Pháp luật về quảng cáo cần được sửa đổi, bổ sung với tư duy, phương thức quản lý mới

15/09/2024

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đang được Chính phủ hoàn thiện và dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới. Tại Phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật này, khẳng định về sự cần thiết của dự án Luật, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phạm Nam Tiến nhấn mạnh, pháp luật về quảng cáo cần được sửa đổi, bổ sung với tư duy và phương thức quản lý mới nhằm góp phần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có ngành quảng cáo.

Thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo

Tham vấn chuyên gia về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quảng cáo và góp ý sửa đổi Luật Quảng cáo

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phạm Nam Tiến

Cần được sửa đổi, bổ sung với tư duy, phương thức quản lý mới

Tại Phiên họp thẩm tra sơ bộ, về cơ bản các thành viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đều tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo năm 2012 và cho rằng việc sửa đổi Luật ở thời điểm hiện nay đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học.

Làm rõ hơn về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Quảng cáo trong bối cảnh hiện tại, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phạm Nam Tiến cho biết, sau hơn 10 năm thực hiện Luật Quảng cáo năm 2012, hoạt động quảng cáo đã có những bước phát triển mạnh mẽ với sự gia tăng về số lượng, đa dạng về phương thức và ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại. Trong khi đó, hệ thống chính sách, pháp luật về quảng cáo đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, không theo kịp sự phát triển của thị trường quảng cáo hiện nay.

Vì vậy, Luật Quảng cáo cần được sửa đổi, bổ sung với tư duy và phương thức quản lý mới nhằm góp phần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có ngành quảng cáo; khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Quảng cáo; xây dựng thị trường quảng cáo ở Việt Nam phát triển lành mạnh, vì lợi ích chung của xã hội.

Đảm bảo cân bằng giữa kiến tạo, phát triển và quản lý

Bên cạnh mục đích, quan điểm xây dựng dự án Luật tại Tờ trình 350/TTr-CP ngày 04/7/2024 của Chính phủ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phạm Nam Tiến cho rằng trong quá trình xây dựng dự án Luật, Cơ quan chủ trì soạn thảo cần quán triệt: Thể chế hoá đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hoá, công nghiệp văn hóa, đảm bảo sự tương thích, đồng bộ với các quy định có liên quan trong hệ thống pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cần được xây dựng dựa trên những căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn rõ ràng; tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhất là ở các quốc gia phát triển, có thị trường quảng cáo chuyên nghiệp, hiện đại; lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, doanh nghiệp, hội, hiệp hội nghề nghiệp; bảo đảm tính khả thi, có tính dự báo trong bối cảnh khoa học công nghệ có những bước phát triển nhanh chóng, vượt bậc.

Toàn cảnh Phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo

Đặc biệt, cần đảm bảo hài hoà lợi ích của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo và người tiêu dùng; cân bằng giữa kiến tạo, phát triển và quản lý thị trường quảng cáo Việt Nam; có khả năng hội nhập với thị trường quảng cáo thế giới.

Đánh giá kỹ chính sách quản lý quảng cáo trên không gian mạng

Hiện tại, dự thảo Luật có bổ sung một số chính sách về quản lý quảng cáo trên mạng, trong đó có việc ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo vi phạm trên mạng, liên quan đến trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương trong việc phát hiện và xác định quảng cáo trên mạng của các tổ chức, cá nhân trong nước vi phạm pháp luật theo thẩm quyền được giao về quản lý nhà nước và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo (điểm a khoản 6 Điều 23).

Về vấn đề này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phạm Nam Tiến nêu rõ, quy định này đòi hỏi phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như có giải pháp về kỹ thuật để bảo đảm thực thi. Do vậy, Cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ để bảo đảm thi hành luật hiệu quả.

Cụ thể hơn trách nhiệm quản lý nhà nước với quảng cáo ở vùng dân tộc thiểu số

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phạm Nam Tiến cho biết, trong thời gian qua, sự bùng nổ của công nghệ thông tin đã giúp các loại hình quảng cáo trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, thiết bị điện tử thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác phát triển mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nói chung, người đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng được tiếp cận với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Tuy nhiên, nhiều quảng cáo sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, chất lượng không đúng đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại những khu vực vùng sâu, vùng xa, điều kiện tiếp cận thông tin chính thống còn hạn chế. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng lợi dụng hình ảnh người dân tộc thiểu số (trang phục, phong tục tập quán...) để quảng cáo sai sự thật.

Do vậy, để khắc phục tồn tại này, Cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể hơn trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các loại hình quảng cáo hiện nay và đánh giá tác động chính sách trong thực hiện quản lý nhà nước về quảng cáo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Cùng với đó, nghiên cứu, bổ sung những chính sách ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ, công chức thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo nhất là đối với cán bộ người dân tộc thiểu số, sinh sống tại khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Ngoài ra, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phạm Nam Tiến cũng đề nghị, Cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Báo cáo về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án Luật theo hướng thể hiện đầy đủ nội dung đánh giá tác động về giới đối với từng chính sách; tiếp tục quan tâm, rà soát các quy định có liên quan tới vấn đề bình đẳng giới để lồng ghép vào các điều, khoản cụ thể của dự thảo Luật. Đồng thời, tiếp tục rà soát kỹ thuật soạn thảo văn bản trong dự thảo Luật để bảo đảm văn phong, tính quy phạm, tính thống nhất trong dự thảo Luật với các Luật chuyên ngành khác có liên quan./.

Thu Phương

Các bài viết khác