Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế: Đảm bảo phù hợp với hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn

05/09/2024

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) theo quy trình tại một kỳ họp. Tán thành việc kịp thời sửa đổi, bổ sung, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, dự án luật nhằm đảm bảo phù hợp với hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT…. tuy nhiên, cần đánh giá đầy đủ, kỹ lưỡng các chính sách đề xuất sửa đổi.

Nghị quyết số 49/2024/UBTVQH15 ngày 22/8/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024

Sửa đổi, bổ sung những vấn đề thực sự cần thiết, mang tính cấp bách

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành Nghị quyết số 49/2024/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) theo quy trình tại một kỳ họp đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công Chính phủ trình; Ủy ban Xã hội của Quốc hội chủ trì thẩm tra; Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội tham gia thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Trong lần sửa đổi này, Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung những vấn đề mang tính cấp bách tập trung vào 04 chính sách, bao gồm: Điều chỉnh đối tượng tham gia bảo hiểm y tế đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan; Điều chỉnh phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ bảo hiểm y tế và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn; Điều chỉnh các quy định về bảo hiểm y tế có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; Phân bổ sử dụng quỹ bảo hiểm y tế hiệu quả.

Đánh giá tác động đầy đủ, kỹ lưỡng

Về nội dung này, nêu quan điểm tại Phiên họp thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, nhiều ý kiến đại biểu tán thành sự cần thiết kịp thời xây dựng và ban hành dự luật đồng thời nhấn mạnh, cần đánh giá tác động đầy đủ, kỹ lưỡng các chính sách được đề xuất. Trong đó, nghiên cứu, làm rõ hơn một số nội dung trọng tâm: về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; về bảo hiểm y tế bổ sung; phân bổ sử dụng quỹ bảo hiểm y tế;...

Theo các đại biểu, việc xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và tăng cường sự lãnh đạo, quản lý của Nhà nước về công tác bảo hiểm y tế. Đồng thời, sau 15 năm thực hiện Luật, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thi hành Luật Bảo hiểm y tế đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, bất cập cần sớm nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành cho biết, nội dung các chính sách trong đề nghị xây dựng Luật cơ bản đã phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp. Thống nhất với đề xuất điều chỉnh đối tượng tham gia bảo hiểm y tế đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành cho rằng, việc điểu chỉnh để bảo đảm đồng bộ về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc với đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong Luật Bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, đối với một số đối tượng dự kiến bổ sung vào nhóm tham gia theo hộ gia đình, như: người sinh sống, làm việc, người được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các tổ chức, cơ sở từ thiện, tôn giáo mà không thuộc các đối tượng đã được quy định trong Luật... thì chưa làm rõ được lý do bổ sung, chưa đánh giá tác động đầy đủ, nhất là điều kiện bảo đảm thực hiện chính sách. Bên cạnh đó, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, có cơ chế bảo đảm để người lao động tham gia bỏa hiểm y tế bắt buộc được chuyển sang tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện trong trường hợp người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội để tiếp tục duy trì quyền lợi bảo hiểm y tế của người lao động.

Đối với nội dung điều chỉnh phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ bảo hiểm y tế và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn, đề nghị nghiên cứu quy định về nguyên tắc vấn đề mở rộng quyền lợi bảo hiểm y tế trong lĩnh vực y tế dự phòng, sử dụng một số sản phẩm dinh dưỡng điều trị đặc thù trong Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết; về bảo hiểm y tế bổ sung đề nghị nghiên cứu, đánh giá kỹ thêm; trường hợp cần thiết đề nghị quy định thực hiện thí điểm;...

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai 

Cùng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai cho rằng, việc mở rộng một số chính sách trong dự án Luật là phù hợp với thực tiễn, đảm bảo quyền của người tham gia bảo hiểm y tế, tuy nhiên cần lưu ý, khi mở rộng cần làm rõ lộ trình tính đúng tính đủ giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh. “Hiện nay vấn đề này quy định chưa đủ, mặc dù trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định rõ Chính phủ có trách nhiệm ban hành lộ trình tính đúng tính đủ giá dịch vụ và trong Nghị quyết của Quốc hội cũng đề cập tới vấn đề này, ...”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai cho biết.

Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai cũng đề nghị, cần xác định rõ lộ trình tăng mức đóng bảo hiểm y tế, luật hiện hành quy định mức đóng là 6% nhưng chưa thực hiện trên thực tế. Đồng thời, liên quan đến quỹ bảo hiểm y tế, yêu cầu tiếp tục rà soát kỹ các nội dung về sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, thực hiện đánh giá tác động kỹ lưỡng để đề xuất giải pháp phù hợp, khắc phục tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra trong tổng kết thi hành Luật Bảo hiểm y tế thời gian qua.

Cơ bản tán thành với 04 nhóm chính sách đề xuất sửa đổi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh, cần kịp thời rà soát, sửa đổi đặc biệt là những quy định không còn phù hợp nhằm đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Mặc dù vậy quá trình xây dựng dự án Luật cần có đánh giá tác động toàn diện, kỹ lưỡng để đưa ra quy định phù hợp, mang tính khả thi cao. Trong đó, đối với quy định về bảo hiểm y tế bổ sung do đây là vấn đề lớn, cần nghiên cứu, làm rõ nội dung này; có đánh giá đầy đủ, kỹ lưỡng; đồng thời, lưu ý cách thức thống kê tham gia bảo hiểm y tế toàn dân đảm bảo chính xác, khách quan;...

Đại biểu Tô Văn Tám – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum

Nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, đại biểu Tô Văn Tám – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum đề nghị, các nhóm chính sách đề xuất trong xây dựng dự án luật cần phải bao trùm đầy đủ, toàn diện và giải quyết được một cách căn cơ, triệt để các vấn đề vướng mắc đã được chỉ ra.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế là dự án luật quan trọng, cấp bách nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các luật mới được Quốc hội ban hành như: Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Bảo hiểm y tế. Để đảm bảo trình Quốc hội cho ý kiến và xem xét, thông qua theo quy trình 1 kỳ họp tại kỳ họp thứ 8 (10/2024) tới đây, Chính phủ đã thể hiện rõ quyết tâm đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án luật và cam kết thực hiện trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hiện nay, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng đang tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật đầy đủ, đúng quy định trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9 trước khi trình Quốc hội./.

Lê Anh

Các bài viết khác