SẮP XẾP, ĐỔI MỚI TỔ CHỨC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP TRONG NGÀNH GIÁO DỤC CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC

12/07/2024

Chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023” sẽ được Đoàn giám sát báo cáo tại Phiên họp tháng 8/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

NHIỀU BÀI HỌC KINH NGHIỆM TRONG SẮP XẾP, TỔ CHỨC LẠI CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP

Đến thời điểm hiện tại, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023” đã làm việc với Chính phủ, 16 bộ, ngành, đơn vị và 9 địa phương.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên

Qua làm việc với các bộ, ngành, địa phương cho thấy, lĩnh vực giáo dục chiếm gần 80% tổng số đơn vị sự nghiệp công lập trong cả nước, nếu thực hiện tốt việc sắp xếp đơn vị hành chính theo Nghị quyết 19-NQ/TW (Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập) sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa và kết quả chung cho cả nước. Tính đến ngày 31/12/2023, tổng số đơn vị sự nghiệp công lập trong ngành giáo dục là 37.792 đơn vị, chiếm đến 79,4% tổng số đơn vị sự nghiệp công lập trong cả nước. Vì vậy, việc sắp xếp đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW trong cả nước.

Tuy nhiên, qua làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đoàn giám sát nhận thấy vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, tồn tại, bất cập trong sắp xếp, đổi mới tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập, khiến kết quả thực hiện chưa đạt như mong muốn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai, thành viên Đoàn giám sát cho biết, theo phương hướng sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị giữ lại một số đơn vị như: Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP. Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu thiết kế trường học, Ban Quản lý các dự án Bộ Giáo dục, Viện nghiên cứu cao cấp về Toán và một số đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Cục, Văn phòng, như Trung tâm truyền thông và sự kiện, Trung tâm Phát triển giáo dục đào tạo. Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn lý do vì sao Bộ lại đề xuất giữ lại các đơn vị này; việc giữ lại các đơn vị này sẽ ảnh hưởng như thế nào tới mục tiêu giảm 10% các đơn vị sự nghiệp công lập theo yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW. Bởi qua làm việc với Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho thấy, việc sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập khá khó khăn.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Thoa

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Thoa quan tâm đến hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập sau sắp xếp. Đại biểu nhận thấy, việc thực hiện cơ chế giao tự chủ cho đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo phụ thuộc khá lớn vào mức thu học phí. Tuy vậy, quy định về học phí hiện nay còn nhiều bất cập, trong 3 năm vừa qua, Nghị định 81/2021/NĐ-CP (quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo) đã lùi thời gian thực hiện. Nếu triển khai thực hiện Nghị định 81, ngành giáo dục và đào tạo có giải pháp như thế nào đối với nhóm sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hoặc những nhóm ngành khoa học cơ bản, chế độ học phí sẽ được áp dụng như thế nào.

Đại biểu cũng đề cập đến việc sáp nhập 3 loại hình trung tâm ở cấp huyện, bao gồm: Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Hướng nghiệp và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp. Bởi theo phản ánh của các địa phương, việc tổ chức hoạt động của các trung tâm này rất khó khăn, rất nhiều vướng mắc.

Chia sẻ với Bộ Giáo dục và Đào tạo khi thực hiện tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW chịu tác động lớn. Đại biểu cho biết, mặc dù trong báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo không nêu khó khăn khi tiến hành sắp xếp các đơn vị trực thuộc Bộ, nhưng khi thực hiện ở địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn: “Các địa phương kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ cho phép địa phương được tuyển biên chế 100% hợp đồng lao động giáo viên còn thiếu so với chênh lệch giữa số người làm việc được giao và định mức theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong quá trình tiến hành sắp xếp, mặc dù có những trường thiếu nhưng hiện nay mới chỉ sử dụng được 70% và địa phương kiến nghị được sử dụng 100%”. Đại biểu Trần Thị Hoa Ry cũng đặt câu hỏi, tại sao trong hướng dẫn chỉ cho sử dụng 70% trong biên chế được giao.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Trung Thành

Còn theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Trung Thành, Nghị quyết 19-NQ/TW đề ra yêu cầu hình thành các trường phổ thông nhiều cấp học, nhưng thực hiện theo nhu cầu và điều kiện thực tế của địa phương và thu gọn các điểm trường để thuận lợi cho người dân và cũng phù hợp với điều kiện của địa phương. Như vậy, Nghị quyết 19-NQ/TW không yêu cầu bắt buộc phải thực hiện, mà thực hiện phải phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của địa phương. Qua giám sát, đại biểu cho biết, nhiều địa phương rất lúng túng trong việc thực hiện các mô hình trường phổ thông nhiều cấp.

