TRIỂN KHAI ĐỒNG BỘ, QUYẾT LIỆT, PHẤN ĐẤU ĐẠT MỨC CAO NHẤT CÁC CHỈ TIÊU QUỐC HỘI GIAO TRONG NĂM 2024

05/07/2024

Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã giao Chính phủ tổ chức thực hiện quyết liệt, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Để đạt được mục tiêu đề ra, một số đại biểu đã gợi mở, đề xuất các giải pháp cần tập trung thực hiện, như: ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức; hoàn thiện thể chế; tiếp tục thực hiện chính sách cải cách tiền lương...

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 29/06: BẾ MẠC KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHOÁ XV

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi – Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng cho rằng, các nội dung trong Nghị quyết Kỳ họp thứ 7 đã bao quát các quyết sách quan trọng, cần thiết, cấp bách để kịp thời giải quyết những vướng mắc trong thực tế hiện nay. Chính phủ cần sớm triển khai những quyết sách quan trọng đã được Quốc hội thông qua vào cuộc sống, theo kịp hơi thở cuộc sống hàng ngày, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và Nhân dân cả nước.

Nhận định về tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt từ 6,0 - 6,5% (theo Nghị quyết 103/2023/QH15 ngày 09/11/2023 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024), đại biểu Nguyễn Chu Hồi cho rằng, thời gian từ nay đến cuối năm, công tác chỉ đạo, điều hành cần quyết liệt hơn, với các giải pháp tổng thể. Với mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%, đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã gần bám sát mục tiêu cần đạt được. Đại biểu bày tỏ kỳ vọng mục tiêu Quốc hội giao sẽ đạt được. Tuy vậy, lưu ý trong hai quý còn lại của năm 2024 cần phấn đấu tăng trưởng cao hơn hai quý đầu năm. Do đó, yêu cầu đặt ra vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô; sớm đưa các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 vào cuộc sống.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi – Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng 

Đại biểu nhấn mạnh, trong hai quý đầu năm 2024, mặc dù tình hình kinh tế-xã hội của đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ đã tạo ra chuyển biến đáng ghi nhận. Trong bối cảnh hiện nay, vai trò chỉ đạo, điều hành càng quan trọng, cần có sự thống nhất từ trung ương đến địa phương, để hiện thực hóa quan điểm chung tay và đồng hành bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Đánh giá cao Quốc hội thông qua một luật sửa bốn luật, với mục tiêu sớm đi vào cuộc sống 5-6 tháng so với quy định về thời điểm có hiệu lực của các luật, nhưng đại biểu cho rằng, cần chuẩn bị thật tốt, quyết liệt, nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành để luật thực thi trong cuộc sống.

“Các luật, nghị quyết được Quốc hội ban hành không chỉ cụ thể hóa bằng các văn bản hướng dẫn thi hành, mà cần hiện thực hóa trong cuộc sống mới có tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội, khi đó, cử tri cả nước và Nhân dân mới cảm nhận rõ tác động của chính sách”, đại biểu Nguyễn Chu Hồi nêu quan điểm.

Cùng với đó, cần có sự phối hợp cấu trúc ngang (giữa các bộ, ngành) và cấu trúc dọc (giữa trung ương và địa phương)  bằng cách phân cấp mạnh, nhưng cần có độ mở của cơ chế, chính sách, tránh tình trạng phân cấp theo kiểu chuyển giao nhiệm vụ cho cấp dưới nhưng cấp dưới không có căn cứ để thực hiện phù hợp với tình hình của từng địa phương. Vì vậy, đại biểu cho rằng, cần có sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, sự phối hợp giữa chính quyền các địa phương, các mục tiêu Quốc hội giao mới có thể đạt được.

Ngoài ra, theo đại biểu Nguyễn Chu Hồi, cần tiếp tục tập trung vào 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) để tạo sự phát triển bứt phá; tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, chủ động, tích cực, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm…

Quan tâm đến chính sách cải cách tiền lương không làm tăng giá cả các mặt hàng trong những tháng còn lại của năm 2024, đại biểu Trần Đình Gia – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, đây là lần tăng lương cao nhất từ trước đến nay. Bên cạnh sự phấn khởi, người lao động cũng có tâm trạng lo lắng làm sao chính sách nâng lương đem lại giá trị thực sự cho người có thu nhập từ lương cũng như người dân không có lương.

Theo đại biểu, nếu tăng lương lạm phát ổn định, giá cả các mặt hàng không tăng là điều rất tốt. Còn nếu tăng lương mà giá cả cũng tăng thì không đem lại lợi ích gì cho người có thu nhập từ lương và càng gây khó khăn cho những đối tượng không có lương.

