CẦN CÓ PHƯƠNG ÁN, LỘ TRÌNH CỤ THỂ XỬ LÝ TRỤ SỞ, CÁN BỘ DÔI DƯ SAU SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH

22/07/2024

“Cần xác định rõ phương án, lộ trình cụ thể đối với việc xử lý trụ sở, cán bộ dôi dư sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 -2225… ” là quan điểm của nhiều ĐBQH tại Phiên họp toàn thể lần của Ủy ban Pháp luật thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 -2025 của các tỉnh Nam Định, Sóc Trăng và Tuyên Quang.

ỦY BAN PHÁP LUẬT CỦA QUỐC HỘI HỌP PHIÊN TOÀN THỂ LẦN THỨ 24

Ba địa phương đầu tiên sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2023-2025

Thực hiện Kết luận tại Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, vừa qua Chính phủ, Bộ Nội vụ, các địa phương đã khẩn trương quyết liệt, tích cực trong việc chuẩn bị Hồ sơ. Trong đó, các tỉnh Nam Định, Sóc Trăng và Tuyên Quang là 03 trong số 53 địa phương đầu tiên thực hiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) giai đoạn 2023 -2030. Cụ thể:

Phiên họp toàn thể lần thứ 24 của Ủy ban Pháp luật thẩm tra Tờ trình sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 các tỉnh Nam Định, Sóc Trăng và Tuyên Quang

Tại phiên họp toàn thể lần thứ 24 của Ủy ban Pháp luật, theo báo cáo tóm tắt về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, tỉnh Nam Định sau khi nhập huyện Mỹ Lộc vào Tp. Nam Định và thực hiện 28 phương án thành lập, sắp xếp đối 79/226 ĐVHC cấp xã để hình thành 28 ĐVHC cấp xã mới thì tỉnh sẽ giảm 01 ĐVHC cấp huyện (huyện Mỹ Lộc): Từ 10 ĐVHC cấp huyện còn 9 ĐVHC cấp huyện; giảm 51 ĐVHC cấp xã: Từ 226 ĐVHC cấp xã còn 175 ĐVHC cấp xã; tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh Nam Định là 24,24%, tăng 4,8% so với trước sắp xếp.

Đối với tỉnh Tuyên Quang, không có ĐVHC cấp huyện thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2023 -2025; ĐVHC cấp xã có 02 xã thuộc diện sắp xếp (gồm: Xã Hồng Lạc và xã Vân Sơn thuộc huyện Sơn Dương). Tỉnh Tuyên Quang đề nghị, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân cư của xã Hồng Lạc và xã Vân Sơn để thành lập xã Hồng Sơn (mới) thuộc huyện Sơn Dương. Kết quả sau sắp xếp, tỉnh Tuyên Quang giữ nguyên 07 ĐVHC cấp huyện (6 huyện và 01 thành phố) và tỷ lệ đô thị hóa 24,3%; giảm 01 xã: từ 138 ĐVHC cấp xã còn 137 ĐVHC cấp xã.

Đối với tỉnh Sóc Trăng, phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã: Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của Phường 1 với Phường 9 để thành lập Phường 1 (mới) thuộc Tp. Sóc Trăng; Cùng với sắp xếp 2 phường thì tỉnh cũng đồng thời sắp xếp lại các khóm của 02 phường này. Kết quả giảm 03 khóm (từ 10 khóm còn 7 khóm).

Kết quả sau sắp xếp, tỉnh Sóc Trăng giữ nguyên 11 ĐVHC cấp huyện (01 thành phố, 02 thị xã và 08 huyện) và tỷ lệ đô thị hóa 24, 05%; giảm 01 phường: Từ 109 ĐVHC cấp xã (80 xã, 17 phường, 12 thị trấn) còn 108 ĐVHC cấp xã (80 xã, 16 phường, 12 thị trấn).

Xác định rõ phương án, lộ trình cụ thể sắp xếp tài sản, cán bộ dôi dư sau sắp xếp ĐVHC

Cho ý kiến tại phiên họp, đa số đại biểu đánh giá cao quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện của Chính phủ và quyết tâm chính trị, sự nỗ lực, trách nhiệm cao của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị của 03 tỉnh trong việc quán triệt và khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã. Tuy nhiên, các ý kiến cũng bày tỏ băn khoăn về lộ trình, phương án cụ thể đối với việc xử lý trụ sở dôi dư, cán bộ dôi dư sau sắp xếp ĐVHC.

