Hội đồng Dân tộc thẩm tra dự án Luật Nhà giáo
Toàn cảnh Phiên họp
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) gồm 9 Chương với 130 Điều. Việc sửa đổi Luật Điện lực nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển điện lực với tính chất là ngành kết cấu hạ tầng kỹ thuật quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, phát triển bền vững trên cơ sở khai thác tối ưu mọi nguồn lực, với chất lượng ổn định, an toàn và kinh tế, dịch vụ văn minh, bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; khắc phục các khó khăn, bất cập trong thực tiễn triển khai thi hành Luật Điện lực năm 2004.
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) bám sát 6 chính sách đã được Chính phủ thông qua gồm: (1) quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước; (2) phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới; (3) hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực; (4) quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường; (5) quản lý, vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện; (6) an toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình thủy điện.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương điều hành Phiên họp
Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương cho biết, qua nghiên cứu dự án Luật Điện lực (sửa đổi), Thường trực Hội đồng Dân tộc đã hai lần tham gia thẩm tra dự án Luật này (cả thẩm tra sơ bộ và thẩm tra bổ sung) gồm: Báo cáo số 1728 ngày 15/08/2024 tham gia thẩm tra dự án Luật Điện lực (sửa đổi) và Báo cáo số 1854 ngày 02/10/2024 tham gia thẩm tra bổ sung dự án Luật này. Nhìn chung, Cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, giải trình các ý kiến tham gia thẩm tra của Thường trực Hội đồng Dân tộc, một số nội dung đã được hiệu chỉnh trong dự thảo Luật.
Thường trực Hội đồng Dân tộc cơ bản nhất trí với nội dung tiếp thu, giải trình của của cơ quan soạn thảo; đồng thời đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu dự thảo Luật và hiệu chỉnh dự thảo Luật đảm bảo chặt chẽ, dễ hiểu, phù hợp với thực tiễn.
Liên quan đến các nội dung đã được tiếp thu vào dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương cho biết, về chính sách phát triển điện (Điều 5), Ban soạn thảo đã tiếp thu, bổ sung địa bàn “vùng đồng bào dân tộc thiểu số” tại điểm b khoản 7 và chính sách “Ưu đãi về đầu tư, tài chính và ưu đãi, hỗ trợ khác” tại điểm c khoản 7.
Về đối tượng ưu tiên trong chính sách phát triển điện (Điều 25), Ban soạn thảo đã tiếp thu, bổ sung địa bàn “vùng đòng bào dân tộc thiểu số” tại tên Điều và khoản 3 Điều 24. Về chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo; hộ gia đình người DTTS cư trú ở thôn, xã đặc biệt khó khăn; hộ gia đình bị thiệt hại do thiên tai, cháy, nổ đã được Ban soạn thảo tiếp thu và thiết kế thành 02 chính sách mới.
Các đại biểu dự Phiên họp
Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản đồng tình và nhất trí cao với Báo cáo thẩm tra và Báo cáo thẩm tra bổ sung của Thường trực Hội đồng Dân tộc gửi Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
Cơ bản nhất trí về sự cần thiết phải xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi), các ý kiến nhận thấy, đây là dự án Luật có tác động rất lớn đến mọi mặt đời sống xã hội; là dự án luật khó, có nhiều thay đổi so Luật hiện hành (như: điều chỉnh cơ chế giá điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; bảo đảm không phân biệt đối xử trong hoạt động điện lực; kết hợp hài hòa giữa quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng sử dụng điện, đơn vị điện lực và Nhà nước,..). Tuy nhiên, dự thảo Luật còn một số quy định chưa rõ ràng.
Do đó, đề nghị cần cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng các tác động để bảo đảm tính chặt chẽ, khả thi, phù hợp của Luật, không gây xáo trộn ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, nhất là đối với các đối tượng yếu thế, vùng khó khăn, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN).
Đại biểu Hoàng Thị Đôi - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La phát biểu tại Phiên họp
Có ý kiến cho rằng, để chuyển đổi các nguồn năng lượng mới thì cần có nguồn nguyên liệu thay thế, đây là vấn đề cần được đặt ra trong quy định của luật hoặc trong các văn bản, định hướng quy hoạch của các tỉnh. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cần quan tâm vấn đề này.
Liên quan đến đất để sử dụng cho các công trình điện, có ý kiến nhận thấy, đất dành cho công trình điện tuy rất nhỏ nhưng thời gian qua vẫn xảy ra tranh chấp, gây khó khăn cho việc giải phóng mặt bằng và người dân sinh sống ở dưới đường dây truyền tải điện lớn cũng bày tỏ băn khoăn, lo lắng liệu họ có bị ảnh hưởng hay không? Vì vậy, đề nghị nghiên cứu, quan tâm thêm nội dung này.
Qua thực tiễn tại địa phương về hành lang an toàn cột tháp gió, có ý kiến nhận thấy, quy định về nội dung này trong dự thảo Luật chưa rõ, do đó đề nghị Điều 104 của dự thảo Luật quy định về hành lang bảo vệ an toàn công trình điện lực cần làm rõ hơn, cụ thể hơn nội dung này.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương phát biểu kết luận
Kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương cho biết, các ý kiến phát biểu đã làm rõ hơn một số nội dung trong Báo cáo thẩm tra của Thường trực Hội đồng Dân tộc. Tiểu ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu và tham mưu cho Thường trực Hội đồng Dân tộc, tổng hợp đầy đủ gửi Cơ quan soạn thảo và Cơ quan chủ trì thẩm tra.
Cũng tại Phiên họp, các đại biểu nghe Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương báo cáo việc thực hiện Đề án đồng bộ hóa chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách, pháp luật theo các Nghị quyết của Đảng và Hiến pháp năm 2013.
Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Phiên họp:
Toàn cảnh Phiên họp
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương điều hành nội dung thảo luận
Các đại biểu dự Phiên họp
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành phát biểu tại Phiên họp
Đại biểu Hoàng Thị Đôi - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đóng góp ý kiến tại Phiên họp
Các đại biểu dự Phiên họp
Đại biểu Siu Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai tham gia đóng góp ý kiến
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương phát biểu kết luận nội dung thảo luận./.