UBTVQH cho ý kiến về Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2025
Ngày 09/10/2024, tại Phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và kết luận như sau:
1. Về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024
UBTVQH cơ bản đồng tình và đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Năm 2024, vượt qua khó khăn, thách thức, kinh tế - xã hội Việt Nam tiếp tục phục hồi và phát triển; dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó tăng trưởng GDP ước đạt 6,8 - 7%; được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng dưới 4,5%, lạm phát được kiểm soát trong điều kiện tăng lương tối thiểu ở mức cao. Tỷ giá, thị trường tiền tệ, ngoại hối diễn biến phù hợp với thị trường thế giới. Thu ngân sách ước tăng 10,1% so với dự toán. Nông lâm thủy sản duy trì đà tăng khá, sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực, dịch vụ ước tăng 7%; xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cao; vốn FDI thực hiện ước tăng 8,9%, cao nhất từ năm 2021 đến nay; công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật được chỉ đạo quyết liệt, với tinh thần đổi mới; kết cấu hạ tầng giao thông, điện có bước đột phá mới (đã hoàn thành đưa vào khai thác hơn 2.021 km đường cao tốc; khánh thành dự án 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối sau hơn 6 tháng thi công); an ninh lương thực, năng lượng được đảm bảo, không để xảy ra thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng, dầu, điện; lĩnh vực văn hóa, giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống Nhân dân, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục đạt kết quả quan trọng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Thành tựu là cơ bản nhưng cũng cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; áp lực lạm phát, nợ xấu tăng, áp lực trả nợ trái phiếu doanh nghiệp đến hạn lớn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa phục hồi hoàn toàn; quản lý thị trường vàng còn bất cập. Sản xuất, kinh doanh còn khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn lớn; xuất khẩu các mặt hàng chủ lực sang các thị trường lớn gặp một số khó khăn, rào cản kỹ thuật, điều tra chống bán phá giá; xuất siêu còn phụ thuộc vào khu vực FDI. Thể chế pháp luật còn một số vướng mắc, bất cập chưa được tháo gỡ; công tác thực thi có nơi, có chỗ chưa thống nhất; các ngành, lĩnh vực mới nổi như kinh tế số, kinh tế xanh, trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn… chưa chuyển biến rõ nét, nguy cơ không bắt kịp so với thế giới. Ùn tắc, tai nạn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, bão lũ, ngập úng, sạt lở đất… vẫn là thách thức lớn. An ninh trật tự, khiếu nại, tố cáo, tội phạm công nghệ cao, buôn lậu, lừa đảo qua mạng, an ninh mạng… còn nhiều phức tạp.
- Việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản của các địa phương chậm, chưa đầy đủ và hậu quả nặng nề của thiên tai, bão lũ sẽ ảnh hưởng nhất định đến sản xuất kinh doanh, triển khai các dự án, thu, chi ngân sách, tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội các tháng cuối năm 2024 và các năm sau là vấn đề cần hết sức lưu ý và có giải pháp để khắc phục.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho ý kiến tại phiên họp.
- Công tác thực thi có nơi, có chỗ còn chưa thống nhất, nắm bắt và dự báo tình hình chưa sát; phản ứng chính sách của một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chậm, chưa kịp thời; tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai trong một bộ phận cán bộ, công chức chưa được khắc phục hiệu quả.
- Tổng cầu phục hồi yếu, cầu tiêu dùng tăng thấp hơn kỳ vọng, đầu tư tư nhân tăng chậm; nhập siêu dịch vụ chưa được cải thiện; đóng góp của chế biến, chế tạo cho tăng trưởng chưa được như kỳ vọng; giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm; tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ lãi suất, giảm lãi vay chưa đạt mục tiêu; chất lượng lao động, năng suất lao động xã hội chưa cao, đổi mới, phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số chưa đáp ứng yêu cầu; vướng mắc về các dự án bất động sản, thị trường bất động sản còn có nội dung chưa được tháo gỡ; quản lý, điều tiết thị trường bất động sản còn bất cập, mất cân đối cung cầu, giá bất động sản một số địa bàn tăng cao vượt quá khả năng mua của đa số người dân, vẫn còn hiện tượng đầu cơ, thổi giá. Chậm triển khai quy hoạch điện, quy hoạch năng lượng, chậm ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp. Cải cách thủ tục hành chính vẫn còn tồn tại, hạn chế. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức vẫn chiếm tỷ trọng lớn; tình trạng thiếu thuốc vẫn xảy ra ở một số bệnh viện công lập.
