảm

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, nguyên Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Nội cho rằng, việc bổ sung lại hình thức BT là rất cần thiết. Trên thực tiễn, nhiều nước trên thế giới vẫn triển khai các dự án BT đạt kết quả tốt, nhưng ở nước ta, trong quá trình thực hiện xảy ra nhiều vướng mắc ở khâu cơ quan quản lý đàm phán với nhà đầu tư và công thức thanh toán sai.

Nguyên Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, ngoài hai hình thức, cơ chế thanh toán hợp đồng là bằng tiền và bằng quỹ đất như dự thảo Luật đã quy định, cần cân nhắc bổ sung một phương thức nữa là dùng quỹ đất đấu giá lấy tiền thanh toán cho nhà đầu tư. Theo đó, sau khi Nhà nước xây dựng xong hạ tầng thì tổ chức đấu giá. Việc này giúp tiết kiệm chi phí cho Nhà nước, đồng thời có thể sử dụng giá trị tăng thêm của đất đấu giá này. Nhà đầu tư cũng có thể tham gia đấu giá với ưu tiên giảm 5-10%.

Đồng quan điểm, Trưởng ban Pháp chế, Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, BT không có gì sai mà chỉ vướng mắc ở chỗ đổi đất lấy hạ tầng. Đại diện Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam nêu vấn đề: Thực tế thì khi lập dự án xin quyết định đầu tư, quỹ đất lúc đó là dự kiến vì chưa có thông số cụ thể. Vậy khi tổng vốn đầu tư và quỹ đất đều là dự kiến, giá trị quỹ đất (dùng để đổi lấy công trình) được xác định trên cơ sở nào, ở thời điểm nào?

Trưởng ban Pháp chế, Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn phát biểu

Ông Nguyễn Anh Tuấn cũng phân tích thêm, trong hệ thống pháp luật hiện hành thì Luật Xây dựng đã có quy định rõ về phương pháp xác định tổng vốn đầu tư, Luật Đất đai đã có quy định về phương pháp tính quỹ đất; như vậy, vấn đề then chốt cần giải quyết trong lần sửa đổi luật này là chốt xác định giá trị đất và tổng vốn đầu tư ở thời điểm nào.

Đại diện Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam nêu dẫn chứng, ở một số dự án liên quan đến BT, việc xác định giá trị đất được thực hiện ở thời điểm chính quyền giao đất cho nhà đầu tư. Tổng vốn đầu tư cũng phải được tính toán điều chỉnh phù hợp ở thời điểm này.

Thêm vào đó, các chuyên gia cũng góp ý kiến về quy định nhà đầu tư được giao đất thực hiện dự án sau khi đã khởi công và hoàn thành tối thiểu 50% giá trị công trình BT, hoàn thành trách nhiệm đối ứng để bồi thường hỗ trợ tái định cư quỹ đất. Theo đó, quy định này có lợi cho Nhà nước nhưng nếu đã xác định ở thời điểm thực hiện 50% giá trị công trình để tính toán thì cũng công bố ngay vào thời điểm này để xác định giá đất, để đảm bảo tránh rủi ro cho các nhà đầu tư.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng đề nghị cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu kỹ để đảm bảo sự nhất quán giữa dự thảo luật sửa đổi, bổ sung với các luật có liên quan về xây dựng để đảm bảo thống nhất trong triển khai thực hiện sau khi luật được ban hành.

Hồ Hương