Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định: Đánh giá toàn diện, cụ thể hơn về kết quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính năm 2024

26/09/2024

Phát biểu kết luận nội dung cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính năm 2024 tại Phiên họp thứ 37 của UBTVQH, Phó Chủ tịch Quốc Nguyễn Khắc Định cho biết, UBTVQH đánh giá cao Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, UBTVQH đề nghị cần đánh giá toàn diện, cụ thể hơn về kết quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính năm 2024.

UBTVQH cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính năm 2024

Toàn cảnh Phiên họp

Cập nhật, bổ sung đầy đủ số liệu và tình hình

Phát biểu kết luận nội dung cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính năm 2024 tại Phiên họp thứ 37 của UBTVQH, Phó Chủ tịch Quốc Nguyễn Khắc Định cho biết, UBTVQH đánh giá cao Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC), Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã nghiêm túc thực hiện yêu cầu trong Nghị quyết của Quốc hội để xây dựng báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024 chuyển cho Thanh tra Chính phủ, giúp Chính phủ tổng hợp chung tình hình theo phạm vi quản lý của nhà nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao các cơ quan đã thực hiện thời gian tổng hợp số liệu theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là từ ngày 1/10 năm trước đến hết ngày 30/9 năm sau để đảm bảo báo cáo yêu cầu trình Quốc hội tại kỳ họp. Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, hiện vẫn còn 18 tỉnh chưa gửi báo cáo để Thanh tra Chính phủ tổng hợp chung. Vì vậy, số liệu và tình hình trong báo cáo của Chính phủ trình UBTVQH còn thiếu 18 địa phương, do đó các số liệu và tình hình chưa được đầy đủ.

Về cơ bản, Báo cáo của Chính phủ đã nêu được bức tranh tổng thể về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính của các cơ quan năm 2024, đánh giá được những kết quả đạt được, có những chuyển biến quan trọng trên các mặt nhờ sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự phối hợp của các cơ quan trung ương, địa phương và đặc biệt là có kết quả giám sát của UBTVQH sau khi UBTVQH ban hành Nghị quyết giám sát số 653. Tuy nhiên báo cáo cũng nêu các tồn tại, hạn chế, trong đó có nhiều chỉ tiêu chưa đạt, nguyên nhân, từ đó nêu ra các kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác này trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định

Qua Báo cáo của Chính phủ trình và các ý kiến phát biểu tại Phiên họp cho thấy, trong năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC, KTNN các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Những kết quả tích cực đạt được trong lĩnh vực công tác này đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và làm tăng niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước.

Nhìn chung, các ý kiến đều cơ bản thống nhất với các đánh giá, nhận định về kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và các giải pháp được nêu trong báo cáo Chính phủ và báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Pháp luật. Các ý kiến đề nghị làm rõ thêm nhiều thông tin, số liệu, tình hình kỷ luật, kỷ cương và tổng hợp trong Báo cáo trình Quốc hội.

Để tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hơn nữa chất lượng, tính toàn diện và đầy đủ của báo cáo trình Quốc hội tại kỳ họp tới, UBTVQH đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn chỉnh báo cáo, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch Quốc hội, ý kiến phát biểu của các thành viên UBTVQH và ý kiến thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Pháp luật để đánh giá toàn diện, sâu sắc, cụ thể hơn về kết quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính năm 2024, trong đó lưu ý bổ sung một số nội dung và làm rõ một số nội dung sau:

Thứ nhất, chỉ đạo rà soát, cập nhật đầy đủ tình hình số liệu về kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước, nhất là bổ sung số liệu của 18 địa phương còn thiếu. “Nếu 18 địa phương này tiếp tục chậm, một số địa phương yêu cầu bổ sung báo cáo đến 30/9 mà không có, nhưng tới đây vẫn không gửi, đề nghị công bố danh sách mới với Quốc hội và yêu cầu Đoàn ĐBQH ở đó giám sát, Thường vụ có ý kiến như vậy”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Cần có lộ trình cụ thể để giải quyết dứt điểm các vụ việc KNTC phức tạp, kéo dài

Thứ hai, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị đánh giá, làm rõ thêm đặc điểm, tình hình công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2024, xác định rõ nguyên nhân của tỷ lệ tăng, giảm số lượt, số người, số vụ và số đoàn đông người đến cơ quan hành chính nhà nước, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, nhất là việc gia tăng số lượng các đoàn đông người đến Thanh tra Chính phủ. Bên cạnh đó, cần phân loại, làm rõ những vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh, những việc tồn đọng từ những năm trước, thực trạng khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài.

Các đại biểu dự Phiên họp

Thứ ba, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, cần bổ sung, đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết, kết luận của UBTVQH liên quan đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tiếp tục rà soát, bổ sung các giải pháp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục các tồn tại, hạn chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; các nội dung cần tập trung chỉ đạo, có giải pháp, lộ trình cụ thể để giải quyết dứt điểm những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài, hạn chế tối đa việc phát sinh vụ việc mới gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội và chú ý hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra, đảm bảo giải quyết các khiếu nại, tố cáo từ cơ sở để tránh dồn lên cấp trên. Trong báo cáo cũng cần làm rõ những giải pháp trọng tâm, then chốt, mang tính đột phá, cần thực hiện ngay và những giải pháp cơ bản lâu dài.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ tăng cường đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo đảm kết nối liên thông từ trung ương đến cơ sở và các cơ quan trung ương trong cả hệ thống chính trị để theo dõi, xử lý kết quả, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH tiến hành thường xuyên công tác giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở và Chủ tịch Ủy ban nhân dân địa phương phải chịu trách nhiệm chính trong vấn đề chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo tại địa phương.

Nhấn mạnh phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể, nhân dân trong việc tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn pháp luật và động viên Nhân dân tuân thủ pháp luật tại địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị bổ sung trong báo cáo đầy đủ hơn về thông tin, về danh mục các bộ, ngành, địa phương, đơn vị làm tốt để biểu dương và cả những đơn vị chưa tốt để nhắc nhở, nhất là những nơi ít tiếp công dân, có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài, chậm giải quyết, trả lời thiếu cụ thể, trả lời chung chung, cần làm rõ vai trò trách nhiệm của người đứng đầu.

Hoàn thiện Báo cáo để trình Quốc hội tại Kỳ tại thứ 8

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận Phiên họp

Thứ tư, căn cứ vào kết quả thảo luận tại Phiên họp này, đề nghị Chính phủ hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội trước ngày 1/10/2024 và gửi ĐBQH để có thời gian nghiên cứu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban Quốc hội thẩm tra chính thức báo cáo của Chính phủ để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8. Giao Thường trực Ủy ban Pháp luật phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội chuẩn bị thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này theo quy định.

Để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8 tới, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký phối hợp với các cơ quan bố trí thảo luận nội dung này tại hội trường kết hợp thảo luận chung với các báo cáo về tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tội phạm, báo cáo về dân nguyện trong một ngày để tránh ý kiến trùng lặp. Đồng thời, thời hạn báo cáo năm nay là từ ngày 1/10 năm ngoái đến 30/9 năm nay, nhưng tiếp tục nghiên cứu, khi sửa Luật Hoạt động giám sát, phấn đấu từ năm 2025 và các năm sau, tổng hợp số liệu từ ngày 1/1 đến 31/12 để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp đầu năm, như vậy các cơ quan không phải làm báo cáo 3 lần, tránh lãng phí thời gian và công sức./.

Bích Ngọc