Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10) năm 2024. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Chuyển đổi số diễn ra sâu rộng
Năm 2024 là năm thúc đẩy phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, chuyển đổi số mang lại kết quả thực chất hơn cho doanh nghiệp, người dân.
Từ mô hình phát triển đơn lẻ tại địa phương, đến nay Tổ công nghệ số cộng đồng đã hình thành một mạng lưới rộng khắp cả nước, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho công tác chuyển đổi số chung của quốc gia.
Các đại biểu được giới thiệu một số mô hình chuyển đổi số tiêu biểu như: giải pháp nông nghiệp thông minh; giải pháp thanh toán trực tuyến; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị, giúp doanh nghiệp gia tăng năng suất và lợi thế cạnh tranh…
Đặc biệt là mô hình chuyển đổi số giúp đồng bào dân tộc Lô Lô ở thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang phát triển du lịch cộng đồng; chuyển đổi số cộng đồng trong xây dựng thành phố Hà Nội thông minh tại phường Giang Biên, quận Long Biên; cách triển khai công nghệ số cho người dân tại phường 1, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp…
Tại sự kiện, các đại biểu tập trung đánh giá đầy đủ, khách quan, chính xác những kết quả đạt được về chuyển đổi số quốc gia năm 2024, nhất là về kinh tế số; điểm lại những dấu ấn đóng góp của Tổ công nghệ số cộng đồng trong hành trình chuyển đổi số quốc gia; nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong thời gian tới. Đặc biệt, hội nghị dành thời gian tọa đàm, đối thoại về thể chế số, hạ tầng số, xã hội số, nhân lực, con người số.
Trong đó, Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành trả lời nhiều câu hỏi của người dân, doanh nghiệp, thành viên Tổ chuyển đổi số cộng đồng về chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số và vai trò của Chính phủ; hạ tầng số, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; đơn giản hóa các thủ tục và thao tác khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến; giải pháp chống hành vi lừa đảo trực tuyến; chính sách đặc thù cho những đối tượng yếu thế dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ số; việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị và các hoạt động xã hội; chính sách để hỗ trợ, tạo thuận lợi cho người dân mở rộng kinh doanh, tăng thu nhập, lợi nhuận trên các sàn thương mại điện tử; giải pháp để các tổ chức chính trị xã hội tham gia sâu và hiệu quả hơn trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia…
Kết luận hội nghị, truyền thông điệp chào mừng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu cho phát triển nhanh và bền vững; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc, không có ai bị bỏ lại phía sau, với tinh thần “không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên,” như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã dạy.
Chứng minh tinh thần đoàn kết, trí tuệ, bản lĩnh của người Việt Nam, vượt mọi thác ghềnh đạt thành tựu quan trọng trong quá trình giành độc lập dân tộc, xây dựng, phát triển đất nước và nhắc lại nội dung bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm “Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, Thủ tướng Chính phủ khẳng định chuyển đổi số đã “đến từng ngõ, gõ từng nhà, qua mỗi người.”
Theo Thủ tướng, chuyển đổi số quốc gia tầm nhìn hướng tới năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, phát triển thịnh vượng, tiên phong ứng dụng các công nghệ mới và mô hình mới. Chính phủ xác định thực hiện “mục tiêu kép”: vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số ở trình độ cao; vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Thủ tướng Chính phủ vui mừng nhận thấy chuyển đổi số quốc gia, kinh tế số đạt được nhiều kết quả tích cực, có tác động, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt kinh tế, xã hội, văn hóa của đất nước và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việt Nam có bước tiến mạnh mẽ trong xếp hạng về chuyển đổi số quốc tế.
Trong đó, chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2024 tăng 15 bậc, xếp hạng 71/193; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 tăng 2 bậc, xếp hạng 44/133; chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu năm 2024 tăng 8 bậc, xếp hạng 17/194.
Công nghiệp công nghệ thông tin có bước phát triển, tác động lan tỏa tích cực đến nhiều ngành, lĩnh vực, với 51 nghìn doanh nghiệp công nghệ số và tạo 1,5 triệu việc làm; doanh thu công nghiệp công nghệ số trong 9 tháng ước đạt 118 tỷ USD; doanh thu từ hoạt động phần mềm và dịch vụ số là 6,64 tỷ USD; xuất khẩu các sản phẩm công nghệ số 9 tháng ước đạt 100,8 tỷ USD; nhiều dự án đầu tư mới, mở rộng sản xuất, lắp ráp với giá trị hàng tỷ USD của Samsung, Qualcomm, Infineon, Amkor… Đồng thời, hàng chục dự án quy mô lớn đang được thương thảo.
Thủ tướng Chính phủ cho biết, số hóa các ngành kinh tế đạt nhiều kết quả tích cực: nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, đầu tư, xây dựng, sản xuất và ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại, như: trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, internet vạn vật…; thương mại điện tử tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ, thuộc nhóm 10 nước có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới; thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai rộng khắp cả nước.
