TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG LUÔN DÀNH SỰ QUAN TÂM SÂU SẮC ĐỐI VỚI ĐỒNG BÀO CÁC DÂN TỘC VIỆT NAM

23/07/2024

Chia sẻ với Cổng TTĐT Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm khẳng định, trên cương vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến công tác dân tộc, chính sách dân tộc và đồng bào các dân tộc Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Tổng Bí thư, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh đối với vùng đồng bào DTTS&MN, qua đó đời sống vật chất và tinh thần của bà con đồng bào được nâng lên, tạo cơ sở niềm tin vững chắc của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước.

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG DÂN TỘC Y THANH HÀ NIÊ KĐĂM: HƯỚNG TỚI MỤC TIÊU CUỐI CÙNG LÀ NGƯỜI DÂN ĐƯỢC THỤ HƯỞNG TỐI ĐA LỢI ÍCH TỪ CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA, GÓP PHẦN PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA ĐẤT NƯỚC

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG DÂN TỘC Y THANH HÀ NIÊ KĐĂM: LUÔN ƯU TIÊN CAO NHẤT CHO SỰ PHÁT TRIỂN, BẢO ĐẢM AN SINH XÃ HỘI CỦA ĐỒNG BÀO DTTS VÀ MIỀN NÚI

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm

Quan tâm sâu sát, chỉ đạo cụ thể, quyết liệt trên mọi lĩnh vực đối với đồng bào các dân tộc

Phóng viên: Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều chuyến thăm, làm việc tại các tỉnh Tây Nguyên. Trong các chuyến thăm, làm việc này, Tổng Bí thư luôn dành cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên những tình cảm và sự quan tâm sâu sắc, để lại nhiều dấu ấn sâu đậm cho đồng bào nơi đây. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc có thể chia sẻ những cảm nhận của mình về nội dung này?

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm: Trên cương vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần đến thăm và làm việc tại các tỉnh Tây Nguyên. Trong những chuyến thăm và làm việc đó, đồng chí Tổng Bí thư luôn tận tình quan tâm, trăn trở với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, mong muốn làm sao để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân vùng khó khăn này.

Trong những chuyến thăm, làm việc tại Tây Nguyên, Tổng Bí thư luôn dành những tình cảm đặc biệt, lắng nghe, chia sẻ và có những chỉ đạo cụ thể, sâu sát trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đối với đồng bào các dân tộc thiểu số. Tôi nhớ vào tháng 4/2017, trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Gia Lai, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm cán bộ và nhân dân xã Ayun, huyện Chư Sê. Đây là xã anh hùng, giàu truyền thống cách mạng, có nhiều đóng góp trong thời kì kháng chiến nhưng điều kiện kinh tế, cơ sở hạ tầng còn rất khó khăn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với hệ thống chính trị xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai (tháng 4/2017)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm bà con xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai (tháng 4/năm 2017)

Sau khi lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con xã Ayun, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo Chính phủ, các bộ, ngành ưu tiên bố trí nguồn vốn để triển khai dự án hồ thủy lợi Plei Keo. Nhờ sự chỉ đạo sâu sát của Tổng Bí thư, vào tháng 6/2018, dự án hồ thủy lợi Plei Keo được khởi công xây dựng với tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng. Đến cuối năm 2019, công trình đã được hoàn thành và phục vụ nước tưới cho khoảng 500 ha cây nông nghiệp. Nhờ có công trình hồ thủy lợi Plei Keo, đời sống của bà con đồng bào nơi đây đã bớt khó khăn, nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo, đời sống, thu nhập được cải thiện từng bước.

Tạo niềm tin vững chắc của đồng bào DTTS&MN đối với Đảng, Nhà nước

Phóng viên: Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cùng với Trung ương đã đề ra nhiều chủ trương, quyết sách lớn nhằm thúc đẩy phát triển toàn diện khu vực miền núi, biên giới, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Nhờ những chính sách đó, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) đã thay đổi và phát triển như thế nào trong thời gian qua, thưa Chủ tịch Hội đồng Dân tộc?

