Quảng Ninh: Hội nghị liên tịch giữa Đoàn ĐBQH tỉnh với Thường trực HĐND, UBND tỉnh, Ban Thường trực MTTQ tỉnh

08/10/2024

Sáng 8/10, tại TP Hạ Long đã diễn ra hội nghị liên tịch giữa Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh với Thường trực HĐND, UBND tỉnh, Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc tỉnh trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh tiếp xúc cử tri TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh

Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, ĐBQH tỉnh; Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh, Thường trực HĐND, MTTQ tỉnh và đại diện các sở, ngành liên quan.

Quang cảnh hội nghị.

Theo báo cáo tình hình, kết quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2024 trên địa bàn tỉnh, tính đến thời điểm cuối tháng 8/2024, các hoạt động kinh tế ở 3 khu vực đều giữ tốc độ phát triển ổn định theo đúng mục tiêu đặt ra. Tuy nhiên do ảnh hưởng của bão số 3, mặc dù tăng trưởng GRDP 9 tháng đầu năm đạt 8,02% nhưng vẫn thấp hơn so với kịch bản đề ra. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh 9 tháng đạt 40.479 tỷ đồng, bằng 76% dự toán Trung ương giao, bằng 73% dự toán tỉnh giao, bằng 97% cùng kỳ năm 2023. Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được chú trọng triển khai. Chuyển đổi số, cung cấp dịch vụ công và triển khai các tiện ích Đề án 06 của Chính phủ được đẩy mạnh.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, ĐBQH tỉnh, phát biểu tại hội nghị.

Công tác an sinh, phúc lợi xã hội, bảo vệ sức khỏe nhân dân, chăm lo phát triển giáo dục và đào tạo được đảm bảo. Quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới, biển đảo được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ. Hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh, tăng cường mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả. Quảng Ninh là điểm đến được lựa chọn của nhiều đoàn quốc tế khi thăm Việt Nam.

Đối với những ảnh hưởng từ cơn bão số 3, tính đến thời điểm ngày 28/9/2024, tổng thiệt hại trên địa bàn tỉnh gần 25.000 tỷ đồng. Hiện HĐND tỉnh đã thông qua, ban hành nghị quyết và bố trí kinh phí khắc phục hậu quả bão số 3, mưa, lũ sau bão và thực hiện các chính sách an sinh xã hội 1.180 tỷ đồng. Song hậu quả do bão số 3 gây ra quá lớn, cần nhiều thời gian để đưa các hoạt động trở lại bình thường.

Đồng chí Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh, phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu làm rõ các nội dung tại hội nghị, đồng chí Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh tỉnh Quảng Ninh đang tập trung khắc phục những thiệt hại lớn sau bão số 3, đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội theo kịch bản đề ra. Tuy nhiên, trong việc triển khai các nhiệm vụ cũng đặt ra những yêu cầu bổ sung sửa đổi một số chính sách cho phù hợp. Đồng chí đề nghị Quốc hội xem xét tạo cơ chế cho tỉnh Quảng Ninh chuyển tiếp tài khóa năm 2024 sang năm 2025. Bên cạnh đó, xây dựng nâng cao tiêu chuẩn thiết kế ứng phó với biến đổi khí hậu để đảm bảo các công trình, hạ tầng chống, chịu được trước những điều kiện thiên tai ở mức cao hơn. Đồng chí cũng đề nghị Luật Ngân sách nhà nước cần sửa đổi nội dung ngân sách tỉnh căn cứ vào điều kiện thực tế để chi cho các đơn vị Trung ương trên địa bàn.

Đối với Luật Quy hoạch đô thị cần phân cấp ủy quyền về nội dung phê duyệt điều chỉnh lại cho địa phương thực hiện đối với một số hạng mục như: Công trình nằm trong vùng đệm di sản; môt số công trình cấp bách… Ngoài ra, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng kiến nghị Quốc hội xem xét bổ sung, sửa đổi một số nội dung còn bất cập trong quy định của Luật Đất đai.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, ĐBQH tỉnh, nhấn mạnh mặc dù Quảng Ninh là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nhất do cơn bão số 3 gây ra nhưng tỉnh đã có sự chủ động, nhanh chóng thực hiện các biện pháp khắc phục sau bão. Đặc biệt tỉnh đã xây dựng đề án, thành lập tổ công tác để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và các lĩnh vực khắc phục sau bão số 3. Trước những khó khăn gặp phải trong năm 2024, toàn bộ hệ thống chính trị tỉnh đã thể hiện được tinh thần “Kỷ luật - đồng tâm” truyền thống của Vùng mỏ, qua đó giữ ổn định tình hình xã hội, giữ niềm tin với nhân dân, giữ được môi trường đầu tư kinh doanh.

Đây chính là sức mạnh của tỉnh Quảng Ninh để tiếp tục thực hiện các giải pháp vừa phục hồi vừa bứt phá giữ vững đà tăng trưởng 2 con số trong năm 2024, năm 2025 và những năm tiếp theo. Trong bối cảnh xung đột giữa các nước trên thế giới tác động đến nền kinh tế, cộng với những khó khăn từ hệ lụy sau cơn bão số 3, chặng đường phía trước của tỉnh còn nhiều khó khăn, do đó cần tiếp tục có sự chủ động trong việc nhận diện tình hình, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư, thích ứng, đối phó với biến đổi khí hậu, đề phòng nguy cơ sụt lún đất đá diện rộng, cháy rừng…

Đồng chí Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đánh giá những kiến nghị của tỉnh, của cử tri nhân dân về cơ chế chính sách hỗ trợ khắc phục thiệt hại do bão số 3 là rất xác đáng và thực tiễn, đề nghị Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu đầy đủ các kiến nghị của tỉnh Quảng Ninh, tổng hợp báo cáo tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, nhấn mạnh, năm 2024, trong bối cảnh cực kỳ nhiều khó khăn, thử thách chưa từng có với những tác động cực đoan của biến đổi khí hậu, bão lũ… đã tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân. Song dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, Quảng Ninh đã kiên trì, nỗ lực, chủ động vượt qua khó khăn, thử thách. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, bao trùm, thực hiện tái cơ cấu kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, du lịch, đầu tư công.

Đối với các nội dung kiến nghị của UBND tỉnh, các sở, ngành tại hội nghị, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ ghi nhận, tiếp thu, tổng hợp lại toàn bộ các kiến nghị cấp bách, chính đáng của tỉnh để báo cáo Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành trung ương giải đáp, giải quyết cho tỉnh. Đặc biệt là việc hoàn thiện thể chế chính sách, nhất là những văn bản dưới luật. Qua đó, thúc đẩy những bước cải cách, đặc biệt theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Đồng chí cũng đề nghị UBND tỉnh đẩy mạnh cải cách chế độ công chức, công quyền, hành động nhanh, quyết liệt hơn, ứng dụng công nghệ hiện đại trên các lĩnh vực.

Đồng chí nhấn mạnh, thời gian tới, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát, có thêm những ý kiến với các bộ, ngành trung ương đối với các kết quả giải quyết chưa dứt điểm; đồng thời tiếp tục theo dõi, nắm bắt việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri. Đối với các kiến nghị đề nghị bổ sung tại hội nghị, Đoàn ĐBQH và Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh nghiên cứu, tiếp thu, tổng hợp đầy đủ, tổng thể để kịp thời gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.

(Theo Báo Quảng Ninh)