Sửa đổi Luật Địa chất và khoáng sản: Đánh giá tổng thể, khách quan, toàn diện khi phân nhóm khoáng sản

27/08/2024

Theo Chương trình, tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6 sẽ cho ý kiến vào dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Cho ý kiến về phân loại khoáng sản (Điều 7), một số đại biểu Quốc hội đề nghị cần đánh giá tổng thể, khách quan, toàn diện theo nhu cầu và tiến bộ khoa học, công nghệ phát triển và dự lường trong tương lai để phân khoáng sản thành 4 nhóm; việc phân loại phải dựa trên công dụng, mục đích quản lý và giá trị sử dụng.

ĐÁNH GIÁ KỸ TÁC ĐỘNG CHÍNH SÁCH, NẾU THAY ĐỔI CƠ QUAN LẬP QUY HOẠCH KHOÁNG SẢN

Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản dự kiến trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Sau Kỳ họp thứ 7, cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã phối hợp tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu tác động đóng góp hoàn thiện dự thảo luật. Một trong những nội dung còn có ý kiến các nhau là quy định về phân nhóm khoáng sản (Điều 7) đã được xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tại Phiên họp tháng 8).

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6 sẽ cho ý kiến dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản

Cho ý kiến về nội dung này, một số đại biểu đề nghị cần phân định rõ các loại khoáng sản cụ thể theo công dụng để bảo đảm sự thống nhất, hiệu quả trong quản lý và tránh tạo kẽ hở pháp luật có thể dẫn đến những sai phạm, thất thoát và lãng phí; Đồng thời, tháo gỡ những khó khăn trong việc khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp hiện nay; đề nghị quy định cụ thể danh mục khoáng sản theo nhóm kèm theo dự thảo Luật.

Một số ý kiến cho rằng, cách phân loại như dự thảo Luật dẫn đến việc một khoáng sản thuộc cả 02 nhóm, có thể tạo khoảng trống pháp lý dẫn đến sai phạm, thất thoát, lãng phí. Đại biểu đề nghị giải trình loại khoáng sản làm vật liệu thông thường nhóm III là loại khoáng sản cụ thể nào, đất hiếm là loại khoáng sản thuộc nhóm nào; đề nghị bổ sung đất hiếm vào nhóm I. Một số ý kiến băn khoăn về có sự lẫn lộn giữa nhóm này với nhóm khác, nhất là khoáng sản nhóm III và nhóm I, nhóm IV; đề nghị quy định phân nhóm đối với khoáng sản có nhiều mục đích sử dụng.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Liên quan đến vấn đề khoáng sản nhóm 4 để phục vụ cho việc khai thác vật liệu xây dựng phục vụ cho các công trình xây lắp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, cần quan tâm đến cải cách thủ tục hành chính và khắc phục được việc khan hiếm vật liệu để phục vụ cho các công trình cao tốc, công trình trọng điểm quốc gia. Theo đại biểu, nếu quy định quá thông thoáng, dễ dẫn tới lạm dụng, do vậy cần có biện pháp để quản lý. Đại biểu cũng đề nghị cân nhắc nếu đưa các loại đất sét vào khoáng sản nhóm IV, thì cần phải phân loại, bởi có loại đất sét có giá trị kinh tế rất cao (đất sét để làm gốm sứ giá trị còn cao hơn cả than), nếu không quản lý đất sét dễ bị trà trộn, dễ bị lợi dụng. Do vậy, trong các loại sét, cần phân loại đất sét có giá trị kinh tế cao cần được xếp vào loại khác, còn những loại sét thông thường có thể xếp vào nhóm IV.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho biết thêm, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về thực hiện chính sách pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội cũng chỉ ra tồn tại, đó là theo quy định các dự án bất động sản phải phù hợp với quy hoạch, nhưng không biết rõ nội dung nào của quy hoạch. Trong dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản vẫn có yêu cầu khoáng sản nhóm 4 phải phù hợp với quy hoạch tỉnh. Vì vậy, để quá trình tổ chức triển khai thực hiện không phát sinh vướng mắc, cần làm rõ nội dung phù hợp quy hoạch tỉnh là nội dung nào.

Cũng liên quan đến quy định về phân loại khoáng sản, một số đại biểu đề nghị xem lại quy định xếp nước khoáng chung nhóm khoáng sản với kim loại quý, đá quý (khoáng sản nhóm I) để tạo điều kiện cho người dân khai thác nguồn nước nóng thiên nhiên thu hút du lịch, qua đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Có ý kiến đề nghị việc khai thác cát chỉ để san lấp thì đưa vào nhóm IV và thực hiện đăng ký khai thác, tránh lẫn lộn giữa nhóm IV và các nhóm I, II.

Có ý kiến đề nghị xây dựng nhóm khoáng sản đặc thù bô xít, titan và có chính sách riêng phù hợp với điều kiện hiện nay; các loại khoáng sản đặc thù như bô xít, titan phân bố quá rộng tại các địa phương nên phải dừng dự án, dẫn đến địa phương không có cơ hội để phát triển.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh

Cho ý kiến về phân loại nhóm khoáng sản, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát, đảm bảo tính đồng bộ giữa các quy định và việc phân nhóm khoáng sản. Dự thảo luật phân loại dựa theo công dụng và mục đích quản lý đối với 4 nhóm khoáng sản, tuy nhiên, sự phân định rành mạch của 4 nhóm có liên quan đến quy hoạch khoáng sản và đặt ra một số vấn đề. Vì vậy, cần đánh giá một cách tổng thể, khách quan, toàn diện theo nhu cầu và tiến bộ khoa học, công nghệ phát triển và dự lường trong tương lai để phân nhóm khoáng sản thành 4 nhóm. Bởi trong 4 nhóm khoáng sản có cơ chế quản lý khác nhau; khoáng sản nhóm II, nhóm III, nhóm IV đều có thể làm vật liệu xây dựng. Trong trường hợp khoáng sản nhóm III, nhóm IV muốn được sử dụng như nhóm II, việc quản lý sẽ như thế nào? Vì vậy, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu việc phân loại như dự thảo luật có tạo thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định

Cho ý kiến về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho biết, cách tiếp cận trong dự thảo luật là phân nhóm khoáng dựa trên công dụng và mục đích quản lý. Phân loại theo công dụng của khoáng sản đã rất rõ, tuy nhiên phân loại theo mục đích quản lý rất quan trọng.

“Mục đích quản lý này là tùy từng giai đoạn có mục đích có thay đổi. Có thể có giai đoạn khoáng sản này rất nhiều thì mục đích quản lý nhẹ nhưng đến khi hiếm nên quản lý nặng thêm. Tôi rất thống nhất giao cho Chính phủ quy định chi tiết cho phù hợp với yêu cầu quản lý của từng thời kỳ và thiết kế trong luật theo hướng như vậy”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị.

Ngoài ra, một số đại biểu đề nghị quy định chặt chẽ hơn, có chế tài quản lý sản lượng khai thác khoáng sản, không để xảy ra thất thu ngân sách khi quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế. Việc phân loại các nhóm khoáng sản phải trên cơ sở cả về công dụng, mục đích quản lý và về giá trị sử dụng, không chỉ phân ra các nhóm mà ngay trong từng nhóm cũng phải có phân loại cụ thể, nhất là các khoáng sản đa mục đích và khoáng sản có nhiều công năng sử dụng.

Lan Hương