Ủy ban Xã hội thẩm tra dự án Luật Việc làm (sửa đổi)
Tại phiên họp toàn thể lần thứ 13 vừa qua, Ủy ban Xã hội đã tiến hành thẩm tra dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Theo đó, trình bày Tờ trình tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, mục đích xây dựng dự án luật là nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp của hệ thống pháp luật có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả lao động.
Việc xây dựng luật quán triệt quan điểm bảo đảm quyền làm việc, phát triển nguồn nhân lực theo quy định của Hiến pháp năm 2013; thể chế hóa quan điểm, đường lối tại Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII về hỗ trợ phát triển thị trường lao động, phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm; các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu về phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm bền vững cho người lao động trong Nghị quyết số 42-NQ/TW; quan điểm, chủ trương, đường lối, nội dung cải cách về bảo hiểm thất nghiệp trong Nghị quyết số 28-NQ/TW và các văn kiện, nghị quyết có liên quan.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh trình bày Tờ trình
Dự án Luật cũng kế thừa, phát triển những quy định hiện hành phù hợp đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn, sửa đổi các quy định chưa phù hợp, bảo đảm tính khả thi, dài hạn, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; bổ sung những quy định mới phù hợp với thực trạng thị trường lao động, xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và yêu cầu hội nhập quốc tế. Tạo điều kiện thuận lợi để tất cả người lao động, trong đó có lao động không có quan hệ lao động được tham gia và thụ hưởng các chính sách, chế độ.
Tham gia thảo luận tại phiên họp, bàn về chính sách hỗ trợ tạo việc làm, nhiều ý kiến bày tỏ quan tâm đến việc hỗ trợ việc làm cho thanh niên. Theo đó, khoản 2 Điều 19 dự thảo Luật quy định 05 hoạt động hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên. Tuy nhiên, nội dung của dự thảo Luật mới có cơ chế bảo đảm thực hiện 04 hoạt động (tại các điểm a, b, c và đ), hoạt động hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp chưa có quy định cụ thể. Do đó,các đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể để bảo đảm tính khả thi của chính sách này.
Bên cạnh đó, Điều 22 của dự thảo Luật quy định về việc làm không trọn thời gian của học sinh, sinh viên đang theo học các chương trình giáo dục chính quy, các đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ một số vấn đề như: Mục tiêu của chính sách này là tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên được tham gia lao động, có thu nhập nhưng phải bảo đảm thực hiện được mục tiêu học tập. Do đó, cần làm rõ khái niệm “việc làm không trọn thời gian của học sinh, sinh viên”, đồng thời, nghiên cứu quy định rõ giới hạn thời gian lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, thời giờ làm thêm, nghỉ hưởng nguyên lương,… đối với đối tượng này.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Đặng Thuần Phong phát biểu
Thêm vào đó, việc quy định mức lương tối thiểu tại khoản 2 chưa rõ ràng. Đề nghị làm rõ mức lương tối thiểu theo giờ là mức nào, đây là mức lương tối thiểu giờ theo vùng do Chính phủ định kỳ công bố như hiện hành hay sau khi ban hành Luật Việc làm thì sẽ quy định mức lương tối thiểu theo giờ áp dụng riêng cho học sinh, sinh viên. Khoản 4 mới chỉ quy định về thực hiện theo quy định pháp luật về lao động mà chưa có quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động là học sinh, sinh viên thực hiện quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. Có ý kiến đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định này để thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội, đồng thời bổ sung đối tượng Dân quân thường trực được công nhận hoàn thành thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự.
Về đối tượng vay vốn, các đại biểu cho biết, dự thảo luật quy định “Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh…” là “đối tượng vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm”, nhưng lại không có đối tượng “Liên hiệp hợp tác xã”. Những đối tượng này cũng được tiếp cận vốn theo các quy định tại điểm a khoản 1 Điều 23 Luật Hợp tác xã và Điều 8 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, các đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát, bảo đảm việc quy định vay vốn đối với các đối tượng này tại dự thảo Luật bảo đảm thống nhất, phù hợp với các luật chuyên ngành, tránh chồng chéo, phát sinh thêm các điều kiện, thủ tục hành chính, ảnh hưởng đến hiệu quả và tính khả thi trong triển khai thực hiện. Cùng với đó, các đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, nghiên cứu bổ sung đối tượng được vay vốn là người đã chấp hành xong hình phạt tù trong các trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc…
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Trần Thị Kim Nhung phát biểu
Về chính sách cho vay hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, các ý kiến cho rằng đây là quy định mới so với Luật hiện hành nhằm thể chế văn bản của Đảng cũng như hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhằm góp phần giải quyết việc làm, thoát nghèo bền vững, từ đó, bố trí ngân sách địa phương. Thực tế cho thấy, vẫn tồn tại trường hợp lao động đi làm việc ở nước ngoài bỏ trốn. Để tránh tình trạng này, người lao động phải ký tiền ký quỹ khi đi làm việc ở nước ngoài . Tuy nhiên, việc ký quỹ cũng không giải quyết triệt để được vấn đề này. Chính vì vậy, các đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung bảo đảm nguồn vốn này.
Đối với chính sách hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi, các đại biểu đánh giá cao đề xuất của Cơ quan chủ trì soạn thảo quy định về chính sách hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi để phát huy kinh nghiệm và trí tuệ của người cao tuổi trong bối cảnh Việt Nam đang tiến tới ngưỡng “dân số già” . Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, cần nghiên cứu, rà soát bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, liên thông của các chính sách hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi với các chính sách bảo hiểm xã hội, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề, chăm sóc sức khoẻ và bảo đảm an toàn vệ sinh lao động cho người cao tuổi.
Ngoài ra, cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động và quy định cụ thể các chính sách hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi, tiếp tục quy định cụ thể chính sách của Nhà nước tại khoản 2 để khuyến khích người sử dụng lao động tuyển dụng và sử dụng người lao động là người cao tuổi...