Chuyển đổi số phục vụ người dân, an sinh xã hội có bước phát triển mạnh mẽ, từng bước hình thành xã hội số, công dân số, nổi bật trên các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, khám, chữa bệnh, bảo hiểm xã hội, chi trả an sinh xã hội, tư pháp…; mới đây đã triển khai toàn quốc việc tích hợp Sổ sức khỏe điện tử và cung cấp phiếu Lý lịch tư pháp trong nền tảng VNeID…
Thực hiện 3 đột phá chiến lược số
Ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm, kết quả đạt được của bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, người dân, góp phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, kết quả ngày hôm nay mới chỉ là những kết quả bước đầu, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, say sưa với những kết quả đạt được; vẫn còn nhiều việc phải làm phía trước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10) năm 2024. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Theo Thủ tướng, để thực hiện được chuyển đổi số quốc gia một cách hiệu quả đòi hỏi phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm”; người làm chuyển đổi số cần phải có một trái tim nóng, đầy nhiệt huyết và một bộ óc thông minh, sáng tạo và tư duy luôn đổi mới; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, động lực, nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển; phải nói thật, làm thật, hiệu quả thật để người dân, doanh nghiệp hưởng thụ thật.
Quán triệt quan điểm về phát triển kinh tế số, nâng cấp nền kinh tế số với những đột phá, cải cách mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa để Việt Nam bắt kịp, tiến cùng và vươn lên trên các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, thương mại…, hướng tới một xã hội số phát triển, thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chuyển đổi số cần hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, tăng tốc, bứt phá, thúc đẩy phát triển kinh tế số, chuyển đổi xanh, giảm phát thải gắn với phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trong đó phải đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược số gồm thể chế số, hạ tầng số, nguồn nhân lực số, với "thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, nhân lực thông minh"; tăng tốc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển lực lượng sản xuất mới, chất lượng cao, chuyên nghiệp.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải hoàn thiện hành lang pháp lý số cho mọi vấn đề liên quan đến kinh tế, giao dịch dân sự, sản xuất, kinh doanh… gắn với cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ; miễn giảm thuế, phí, lệ phí; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.”
Trong đó, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù trong chuyển đổi số, nhất là lĩnh vực tài chính, tín dụng, đầu tư, đấu thầu, mua sắm, thuê mướn, chuyển giao công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, cơ chế thử nghiệm, quỹ đầu tư…; đẩy nhanh tiến trình đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số, thiết lập hiệu quả các kênh cung cấp dịch vụ số, nhất là thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến…
Chỉ đạo tạo đột phá về hạ tầng số và các hạ tầng khác, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu sớm đưa 5G vào thương mại tại một số thành phố lớn, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ số, thúc đẩy sản xuất hiện đại; nâng cấp hạ tầng trục viễn thông quốc gia và đa dạng hóa địa bàn, phương thức kết nối, mở rộng kết nối cáp quang biển quốc tế, phát triển vệ tinh.., tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới; cung cấp dịch vụ viễn thông bằng vệ tinh; phát triển hạ tầng Internet vạn vật để tăng cường khả năng kết nối, thu thập, chia sẻ dữ liệu tự động, thông minh, phục vụ cho phát triển các ngành, lĩnh vực, đô thị thông minh.
Cùng với đó, Thủ tướng lưu ý phải tạo lập quỹ đất sạch để hình thành và xây dựng các trung tâm công nghiệp kỹ thuật số quy mô lớn cho các ngành mới nổi; thu hút nguồn lực đầu tư, nhất là đầu tư FDI để xây dựng các Trung tâm dữ liệu cho các ngành, lĩnh vực, vùng và khu vực; khẩn trương xây dựng và đưa Trung tâm dữ liệu quốc gia số 1 đi vào hoạt động vào cuối năm 2025; phát triển các trung tâm ứng phó sự cố, an ninh mạng, an toàn thông tin cấp quốc gia, cấp vùng để bảo vệ chủ quyền không gian mạng quốc gia từ sớm, từ xa; đẩy mạnh xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành; tăng cường kết nối, tích hợp, chia sẽ dữ liệu để cung cấp, nâng cao chất lượng dịch vụ công, tiện ích cho người dân, doanh nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án 06, hình thành hệ sinh thái công dân số.
Trong công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực số cả trong nhà nước và tư nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ phải đa dạng hóa phương thức đào tạo, chú trọng đào tạo kỹ năng số, gắn với thị trường và đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số; tăng cường hợp tác, giao lưu, học hỏi quốc tế trong chuyển đổi số. Bên cạnh đó, tiếp tục có giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong chuyển đổi số, nhất là trên không gian mạng.
Với những nỗ lực, quyết tâm và sự chủ động, sáng tạo của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, Thủ tướng tin tưởng, công cuộc chuyển đổi số quốc gia sẽ chuyển biến nhanh, bền vững và toàn diện, bao trùm, góp phần quan trọng cho thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của đất nước.