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm: Đồng chí Tổng Bí thư luôn quan tâm đến công tác dân tộc, chính sách dân tộc và đồng bào các dân tộc thiểu số. Dưới sự Lãnh đạo của đồng chí Tổng Bí thư, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh đối với vùng đồng bào DTTS&MN.

Theo đó, Văn kiện Đại hội Đảng khóa XI đã khẳng định vị trí, vai trò của công tác dân tộc trong chiến lược xây dựng đại đoàn kết dân tộc và cần phải có chính sách đột phá để tạo chuyển biến rõ rệt về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng DTTS.

Đại hội Đảng Khóa XII tiếp tục định hướng chỉ đạo “Tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và duyên hải miền Trung. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, người tiêu biểu có uy tín trong cộng đồng các dân tộc”.

Văn kiện Đại hội Đại biểu lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Kiên quyết đấu tranh với mọi âm mưu chia rẽ dân tộc. Phát triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh - quốc phòng trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi; gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, thực hiện tốt chính sách dân tộc; quan tâm bồi dưỡng nguồn nhân lực; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số; giữ gìn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp phát triển chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam thống nhất”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu dự Lễ Tuyên dương Người có uy tín, nhân sĩ tri thức, doanh nhân DTTS tiêu biểu toàn quốc năm 2017

Từ quan điểm, định hướng của Đảng, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp 2013, trong đó đã hiến định nhiều nội dung liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ, mối quan hệ dân tộc và chính sách dân tộc, Điều 5 quy định: “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”. Cùng với đó, nội dung tiếp tục được khẳng định là “Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện”, “tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”.

Nhằm cụ thể hóa Hiến pháp, ngày 30/10/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 65-KL/TW tiếp tục khẳng định “Kiên trì thực hiện các quan điểm của Đảng về công tác dân tộc trong Nghị quyết 24 và các nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, XI, XII; xác định công tác dân tộc là vấn đề chiến lược, cơ bản, lâu dài, cấp bách; là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của hệ thống chính trị”. Năm 2022, Bộ Chính trị ban hành các Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh các vùng phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, trong đó có các chủ trương, chính sách về công tác dân tộc được cụ thể hóa từ các nghị quyết của vùng Tây Nguyen.

Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 8 và thứ 9 của Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể và Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030.

Có thể khẳng định, từ sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được ban hành và tổ chức thực hiện đã tạo điều kiện thuận lợi để vùng đồng bào DTTS&MN phát triển trên tất cả các lĩnh vực, nhất là qua kết quả giám sát 3 Chương trình mục tiêu quốc gia vừa qua của Quốc hội khóa XV đã phản ánh rõ sự thay đổi cơ bản về hạ tầng, về diện mạo, về điều kiện của đồng bào DTTS&MN, tạo cơ sở niềm tin vững chắc của đồng bào DTTS&MN đối với Đảng, Nhà nước, và nhất là đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Phóng viên: Một trong những chủ trương, định hướng quan trọng của Tổng Bí thư cùng với Bộ Chính trị là phát triển kinh tế - xã hội vùng. Chủ tịch đánh giá thế nào về chủ trương mới này của Đảng trong thời gian vừa qua? Và chúng ta cần làm gì để tổ chức triển khai thành công những chủ trương quan trọng này và hiện thực hóa mong muốn của đồng chí Tổng Bí thư?

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm: Phát triển kinh tế - xã hội các vùng là một trong những chủ trương, đường lối hết sức quan trọng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng với Bộ Chính trị đã xác định, được thể hiện rõ nét qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và các Nghị quyết Đại hội toàn quốc của Đảng trong các nhiệm kỳ gần đây.

Trước những đòi hỏi phát triển đất nước trong tình hình mới, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định nhiệm vụ: “Cơ cấu lại kinh tế vùng, đổi mới thể chế liên kết giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng, phát huy vai trò các vùng kinh tế động lực, quan tâm phát triển các vùng còn khó khăn, thu hẹp chênh lệch phát triển giữa các vùng, phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế của từng vùng, tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng”.

