Thường trực Ủy ban Xã hội thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024
Vừa qua, Thường trực Ủy ban Xã hội đã thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024. Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, chương trình góp phần thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 1%, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3% (riêng các huyện nghèo, giảm tỷ lệ nghèo từ 4-5%).
Chương trình tập trung hỗ trợ người nghèo, người dân sinh sống vùng nghèo, vùng khó khăn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, có việc làm, sinh kế bền vững và nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các địa phương vùng “lõi nghèo”, vùng Tây Nguyên, các tỉnh phía Tây của Tổ quốc, vùng nghèo, vùng khó khăn thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn góp phần giảm nghèo bền vững. Việc tiếp tục thực hiện Chương trình góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, giữ vững ổn định xã hội, an ninh chính trị ở các địa bàn khó khăn, vùng “lõi nghèo”, khu vực trọng yếu trên phạm vi cả nước.
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, người nghèo đã được cải thiện một bước về điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng cho phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập. Một số nhu cầu xã hội thiết yếu của người nghèo cơ bản được đáp ứng (việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin…). Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được đầu tư đồng bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Về lâu dài, kết quả thực hiện Chương trình năm 2024 và tác động của Chương trình sẽ giúp người nghèo có cơ hội tự vươn lên thoát nghèo bền vững, vượt lên mức sống tối thiểu, tự giải quyết được vấn đề nghèo đói cũng như những nhu cầu thiết yếu của gia đình mà không trông chờ ỷ lại vào sự trợ giúp của cộng đồng và Nhà nước; giúp các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Tại phiên họp, các đại biểu chỉ ra rằng, việc thực hiện chương trình còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác rà soát, xây dựng, ban hành một số quy định về quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình theo quy định tại Điều 40 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 38/2023/NĐ-CP) và Nghị quyết số 111/2024/QH15 tại một số địa phương còn chậm. Số lượng văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình lớn, đến nay, còn một nội dung chưa được hướng dẫn (đối tượng “người lao động có thu nhập thấp” thực hiện Tiểu dự án 1 Dự án 4) và còn một nội dung vướng mắc về đối tượng thụ hưởng Tiểu dự án 1 Dự án 6.
Nhiều ý kiến nhấn mạnh, việc phân bổ vốn của một số địa phương còn chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ thời gian. Nhiều địa phương còn gặp khó khăn trong cân đối nguồn lực đối ứng từ ngân sách địa phương thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình. Một số địa phương đề xuất, phê duyệt danh mục một số dự án đầu tư còn dàn trải, manh mún, trùng lắp, chưa đúng mục tiêu của Chương trình là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.
Toàn cảnh cuộc họp
Cùng với đó, việc lồng ghép nguồn vốn thực hiện các CTMTQG và quy trình thanh quyết toán trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo còn lúng túng. Kết quả giảm nghèo tuy đạt mục tiêu nhưng chưa bền vững do người dân dễ rơi vào tình trạng tái nghèo vì các lý do khách quan (ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt...); chưa đánh giá được chi tiết mục tiêu, kết quả cụ thể thực hiện các dự án, tiểu dự án và chỉ tiêu giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của Chương trình theo năm.
Thêm vào đó, một hạn chế cũng được chỉ ra là một bộ phận nhỏ người dân vẫn còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa quyết tâm vươn lên thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, có nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo tại một số địa phương có thành viên bị bệnh tật, khuyết tật, người không có khả năng lao động, thiếu đất để sản xuất, thiếu lao động để tham gia dự án nên không đáp ứng điều kiện để tham gia dự án, mô hình phát triển sản xuất.
Phân tích nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế, các đại biểu cho rằng, công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa chặt chẽ, trách nhiệm đề xuất xây dựng kế hoạch của chủ dự án, chủ tiểu dự án thành phần chưa cao, chưa chủ động. Một số địa phương thực hiện chế độ báo cáo còn chậm, số liệu chưa chính xác; chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội hoá...
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan phát biểu
Một số ý kiến cũng cho rằng, mô hình tổ chức, bộ máy giúp việc cho Ban Chỉ đạo chưa có sự đồng bộ, thống nhất ở cấp tỉnh, cấp huyện (có tỉnh thành lập văn phòng điều phối, có tỉnh thành lập tổ giúp việc...). Cán bộ làm công tác giảm nghèo từ trung ương tới địa phương chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng, còn kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi vị trí công tác; đâu đó còn có tâm lý sợ trách nhiệm, đùn đẩy né tránh thực hiện công việc ảnh hưởng đến tham mưu công tác chuyên môn và tiến độ công việc. Điều kiện về lao động, cơ sở vật chất, tư liệu sản xuất, khả năng đối ứng của một số hộ dân đăng ký tham gia thực hiện dự án còn nhiều hạn chế, khó khăn.
Ngoài ra, ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành còn hạn chế, chưa có số liệu tổng hợp kịp thời làm căn cứ ra quyết định điều chỉnh. Công tác truyền thông tuy được đầu tư nguồn lực và huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhưng vẫn còn một số nơi thực hiện chưa thực sự hiệu quả, mang tính hình thức hoặc truyền thông chưa sát đối tượng, chưa phù hợp với điều kiện, đặc thù vùng miền.