Đại biểu Trần Đình Gia – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh 

Tham gia góp ý tại phiên họp, đại biểu Trần Đình Gia – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh bày tỏ đặc biệt ấn tượng với Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 -2025 của tỉnh Nam Định. Qua sắp xếp, giảm 01 ĐVHC cấp huyện và  giảm 51 ĐVHC cấp xã. “Có lẽ phải có một cuộc sinh hoạt chính trị rất rộng lớn, mạnh mẽ mới tạo được sự đồng thuận lớn như vậy. Trong đó, lấy ý kiến nhân dân đã có tới 4 đơn vị với kết quả ủng hộ tuyệt đối 100%, đơn vị thấp nhất kết quả ủng hộ cũng gần tới 93%...”, đại biểu Trần Đình Gia cho biết.

Chia sẻ kinh nghiệm tại Hà Tĩnh, đại biểu Trần Đình Gia cho rằng, một trong những vấn đề lớn hiện nay sau khi thực hiện sắp xếp ĐVHC là giải quyết trụ sở dôi dư sau sáp nhập. Do đó, tại mỗi Đề án sắp xếp ĐVHV của các địa phương cần nêu rõ giải pháp, lộ trình cụ thể, rõ ràng để tháo gỡ vấn đề này, tránh vướng mắc khi thực hiện.

Theo đại biểu, vấn đề đầu tiên để giải quyết trụ sở dôi dư là phải giải quyết được vấn đề liên quan tới đất đai, chẳng hạn phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất, vấn đề định giá tài sản;…. “Đề nghị phải có sự vào cuộc quyết liệt từ phía các bộ, ngành trung ương có liên quan phối hợp cùng với địa phương để xử lý vấn đề trụ sở dôi dư, tránh lãng phí,…”, đại biểu Trần Đình Gia kiến nghị. Đồng thời, đại biểu cũng lưu ý cần có chính sách phù hợp để giải quyết, đảm bảo chế độ chính sách của cán bộ dôi dư sau sắp xếp ĐVHC.

Đại biểu Đặng Ngọc Bích – Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình

Cùng quan điểm, đại biểu Đặng Ngọc Bích – Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình cho rằng, trong thời gian vừa qua, việc sắp xếp trụ sở dôi dư là cực kỳ khó khăn, thậm chí đến bây giờ khi đi tiếp xúc cử tri tại các xã đều phản ánh nhiều trụ sở xã gần như bỏ không, gây lãng phí. Trong khi, việc giải quyết vướng mắc do liên quan đến quy trình, thủ tục cũng như việc thẩm định giá, thẩm định tài sản chưa được tháo gỡ.

“Hiện nay rất nhiều trụ sở sau sáp nhập còn mới khoảng từ 70-80%, vấn đề đặt ra là chuyển đổi mục đích sử dụng như thế nào, xác định giá để bán đấu giá chưa được giải quyết,… Trong khi đó, sau khi sáp nhập vẫn cần có các trụ sở rộng hơn, tốt hơn để người dân tới thực hiện các hoạt động liên quan tới thực hiện thủ tục hành chính. Do đó, cần tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước và nhân dân, tạo thuận lợi cho người dân trong đi lại, giao dịch,...”, đại biểu Đặng Thị Ngọc Bích nêu thực tế. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần xác định rõ hơn về lộ trình và phương án để đảm bảo phòng chống lãng phí, các hạng mục cũng như công trình của Nhà nước được sử dụng một cách hiệu quả.

Liên quan đến phương án sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức tại các ĐVHC thực hiện sắp xếp, đại biểu Đặng Ngọc Bích lưu ý, với số lượng các ĐVHC cấp huyện, cấp xã của tỉnh Nam Định tham gia thực hiện sắp xếp gồm 02 ĐVHC cấp huyện, 79/226 ĐVHC cấp xã thì số lượng cán bộ, công chức dôi dư tại các ĐVHC thực hiện sắp xếp là tương đối lớn.

