ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: CÔNG NHẬN QUỐC HOA LÀ BƯỚC ĐI CHIẾN LƯỢC ĐỂ CỦNG CỐ BỘ NHẬN DIỆN BẢN SẮC VIỆT NAM

16/07/2024

Ủng hộ việc lựa chọn sen hồng cho vị trí quốc hoa, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, đây sẽ là bước đi chiến lược nhằm hình thành, củng cố bộ nhận diện bản sắc Việt Nam, giúp khắc hoạ sâu đậm hình ảnh văn hóa của đất nước ta trên trường quốc tế.

ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: TẠO HÀNH LANG PHÁP LÝ THUẬN LỢI ĐỂ BẢO VỆ, PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA

ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: HÀ NỘI VƯƠN TẦM PHÁT TRIỂN, XỨNG ĐÁNG LÀ ĐÔ THỊ ĐẶC BIỆT, TRUNG TÂM KINH TẾ, VĂN HÓA, GIÁO DỤC, HỘI NHẬP QUỐC TẾ CỦA CẢ NƯỚC

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc công nhận chính thức sen hồng là quốc hoa sẽ là bước đi chiến lược nhằm hình thành, củng cố bộ nhận diện bản sắc Việt Nam, giúp khắc hoạ sâu đậm hình ảnh văn hóa của đất nước ta trên trường quốc tế

Việc đề nghị công nhận hoa sen là quốc hoa của Việt Nam đã nhiều lần được các đại biểu Quốc hội đề cập tại các Kỳ họp Quốc hội. Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt vấn đề công nhận sen hồng là quốc hoa của Việt Nam và đề nghị Chính phủ đưa ra các giải pháp để các sản phẩm từ sen Việt Nam có điều kiện phục vụ quảng bá hình ảnh Việt Nam. Về vấn đề này, Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Công nhận quốc hoa là bước đi chiến lược củng cố bộ nhận diện bản sắc Việt Nam, khắc hoạ sâu đậm hình ảnh văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế

Phóng viên: Theo đại biểu, quốc hoa có ý nghĩa như thế nào với một quốc gia và việc công nhận quốc hoa có thực sự cần thiết không?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Quốc hoa là biểu tượng sâu sắc, mang ý nghĩa văn hóa, lịch sử và tâm linh của một quốc gia, khi nhìn vào đó, người ta tìm thấy nét văn hóa và lịch sử lâu đời của đất nước đó, phản ánh những đức tính tốt đẹp của con người cũng như tâm hồn, đặc điểm dân tộc… Việc công nhận quốc hoa giúp khẳng định và tôn vinh những giá trị đặc trưng, bản sắc riêng của mỗi dân tộc, góp phần xây dựng hình ảnh, tăng cường lòng tự hào dân tộc của mỗi quốc gia.

Với Việt Nam, tôi cho rằng, việc lựa chọn và công nhận quốc hoa là rất cần thiết để chuyển tải thông điệp về cốt cách, tâm hồn con người Việt Nam cũng như tinh thần, văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Sen hồng tượng trưng cho khí phách, bản sắc tâm hồn Việt

Việt Nam chúng ta là quốc gia có nền văn hóa phong phú và đa dạng, quốc hoa ở đây không chỉ là biểu tượng của vẻ đẹp, mà còn phản ánh giá trị cao đẹp của dân tộc như: Lòng yêu nước, tính cách kiên cường, bất khuất và giàu tình cảm của người Việt… Một khi quốc hoa được công nhận chính thức, nó sẽ trở thành một biểu tượng dễ nhớ, dễ nhận diện, dễ tạo cảm hứng về tinh thần và cốt cách của dân tộc Việt Nam. Nhờ đó, giúp tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước ta trên trường quốc tế, giúp bạn bè quốc tế nhận diện và ghi nhớ đến bản sắc văn hóa độc đáo của Việt Nam.

Hơn nữa, việc lựa chọn và công nhận quốc hoa có thể tạo ra một sự kết nối mạnh mẽ giữa các thế hệ, từ quá khứ, hiện tại đến tương lai, qua đó giúp bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống.