2. Về dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025
Năm 2025 là năm cuối của nhiệm kỳ, kết quả thực hiện kinh tế - xã hội năm 2025 có đóng góp quan trọng vào hoàn thành kế hoạch kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Dự báo có nhiều khó khăn, thách thức nên cần phân tích cụ thể và có giải pháp đột phá để ứng phó, đặc biệt là tình hình kinh tế chính trị thế giới biến động nhanh, phức tạp, bất định; trong nước cũng có nhiều khó khăn, thách thức. UBTVQH thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 như Chính phủ trình. Đồng thời đề nghị tiếp tục tập trung thực hiện tốt các giải pháp đã đề ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, lưu ý ý kiến của UBTVQH, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và một số nội dung sau:
- Tăng cường điều chỉnh chính sách tài khóa phù hợp, hiệu quả hơn trong năm 2025 để đối mặt với những thách thức của toàn cầu; điều hành chi bám sát dự toán, tiết kiệm, hiệu quả, dành nguồn lực cho các dự án trọng điểm quốc gia, an sinh xã hội; chủ động kiểm soát, ứng phó với các rủi ro, đảm bảo cân đối NSNN, bội chi, nợ công.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp
- Có giải pháp ngăn chặn xu hướng suy giảm của thị trường bất động sản kết hợp với kiểm soát tốt hơn số lượng nhà ở đang được xây dựng mới, khắc phục tình trạng cung nhiều hơn cầu hoặc cầu có nhưng không có khả năng thanh toán.
- Tập trung tháo gỡ khó khăn, vực dậy thị trường vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, nợ xấu; bảo đảm hoạt động thông suốt, hiệu quả, đúng pháp luật, kiểm soát rủi ro của thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản.
- Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân phát triển. Xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng kéo dài, trình cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đất đai.
- Kích thích tiêu dùng, mở rộng nhu cầu tiêu dùng trong nước, thúc đẩy phát triển du lịch nội địa.
- Bảo đảm nguồn cung và ổn định giá cả đối với các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán 2025, nhất là trong bối cảnh năm nay ảnh hưởng bão số 3 nhiều mặt hàng nông sản sản xuất không kịp để cung ứng thị trường.
- Quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt các chương trình mục tiêu quốc gia: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2021 – 2025, Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Chương mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025-2035 khi được Quốc hội thông qua.
- Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, nâng cao chất lượng dạy và học. Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế; nâng cao chất lượng công tác khám bệnh, chữa bệnh cho người dân.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung phiên họp.
3. Đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Đồng chí Chủ tịch Quốc hội, UBTVQH, ý kiến của cơ quan thẩm tra để hoàn chỉnh các báo cáo chính thức, dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 gửi Quốc hội và cơ quan thẩm tra chậm nhất ngày 16/10/2024 (Thứ Tư). Trong đó, lưu ý một số nội dung sau: đánh giá một cách thực chất tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, trong đó cân đối nội dung phần kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế; phân tích, đánh giá nguyên nhân chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân vượt mục tiêu đề ra sau 3 năm không đạt; phân tích, đánh giá cụ thể tác động của thiên tai, nhất là hậu quả của cơn bão số 3 đến kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo bền vững, các dự án, tiểu dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong năm 2024, đặc biệt là công tác giảm nghèo tại vùng miền núi phía Bắc; phân tích tác động tích cực của các luật Quốc hội vừa thông qua có hiệu lực sớm đến phát triển kinh tế - xã hội; đánh giá mối quan hệ giữa việc chậm tiêm vắc-xin với việc các bệnh truyền nhiễm ở trẻ em do thiếu vắc-xin; đánh giá kết quả Chương trình phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước; đánh giá bổ sung việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 trong bối cảnh Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và bầu cử các cấp năm 2026.
4. Ủy ban Kinh tế thẩm tra chính thức trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.