CẦN XÁC ĐỊNH RÕ KHÁI NIỆM, NỘI HÀM CỦA CÔNG CHỨNG ĐIỆN TỬ

10/07/2024

Tán thành việc bổ sung quy định về công chứng điện tử trong dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong hoạt động công chứng, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong các giao dịch... tuy nhiên, một số ý kiến ĐBQH đề nghị, cần xác định rõ khái niệm, nội hàm của công chứng điện tử để thống nhất cách hiểu và áp dụng pháp luật.

TẠO CƠ SỞ PHÁP LÝ CHO BƯỚC PHÁT TRIỂN MỚI CỦA HOẠT ĐỘNG CÔNG CHỨNG

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Dự án Luật Công chứng (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 gồm 10 chương, 78 Điều, được xây dựng trên cơ sở giữ nguyên 09 điều, sửa đổi 61 điều, giảm bớt 12 điều và bổ sung 09 điều mới trong tổng số 81 điều của Luật Công chứng năm 2014.

Trong đó, công chứng điện tử là nội dung hoàn toàn mới so với Luật hiện hành được quy định từ Điều 59- Điều 62. Cụ thể: Dự thảo Luật đã bổ sung 04 điều để quy định một số vấn đề cơ bản nhất về công chứng điện tử nhằm tạo cơ sở pháp lý cho chuyển đổi số hoạt động công chứng. Theo đó, công chứng điện tử là việc công chứng được thực hiện bằng phương tiện điện tử để tạo lập văn bản công chứng điện tử; việc công chứng điện tử phải bảo đảm các nguyên tắc cụ thể; việc cung cấp dịch vụ công chứng điện tử chỉ được thực hiện khi đáp ứng các điều kiện cụ thể. Đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định về khái niệm, thời điểm có hiệu lực, giá trị của văn bản công chứng điện tử và việc chuyển đổi hình thức giữa văn bản công chứng điện tử và văn bản công chứng giấy; quy định 02 quy trình gồm công chứng điện tử trực tiếp và công chứng điện tử trực tuyến.

Trên cơ sở các quy định cơ bản nêu trên, dự thảo Luật giao Chính phủ quy định các vấn đề cụ thể về công chứng điện tử và triển khai thực hiện quá trình chuyển đổi số hoạt động công chứng trên thực tế. Cụ thể: giao Chính phủ quy định về phạm vi các giao dịch được công chứng điện tử căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội, nhu cầu và khả năng cung cấp dịch vụ công chứng điện tử trong từng thời kỳ (khoản 3 Điều 59); quy trình, thủ tục công chứng điện tử (khoản 3 Điều 62).

Đại biểu Vương Quốc Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Quan tâm tới nội dung này, đại biểu Vương Quốc Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đánh giá cao việc cơ quan chủ trì soạn thảo đã dành riêng một chương quy định về công chứng điện tử. Tuy nhiên, theo đại biểu các quy định tại chương này còn rất khái quát, khó thi hành trong thực tiễn. Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xác định rõ hơn về nội hàm của thuật ngữ công chứng điện tử. 

Đại biểu phân tích, theo Khoản 1 Điều 59 của dự thảo Luật, công chứng điện tử là việc công chứng được thực hiện bằng phương tiện điện tử, tạo lập văn bản công chứng điện tử theo khuyến nghị của Liên minh Công chứng Quốc tế. Công chứng điện tử không chỉ đơn thuần là việc công chứng viên dùng chữ ký số chứng nhận vào các tài liệu giao dịch dân sự mà là cả một quá trình với rất nhiều công đoạn và công đoạn nào cũng quan trọng, cần thiết. Trong các công đoạn trên phải sử dụng rất nhiều loại công cụ công nghệ khác nhau để thực hiện. Ngoài yếu tố về công nghệ, công chứng viên phải sử dụng trình độ chuyên môn, kỹ năng hành nghề để giải thích pháp luật, hướng dẫn các bên thực hiện đúng quy định của pháp luật. Do vậy, đại biểu cho rằng khái niệm tại khoản 1, Điều 59 chưa phản ánh được hết các công đoạn, cũng như toàn bộ quá trình của việc công chứng điện tử...

Đại biểu nhấn mạnh, hiện nay Chính phủ đã và đang tiến hành xây dựng, vận hành khung kiến trúc Chính phủ điện tử. Theo đó, các thủ tục liên quan đến hoạt động công chứng điện tử sẽ trở thành cổng thành phần trong khung kiến trúc Chính phủ điện tử và tương tự như nhiều quá trình chuyển đổi số của các dịch vụ công khác. Việc chuyển đổi các yếu tố từ công chứng truyền thống sang công chứng điện tử không thể tiến hành ngay lập tức mà sẽ tích hợp vào những phương thức và đang được công chứng viên áp dụng theo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới và khuyến nghị của Liên minh Công chứng Quốc tế...