Như vậy, với quan điểm của tôi, công nhận quốc hoa không chỉ là việc cần thiết mà còn là một bước đi chiến lược, nhằm hình thành và củng cố bộ nhận diện bản sắc Việt Nam, giúp nâng cao vị thế và khắc hoạ sâu đậm hơn hình ảnh, văn hóa của đất nước ta trên trường quốc tế.

Sen hồng tượng trưng cho khí phách, bản sắc tâm hồn Việt, xứng đáng được tôn vinh là quốc hoa

Phóng viên: Trước nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cũng như chuyên gia ủng hộ lựa chọn sen hồng là quốc hoa của nước ta. Quan điểm của đại biểu thế nào?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Tôi nghĩ, Việt Nam hoàn toàn có thể chọn sen hồng làm quốc hoa vì loài hoa này có vị trí rất quan trọng đời sống văn hóa Việt. Ông cha ta từ ngàn xưa đã rất coi trọng hoa sen và sự trân trọng ấy đã được cụ thể hóa trong nhiều họa tiết trang trí ở các đình, đền, chùa và nhiều công trình kiến trúc, điêu khắc, trang trí khác, đặc biệt là vào thời Lý, Trần. Hoa sen cũng là loài hoa duy nhất được làm bằng đồng, bằng gỗ và xuất hiện trên bàn thờ gia tiên trong gia đình người Việt…

Hoa sen từ lâu đã trở thành biểu tượng của sự thanh cao, tinh khiết và bền bỉ. Trong bùn lầy, sen vẫn vươn lên nở hoa tinh khiết, tượng trưng cho tinh thần kiên cường, bất khuất và đức tính cao cả của người Việt Nam.

Hoa sen cũng đi vào tục ngữ, ca dao, dân ca và xuất hiện nhiều trong văn học, thơ ca Việt Nam. Từ các danh nhân lịch sử như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát... đến những gương mặt hôm nay như Lê Quý Dương, Nguyễn Vĩnh Bảo, Phạm Trung Tín… cũng có biết bao áng thơ thi vị về hoa sen. Không chỉ vậy, hoa sen còn được xuất hiện rất nhiều ở các loại hình nghệ thuật khác của Việt Nam. Những hình ảnh hoa sen được khắc họa trên các công trình kiến trúc cổ, chùa chiền và các đồ dùng hàng ngày, đã khẳng định vị trí của hoa sen trong dòng chảy văn hóa và lịch sử nước nhà.

Chùa Một Cột - một trong những biểu tượng của Thủ đô cũng là sự cách điệu của một bông hoa sen nở trên mặt nước

Loài hoa này cũng có vị trí quan trọng trong Phật giáo, tôn giáo phổ biến ở Việt Nam. Hoa sen tượng trưng cho sự trong sạch, giác ngộ, lòng từ bi, nhân hậu. Hình ảnh Phật ngồi trên đài sen là biểu tượng quen thuộc và thiêng liêng trong tâm hồn người Việt. Chùa Một Cột, một trong những biểu tượng của Thủ đô cũng là sự cách điệu của một bông hoa sen nở trên mặt nước hồ.

Đặc biệt, trong thời đại Hồ Chí Minh, hoa sen còn gắn liền với hình ảnh của Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Câu thơ: "Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ" đã khắc sâu trong lòng người dân Việt, trở thành biểu tượng cho sự kết nối giữa hoa sen và Bác Hồ.

Hoa sen có vẻ đẹp toàn diện, vừa có hương, vừa có sắc, vừa có dáng. Hoa biểu hiện dáng dấp e lệ, dịu dàng của phụ nữ Việt Nam. Sen còn hiện diện rất nhiều trong đời sống ẩm thực của người Việt. Tại Không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ, Lễ hội sen Hà Nội 2024 đang diễn ra (từ 12/7 đến 16/7) nhằm chào đón bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cho nghề ướp trà sen Tây Hồ. Lễ hội cũng giới thiệu nhiều ẩm thực phong phú khác từ sen… Quả thật, ít có loài hoa nào có mặt trong mọi mặt đời sống các tầng lớp nhân dân ta như hoa sen…

Lễ hội sen Hà Nội 2024 tại không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ

Do vậy, khi đứng trước những lựa chọn khác như hoa mai, hoa đào hay hoa lan, tôi thấy rằng, hoa sen nổi bật hơn vì tính đại diện rộng rãi và không bị giới hạn theo vùng miền hay mùa vụ. Hoa sen gắn liền với đời sống thường nhật và là biểu tượng chung, dễ nhận diện, mang tính thống nhất.