Theo đại biểu, trong bối cảnh các địa phương đều đang khẩn trương chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp thì việc sắp xếp, bố trí các chức danh cán bộ chủ chốt nhanh chóng ổn định tổ chức bộ máy các cơ quan, tổ chức, đơn vị cần được địa phương đặc biệt quan tâm. Do đó, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh, tăng cường công tác tuyên truyền, bảo đảm sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, công chức khi thực hiện sắp xếp.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh  – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình 

Nêu quan điểm, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh  – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cơ bản tán thành với các Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của 03 tỉnh Nam Định, Sóc Trăng, Tuyên Quang. Theo đại biểu, có 02 vấn đề lớn cần đặt ra là việc sắp xếp đối với cán bộ dôi dư và trụ sở dôi dư sau sắp xếp ĐVHC. “Trên cơ sở thực tiễn, điều kiện kinh tế - xã hội cũng như đặc thù từng địa phương, đưa ra lộ trình, phương án sắp xếp phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích, đảm bảo hiệu quả cũng như mục tiêu của việc thực hiện sắp xếp ĐVHC ”, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cho biết.

Nhấn mạnh vấn đề sắp xếp lại trụ sở có vướng mắc ở quy định pháp luật, việc sắp xếp làm sao để không lãng phí trụ sở - tài sản công tuy nhiên đại biểu cũng đề nghị, cần phải có tầm nhìn dài hạn hơn đối với vấn đề này. Tức là, có tính toán hợp lý trong 1 giai đoạn nhất định để việc sử dụng, bố trí trụ sở hợp lý, đảm bảo tính ổn định lâu dài trong tổng thể chung của địa phương.  

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang

Đồng tình với quan điểm này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho rằng, vấn đề xử lý trụ sở dôi dư sau sắp xếp ĐVHC đã được nhắc tới nhiều lần. “Việc nhập ĐVHC cấp huyện, cấp xã đương nhiên sẽ dẫn tới thừa trụ sở. Mặc dù vậy, khi thừa ra không có nghĩa là phải xử lý ngay vì việc xử lý luôn là bất khả thi do liên quan đến nhiều quy trình, thủ tục cũng như các quy định pháp luật khác nhau. Ngoài ra, bản thân một số tài sản ngay từ khi chưa sáp nhập hiện đã là tài sản dôi dư…”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang nêu rõ.

Đề xuất cách thức cũng giải pháp đối với vấn đề , Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho rằng, trong Đề án của tỉnh cần nêu rất rõ ràng về cách thức, thời gian xử lý đối với các trụ sở dôi dư. Đồng thời, đề nghị Chính phủ yêu cầu các địa phương phải rất cụ thể khi lập Đề án, trong đó cần làm rõ trụ sở nào xử lý?, trụ sở nào chuyển thành công trình phúc lợi?; thời hạn/lộ trình xử lý và thực hiện ra sao?;…

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Phát biểu về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, theo quy định hiện nay, địa phương nào khi trình Hồ sơ Đề án cũng đều phải nêu Dự thảo kế hoạch triển khai Nghị quyết của UBTVQH về sắp sếp ĐVHC. Cụ thể, trong Hồ sơ của 3 địa phương (Nam Định, Sóc Trăng, Tuyên Quang) đã có Dự thảo kế hoạch. Vì vậy, đề nghị các địa phương trên cơ sở ý kiến tại Phiên họp có phương án cụ thể để sau khi UBTVQH thông qua Nghị quyết có thể ban hành và thực hiện ngay kế hoạch thực hiện. Trong đó, cần xác định cụ thể hơn về phương án, lộ trình xử lý các vấn đề đặt ra, nhất là liên quan đến xử lý tài sản dôi dư; sắp xếp, giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ hoạt động chuyên trách. Đồng thời, có lộ trình rõ ràng để kiểm soát và giám sát được việc thực hiện, đảm bảo tính khả thi theo từng năm trong cả một giai đoạn thực hiện.

Ngoài ra, tại phiên họp, các đại biểu cũng đề nghị, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của 03 tỉnh, chính quyền các địa phương cần lưu ý, quan tâm thực hiện một số công việc liên quan đến công tác thông tin, tuyên truyền, tạo thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân trong việc thay đổi con dấu, giấy tờ; có biện pháp huy động các nguồn lực đầu tư đối với các ĐVHC hình thành sau sắp xếp, đặc biệt là các ĐVHC đô thị; việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn; việc sắp xếp, bố trí các chức danh cán bộ chủ chốt để chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân khi sắp xếp ĐVHC,…/.

Lê Anh - Nghĩa Đức

Các bài viết khác