Từ lập luận nêu trên, đại biểu tỉnh Quảng Nam đề xuất, cần xác định nội hàm công chứng điện tử như sau: “Công chứng điện tử là việc công chứng viên thực hiện một phần hay toàn bộ thủ tục công chứng trên không gian mạng để tạo lập văn bản công chứng điện tử.”

Ngoài ra, để đảm bảo tính khả thi của các quy định liên quan đến công chứng điện tử sau khi Luật công chứng sửa đổi được ban hành, tránh tình trạng chờ đợi văn bản hướng dẫn, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung: Các nguyên tắc đảm bảo an toàn thông tin của hệ thống thông tin công chứng; Quy tắc kiểm tra trực tuyến, tính tự nguyện, năng lực hành vi dân sự cá nhân, năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân; Xác định phạm vi được sử dụng công chứng điện tử; Xác định tính chính xác của công chứng điện tử; Trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng trong quá trình giao dịch công chứng của người yêu cầu công chứng, công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng.

Đại biểu Lại Văn Hoàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình 

Cùng quan điểm, đại biểu Lại Văn Hoàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình nhận định, một trong những điểm mới quan trọng lần này của dự luật là bổ sung quy định về công chứng điện tử. Đồng thời, khẳng định quy định như dự thảo là cần thiết nhằm xây dựng hành lang pháp lý cho việc thực hiện và công nhận công chứng điện tử; phù hợp với việc đẩy mạnh chuyển đổi số và xu thế chung của thế giới .

Tuy nhiên, theo đại biểu cần quan tâm, dự liệu đối với các vấn đề, khó khăn đặt ra khi thực hiện quy định công chứng điện tử trong thực tiễn. “Việc thực hiện không đơn giản, đặc biệt khi nạn giấy tờ giả, nhất là những dạng giấy tờ trong chứng nhận về quyền sở hữu tài sản hay quyền sử dụng về đất là một trở ngại lớn trong việc công chứng điện tử, …”, đại biểu nêu vấn đề.

Vì vậy để xây dựng được thể chế và thúc đẩy được công chứng điện tử, theo đại biểu cần phải có sự thay đổi đồng bộ của hệ thống pháp luật. Tại dự thảo luật mới chỉ là những quy định, nguyên tắc điểm cốt lõi nhất và giao Chính phủ quy định chi tiết về quy trình và thủ tục. Vì vậy, cần nghiên cứu làm rõ, bổ sung một số nội dung cần thiết đảm bảo triển khai hiệu quả trên thực tiễn, cụ thể: Bổ sung quy định cụ thể hơn về trình tự, thủ tục, hồ sơ công chứng điện tử để bảo đảm kiểm soát việc thực thi lộ trình công chứng điện tử do Chính phủ quy định vẫn phải đáp ứng các yêu cầu của công chứng nội dung, bảo đảm tính xác thực, hợp pháp của các giao dịch được công chứng;,...

Đại biểu Nguyễn Thị Lan – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội, việc bổ sung quy định về công chứng điện tử như trong dự thảo sửa đổi là phù hợp và đáp ứng với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện nay, theo báo cáo và các nghiên cứu của cơ quan soạn thảo, rất nhiều các quốc gia, nước tiên tiến trên thế giới đã áp dụng công chứng điện tử. Do đó, việc xem xét để thúc đẩy chuyển đổi số trong giao dịch dân sự, kinh tế để đảm bảo đồng bộ với các quy định mới của Luật Giao dịch điện tử năm 2023 là cần thiết.

“Công chứng điện tử là sự thay đổi về phương thức thực hiện công chứng chứ không được làm thay đổi bản chất và đặc điểm của mô hình công chứng nước ta là công chứng nội dung, hoạt động công chứng phải bảo đảm chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch...”, đại biểu Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh.

Đại biểu cũng bày tỏ ủng hộ quan điểm không nên giới hạn phạm vi công chứng điện tử nhưng cần phải thận trọng về vấn đề này. Do đó, có thể nghiên cứu giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện cụ thể để phù hợp với lộ trình xây dựng nền kinh tế số, xã hội số của Việt Nam, sự phát triển trí tuệ nhân tạo trên thế giới.

Ngoài ra, các đại biểu cũng lưu ý, khi giao dịch dân sự được thực hiện trên môi trường điện tử, quy trình công chứng cũng cần được điều chỉnh để bảo đảm các yếu tố cốt lõi trong hoạt động công chứng nội dung, bao gồm: Bảo đảm tính xác thực về nhân thân; Bảo đảm tính xác thực về ý chí; Bảo đảm ý chí được thể hiện đúng và đầy đủ; Bảo đảm giấy tờ, tài liệu công chứng được đối soát chính xác, đầy đủ; Bảo đảm tính xác thực về thời gian, địa điểm tiến hành giao dịch;… Đồng thời, đề nghị có giải pháp khắc phục được các hạn chế mà công nghệ chưa thể thực hiện thay con người để có cơ sở thực hiện theo lộ trình./.

Lan Anh

Các bài viết khác