Ngoài ra, hoa sen còn tượng trưng cho tính dung dị, giản đơn mà đẹp đẽ, trong đó phản ánh tinh thần, tâm hồn và lối sống của người Việt. Hoa sen mang đến thông điệp về sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên.

Bởi vậy, tôi tin tưởng rằng, với những giá trị đặc trưng, sâu sắc và phổ biến trong đời sống, văn hóa, lịch sử, hoa sen xứng đáng là quốc hoa; và trong tâm thức đại đa số người Việt, loài hoa này đã được xem như quốc hoa, biểu trưng cho khí phách, bản sắc tâm hồn Việt.

Phóng viên: Hiện nay, hoa sen trắng cũng đang là Quốc hoa của Ấn độ; hoa sen xanh là quốc hoa của Ai Cập… Vậy việc Việt Nam chọn hoa sen hồng là quốc hoa theo đại biểu có ảnh hưởng gì không?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Tôi nghĩ, việc Việt Nam chọn sen hồng làm quốc hoa thực sự không bị ảnh hưởng bởi việc hoa sen cũng được chọn làm quốc hoa của Ấn Độ hay Ai Cập. Bởi mỗi quốc gia sẽ có lý do và ý nghĩa riêng khi chọn hoa sen là biểu tượng quốc gia của mình.

Sen hồng tượng trưng cho sự trong sạch, thanh cao và phẩm giá con người Việt Nam. Loài hoa mọc từ bùn nhưng vẫn giữ được hương thơm và sự tinh khiết. Đây là biểu tượng của sự vươn lên mạnh mẽ trong mọi hoàn cảnh, phù hợp với tinh thần kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam. Trong khi đó, sen trắng Ấn Độ (Padma) mang ý nghĩa tôn giáo sâu sắc, biểu trưng cho sự sáng suốt (trong cả Hindu giáo và Phật giáo). Còn ở Ai Cập cổ đại, sen xanh (Nymphaea caerulea) là biểu tượng của sự tái sinh và mặt trời, gắn liền với các thần thoại và nghi lễ tôn giáo, tượng trưng cho sự sống vĩnh hằng.

Như vậy, mặc dù cùng chọn hoa sen, nhưng mỗi quốc gia có lại câu chuyện với ý nghĩa riêng liên quan đến loài hoa này. Tôi cho rằng, điều này thể hiện sự phong phú và đa dạng văn hóa của các quốc gia và không hề làm giảm đi ý nghĩa đặc biệt của hoa sen đối với mỗi nước.

Việc chọn hoa sen làm quốc hoa ở các quốc gia này cũng phản ánh một cách tiếp cận tích cực trong việc tìm kiếm những biểu tượng chung của sự tốt đẹp và lý tưởng chung, trở thành cầu nối văn hoá giữa các dân tộc.

Phóng viên: Mặc dù hiện nay, sen hồng đang nhận được ủng hộ của đa số nhân dân và chuyên gia cho vị trí quốc hoa. Tuy nhiên có một số ít ý kiến đề xuất, có thể chọn bộ quốc hoa gồm nhiều loại hoa, ví dụ như: Sen- Đào- Mai thay vì chỉ chọn giới hạn một loại hoa duy nhất là hoa sen để tránh sự trùng lặp với một số quốc gia khác, đồng thời thể hiện sự sáng tạo trong biểu tượng quốc hoa. Quan điểm của ông thế nào?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Tôi thấy ý kiến chọn một bộ quốc hoa như vậy cũng đáng để cân nhắc. Tuy nhiên, tôi vẫn nghiêng về lựa chọn riêng hoa sen hơn. Khi chỉ chọn một loài hoa, như sen hồng làm quốc hoa, biểu tượng này trở nên rõ ràng, đơn giản và dễ nhận diện, giúp củng cố hình ảnh quốc gia một cách mạnh mẽ hơn và không gây nhầm lẫn.