Có ý kiến đại biểu cho rằng, việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công không chỉ thuần túy là giảm số lượng về đầu mối, tinh giản số lượng biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước, mà cần phải quan tâm hơn đến việc sắp xếp cơ cấu lại sao cho hợp lý hơn, hiệu quả hơn, nâng cao hơn nữa dịch vụ công và quan trọng là đem lại lợi ích tốt nhất cho xã hội khi cung cấp dịch vụ công. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa cho biết, qua giám sát ở cơ sở, nhiều địa phương phản ánh: thiếu các thông tư quy định về vị trí việc làm trong cơ sở đại học công lập; thiếu quy định về chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non, trung học phổ thông từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hóa cao; thiếu quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học sư phạm. Theo đại biểu, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong những lĩnh vực này để góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng – Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát

Liên quan đến biên chế và định mức, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng – Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành định mức số lượng người làm việc tại các cơ sở giáo dục, tức là số giáo viên tính trên số học sinh và lớp học tại Thông tư 20 năm 2023 nhưng các địa phương đều phản ánh nếu thực hiện đúng định mức của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định sẽ luôn luôn trong tình trạng thiếu biên chế. Ngoài ra, việc tinh giảm biên chế đối với những người làm các chức danh kế toán, y tế học đường tại các trường mầm non, trường phổ thông và các chức danh lái xe, bảo vệ, nhân viên phục vụ… cũng khó thực hiện ở địa phương. Qua giám sát cho thấy, tại các cơ sở giáo dục, việc không có chức danh kế toán, nhất là chức danh y tế học đường sẽ không đảm bảo yêu cầu về theo dõi sức khỏe của học sinh…

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc

Báo cáo thêm về những nội dung thành viên Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết, nhìn chung Bộ Giáo dục và Đào đã thực hiện tốt và đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu như Nghị quyết 19-NQ/TW đã đề ra. Tính đến ngày 31/12/2023, tổng số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo là 57 đơn vị, giảm 10 đơn vị so với trước đây, đạt tỷ lệ 14,9% (mục tiêu nêu trong Nghị quyết 19-NQ/TW là trên 10%); năm 2015 biên chế khoảng 30.800 người, đến nay giảm còn khoảng 21.000 người, đạt mục tiêu đề ra. Chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo giảm trên 20% và hiện nay cũng đang tiếp tục giảm.

Đối với các cơ sở giáo dục đào tạo trên cả nước thuộc phạm vi quản lý ngành, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, giai đoạn 2015-2021, tổng số các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo (từ mầm non đến tiểu học, THCS, THPT) giảm được 9,88%, gần đạt 10% mục tiêu đề ra, từ khoảng 41.000 cơ sở giảm xuống còn trên 37.000 cơ sở. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2021-2023 chỉ giảm được 1,57%, điều đó có nghĩa là những đơn vị có khả năng sắp xếp được trong giai đoạn đầu đã cố gắng sắp xếp. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có các văn bản hướng dẫn địa phương sắp xếp, tinh gọn đầu mối trường lớp; ban hành các văn bản hướng dẫn liên quan đến sắp xếp đội ngũ nhà giáo…

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho rằng, trong giai đoạn tới, việc thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW sẽ gặp khó khăn khi tiếp tục giảm 10% đầu mối, giảm 10% biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước, giảm 10% chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước. Trong khi đó, dân số mỗi năm tăng gần 1 triệu người, như vậy, số lượng học sinh mầm non mỗi năm tăng 400.000 - 500.000 học sinh. Tăng số học sinh đặt ra yêu cầu có thêm trường lớp và thêm giáo viên, nếu tiếp tục tinh giảm sẽ gặp không ít khó khăn. Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Về thực hiện mô hình trường phổ thông nhiều cấp, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó tiểu học sẽ học hai buổi/ngày, nếu gộp lại thành trường liên cấp, cấp Tiểu học và THCS cũng khác nhau về thời gian học, về tâm sinh lý, cách quản lý, có một số nơi gộp mầm non vào tiểu học, giáo dục thường xuyên vào phổ thông. Vấn đề này Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản nhắc nhở các địa phương thực hiện đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả như Nghị quyết 19-NQ/TW; thực hiện được mục tiêu tinh giản, tinh gọn nhưng phải hiệu lực, hiệu quả, phải đảm bảo được mục tiêu của giáo dục.

Lan Hương

Các bài viết khác