ĐBQH Lê Thị Thanh Lam: Hoàn thiện, đảm bảo tính khả thi các dự án luật trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8

27/08/2024

Sáng 27/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Chia sẻ trước thềm Hội nghị, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang Lê Thị Thanh Lam cho biết, hội nghị là bước chuẩn bị quan trọng, góp phần hoàn thiện, đảm bảo tính khả thi các dự án luật trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 tới đây.

Dự kiến Chương trình Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 6, nhiệm kỳ khóa XV

Thực hiện quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quy chế làm việc của UBTVQH, để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, UBTVQH tổ chức Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận, cho ý kiến đối với 12 dự án luật. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Nhà Quốc hội từ ngày 27 -29/8/2024.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang

Phóng viên: Thưa đại biểu, sáng 27/8, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, nhiệm kỳ khóa XV sẽ chính thức khai mạc. Vậy đại biếu có đánh giá như thế nào về nội dung cũng như ý nghĩa của Hội nghị lần này?

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang: Sáng 27/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6 để thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Cụ thể: tại Hội nghị lần này sẽ thảo luận, cho ý kiến đối với 12 dự án luật. Trong đó, có 11 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, bao gồm: Luật Địa chất và khoáng sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật Phòng không nhân dân. Đồng thời, cho ý kiến đối với 01 dự án Luật được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 là Luật Điện lực (sửa đổi), nếu được chuẩn bị tốt, Quốc hội thảo luận đạt sự đồng thuận cao thì UBTVQH xem xét, phối hợp với Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp.

Hội nghị lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện, nâng cao chất lượng các dự án luật. Đây cũng là bước chuẩn bị cần thiết nhằm tiếp tục lấy ý kiến, tạo sự đồng thuận cao đối với các dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua. Trên cơ sở đó, cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát nhằm tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo luật đảm bảo đạt chất lượng cao nhất trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 (10/2024) tới đây.

Xác định đây là các dự án luật quan trọng, có phạm vi tác động rộng, các đại biểu Quốc hội đã nghiên cứu kỹ lưỡng tài liệu và kỳ vọng sẽ đưa ra được nhiều quan điểm, ý kiến thiết thực, đóng góp hữu ích vào quá trình hoàn thiện. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng công tác lập pháp nói chung.

Phóng viên: Qua nghiên cứu tài liệu, đại biểu có nhận định như thế nào về công tác tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật được trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (10/2024) tới đây?

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang: Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các dự án Luật nêu trên đã được các vị đại biểu Quốc hội cho ý kiến phát biểu tại Hội trường và thảo luận tại tổ về những vấn đề lớn, căn bản và nhiều điều khoản cụ thể của từng dự án Luật. Tất cả các ý kiến đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo tổng hợp đầy đủ, tiếp thu tối đa để giải trình, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo.

Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, các Ủy ban của Quốc hội phối hợp với cơ quan soạn thảo cũng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, khảo sát, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan, tổ chức hữu quan để chỉnh lý các dự án Luật.

Với tinh thần “từ sớm, từ xa”, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, công tác giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật đã được triển khai khẩn trương ngay từ sau khi kết thúc kỳ họp thứ 7. Tính đến thời điểm này, qua nghiên cứu tài liệu cho thấy, đã có nhiều nội dung được tiếp thu, sửa đổi đảm bảo tính khả thi, thống nhất; nhiều nội dung đã có sự thống nhất đáp ứng yêu cầu đề ra,…

Phóng viên: Trong số 12 dự án luật xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, đại biểu đặc biệt quan tâm và có kiến nghị hoàn thiện đối với dự án luật nào?

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang: Trong số 12 dự án Luật xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, dự án Luật nào cũng quan trọng và có tác động đến đời sống xã hội cũng như sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, tôi đặc biệt quan tâm tới dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên và Luật Công đoàn (sửa đổi),…

Đối với dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, tiếp thu ý kiến ĐBQH, nhiều nội dung đã được rà soát kỹ lưỡng, nội dung dự thảo Luật đã quy định cơ bản đầy đủ các yếu tố đặc thù, chuyên biệt đối với người chưa thành niên, đồng thời bảo đảm không chồng lấn với các luật khác có liên quan. Đồng thời, quá trình tiếp thu, chỉnh lý bước đầu cũng đã bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng, nhất là Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị yêu cầu “Phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em”...

Về điều khoản cụ thể, Điều 45 dự thảo luật quy định “Hạn chế khung giờ đi lại là việc giới hạn người chưa thành niên phạm tội ra khỏi nhà vào khung giờ nhất định trong khoảng thời gian từ 18 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, trừ trường hợp được người trực tiếp giám sát thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng cho phép”. Có thể thấy, việc cấm ra ngoài trong khung giờ quy định này là phù hợp, bởi thực tế cho thấy, không ít trường hợp các em ra ngoài trong khung giờ này đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Hơn nữa, thời hạn áp dụng biện pháp này không quá dài, chỉ trong 3 đến 6 tháng. Biện pháp này cũng có sự ràng buộc cao hơn, có tính răn đe đối với người chưa thành niên phạm tội. 

Đối với Luật Công đoàn (sửa đổi), tôi rất quan tâm về công tác tổ chức công đoàn tại Khoản 3, Khoản 4, Điều 26, vì thực tiễn ở địa phương giao biên chế cho từng cấp Công đoàn khác nhau, dẫn đến sự không đồng bộ về biên chế trong cùng một cấp Công đoàn, và khó khăn trong việc quản lý, sắp xếp cán bộ Công đoàn,... Do đó, tôi tán thành đề xuất tăng quyền chủ động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong công tác cán bộ để tổ chức công đoàn chủ động hơn trong quản lý, sắp xếp cán bộ của tổ chức Công đoàn.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lê Anh - Nghĩa Đức