Đồng bào các dân tộc xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk chào đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự Ngày hội đại đoàn kết các dân tộc vào năm 2018

Trên cơ sở vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý luận về đường lối đổi mới của Đảng, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, năm 2022, lần đầu tiên Bộ Chính trị đã ban hành 06 Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 06 Vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gồm: vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, và vùng Đồng bằng sông Hồng.

Đây là một chủ trương mới với nhiều kỳ vọng nhằm khai thác tốt hơn và phát huy tốt nhất các lợi thế của mỗi vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế - chính trị, nguồn nhân lực và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới.

Đồng chí Tổng Bí thư cùng với Bộ Chính trị xác định, mỗi vùng đều có những đặc điểm, tiềm năng, lợi thế cũng như khó khăn, thách thức mang tính đặc thù riêng. Để phát huy được tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng và cả nước, bên cạnh những chủ trương, chính sách phát triển chung cho cả nước cũng cần phải có các chủ trương, chính sách phát triển cụ thể, sát hợp, phù hợp với từng vùng.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, để thực hiện hiệu quả các Nghị quyết này, một trong những việc cần làm là phải nhận thức và giải quyết thật đúng, thật tốt mối quan hệ giữa phát triển vùng và phát triển chung của cả nước - “Cả nước vì Vùng và Vùng vì cả nước”. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các Vùng trên cả nước cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng, lòng yêu nước; tinh thần chủ động, sáng tạo; ý thức tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên, phát huy nội lực, phát huy mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế của Vùng, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức để phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, hòa nhập phát triển cùng với đất nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ân cần thăm hỏi các già làng và đồng bào các dân tộc xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk trong Ngày hội đại đoàn kết dân tộc (ảnh năm 2018)

Để có ý chí và quyết tâm biến chủ trương của Đảng thành hiện thực, trước hết phải thống nhất về tư tưởng và nhận thức. Tư tưởng có thông, nhận thức có đúng mới tạo được động lực cho hành động. Khi “trên dưới đồng lòng - dọc ngang thông suốt” thì khó khăn mấy cũng có thể vượt qua. Đó là thông điệp mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đến nhiều lần, nhất là khi tổ chức thực hiện những chủ tương lớn trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức như hiện nay.

Nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước, một trong những bài học xuyên suốt được Đảng ta đúc kết là phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Quan điểm này được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kế thừa, phát huy nâng lên và ngày càng hoàn thiện. Trong những bài phát biểu của mình, Tổng Bí thư đã khẳng định: Đại đoàn kết là nhân tố quyết định thắng lợi bền vững của sự nghiệp cách mạng nước ta. Bài học xuyên suốt về đại đoàn kết toàn dân tộc “trên dưới đồng lòng - dọc ngang thông suốt” cũng được Tổng Bí thư nhắc đến nhiều lần trong các sự kiện chính trị quan trọng, hay các hội nghị toàn quốc quán triệt triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị gần đây.

Sau khi mỗi nghị quyết về phát triển Vùng được ban hành, Bộ Chính trị đã tổ chức hội nghị toàn quốc (kể cả các địa phương không trong vùng cũng tham gia) để quán triệt, thống nhất tư tưởng và hành động, sớm biến nghị quyết thành hiện thực sinh động. Và sự phát triển của mỗi vùng liên quan mật thiết với nhau và tác động qua lại với các vùng khác.

Có thể thấy, tư tưởng chỉ đạo và những định hướng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về lĩnh vực công tác dân tộc là nền tảng vững chắc để Đảng, Nhà nước ta hoạch định chính sách dân tộc trong tình hình mới, trong đó tư tưởng về đại đoàn kết các dân tộc là tư tưởng chỉ đạo đúng đắn, xuyên suốt.

Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn Chủ tịch Hội đồng Dân tộc./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức

Các bài viết khác