Sen hồng tượng trưng cho sự trong sạch, thanh cao và phẩm giá con người Việt Nam, mọc từ bùn nhưng vẫn giữ được hương thơm và sự tinh khiết, biểu trưng của sự vươn lên mạnh mẽ trong mọi hoàn cảnh, tinh thần kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam

Bên cạnh đó, việc chọn một loại hoa duy nhất có thể tạo ra sự tập trung và thống nhất trong lòng cộng đồng quốc gia. Một biểu tượng chung duy nhất giúp mọi người dễ dàng nhận diện và gắn kết hơn, từ đó tăng cường cảm giác đoàn kết và tự hào dân tộc.

Tôi nghĩ, chỉ chọn một loại hoa còn giúp tránh được sự phức tạp và tranh luận không cần thiết khi phải chọn nhiều loài hoa. Điều này có thể tạo ra sự đồng thuận dễ dàng hơn trong cộng đồng. Một biểu tượng đơn nhất như sen hồng sẽ giúp đơn giản hóa các chiến dịch truyền thông và quảng bá ra quốc tế. Dễ dàng hơn trong việc truyền đạt và nhận diện định dạng thương hiệu quốc gia, góp phần tăng cường hình ảnh và uy tín của Việt Nam trên thế giới.

Như vậy, chọn một loài hoa duy nhất như sen hồng làm quốc hoa có thể mang lại nhiều lợi ích, tạo sự rõ ràng và hiệu quả trong việc truyền bá hình ảnh, giá trị văn hóa của Việt Nam.

Cần có sự đồng thuận từ nhiều phía

Phóng viên: Tuy nhiên, tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã nêu ra khó khăn liên quan đến khoảng trống pháp lý về thẩm quyền công nhận quốc hoa. Đại biểu có đề xuất giải pháp gì để quốc hoa của Việt Nam sớm được công nhận trong thời gian tới?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Đúng vậy, việc lựa chọn sen hồng trở thành quốc hoa của Việt Nam sẽ còn gặp khó khăn nhất định như Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã nêu ra.

Và thực tế mặc dù sen hồng đã chiếm ưu thế, song vẫn còn một số ý kiến khác về sự lựa chọn cho vị trí quốc hoa, mỗi ý kiến đều có cái lý riêng để băn khoăn xem xét. Có những chuyên gia còn đề xuất quốc hoa là hoa mào gà, bông lúa... Những đề xuất này cũng đều có những lý lẽ riêng. Đây là vấn đề tác động đến tâm linh, tình cảm của công chúng, nên trước tiên, tôi cho rằng, đề xuất sen hồng là quốc hoa cần phải được thảo luận tại nhiều cấp độ từ các cơ quan chuyên trách cho đến các Ủy ban của Quốc hội. Đây là quy trình phê duyệt và các cuộc thảo luận có thể kéo dài do cần sự đồng thuận từ nhiều phía.

Bên cạnh đó, tôi nghĩ, các cơ quan chức năng phải tổ chức các cuộc khảo sát và lấy ý kiến từ cộng đồng để đảm bảo sen hồng là lựa chọn phù hợp và có được sự đồng thuận cao. Cùng với đó, cần có các nghiên cứu đánh giá tác động xã hội của việc chọn một biểu tượng chính thức như vậy, đảm bảo không ảnh hưởng tiêu cực tới quyền lợi của các nhóm xã hội khác.

Để hoàn thiện đề án và làm rõ tính hợp lý của việc chọn sen hồng, cũng cần tổ chức các hội thảo, nghiên cứu khoa học và mời các chuyên gia tham gia. Đồng thời cần đề xuất theo hướng xây dựng, thông qua một luật hoặc nghị định về nội dung này. Quy trình này sẽ yêu cầu sự phối hợp giữa nhiều cơ quan từ cấp trung ương đến địa phương.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Thu Phương

Các bài viết khác