“Bên cạnh tăng lương, thời gian tới, Chính phủ cần thực hiện thật tốt các biện pháp để kiểm soát lạm phát, bảo đảm giá cả các mặt hàng không tăng. Đó mới là ý nghĩa của việc tăng lương lần này”, đại biểu Trần Đình Gia đề nghị.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh

Nhận định về thách thức trong thời gian tới, đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 của kinh tế thế giới bình quân khoảng 3,8%. Dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2024 cũng không mấy sáng sủa.

Nhìn lại quá trình thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 trong 2 năm 2022 - 2023 đến nay, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, đã có thành công nhất định. Trong bối cảnh khó khăn đó, Chính phủ, Bộ Tài chính đã điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả. Thu ngân sách vẫn đạt và vượt dự toán đề ra. Nợ công giảm mạnh... Quý I/2024, GDP Việt Nam đạt 5,66%. So với tốc độ tăng trưởng bình quân thế giới chỉ 3%, chúng ta đạt mức khá, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh kết quả đạt được trong những tháng đầu năm 2024, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, vẫn còn một số khó khăn cần tiếp tục tháo gỡ, đó là số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng tới 20%, cần có những chính sách đồng bộ hỗ trợ cho doanh nghiệp. Theo đại biểu, doanh nghiệp cần nhất chính là thể chế, một môi trường thuận lợi, tạo ra sự cạnh tranh công bằng. Cùng với đó, doanh nghiệp cần thêm hỗ trợ về thuế, phí như miễn, giảm, giãn, hoãn một số khoản thuế, phí và tiền thuê đất.

“Chúng ta còn dư địa tiếp tục dùng đòn bẩy chính sách tài khoá hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi phát triển tốt hơn. Khi doanh nghiệp phục hồi thì sẽ có công ăn việc làm cho người dân”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu quan điểm.

Theo đại biểu, bối cảnh kinh tế thế giới thời gian qua không thuận lợi, thậm chí bất lợi đối với nền kinh tế có độ mở như Việt Nam. Vì vậy, chúng ta phải tương thích với bất ổn, khó lường, khó dự báo trên toàn cầu và hiện Việt Nam vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát nhưng có một số dấu hiệu cảnh báo cần được lưu tâm, đó là: tỷ giá tăng, lạm phát cao hơn so với bình quân các năm trước, cần phải tăng cường kiểm soát và có phương án, kịch bản ứng phó phù hợp.

Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục tập trung 3 động lực là: xuất khẩu; đầu tư; tiêu dùng và 3 đột phá là: thể chế; hạ tầng và nguồn nhân lực. Ngoài ra, cần tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy nhanh tiến độ phê duyệt các quy hoạch và giải ngân vốn đầu tư công.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng đề xuất cần tiếp tục hỗ trợ vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để có nguồn vốn cho vay hỗ trợ việc làm, giúp cho học sinh, sinh viên mua sắm thiết bị máy vi tính học tập; hỗ trợ vay vốn nhà ở xã hội… Gói hỗ trợ này cần tiếp tục triển khai hỗ trợ cho đối tượng yếu thế trong xã hội, góp phần giảm nghèo bền vững.

Phiên Bế mạc Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV

Trước đó, trong phiên Bế mạc Kỳ họp thứ 7 (29/6), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. Nghị quyết nêu rõ: Quốc hội đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương; biểu dương tinh thần nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân đã hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023 và những tháng đầu năm 2024.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp tục triển khai đồng bộ, kịp thời, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra; theo dõi sát diễn biến, dự báo tình hình trong nước và thế giới, có giải pháp chính sách phù hợp, sát thực tiễn, cụ thể, khả thi để khắc phục các tồn tại, hạn chế và tổ chức thực hiện quyết liệt, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Đồng thời, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp:

Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp quản lý thị trường vàng; bảo đảm thị trường vàng ổn định, lành mạnh;  Đẩy mạnh hỗ trợ, phục hồi thị trường du lịch; căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, có giải pháp phù hợp, bảo vệ và bảo đảm số lượng tàu bay, năng lực khai thác của các hãng hàng không trong nước;

Đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, hoàn thiện thể chế, các quy định về chế độ, chính sách, phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài; tập trung hoàn thiện thể chế để khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, khắc phục triệt để tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của cán bộ, công chức; nâng cao đạo đức công vụ và kỷ luật, kỷ cương hành chính, gắn với trách nhiệm người đứng đầu;

Tập trung thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 theo chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, phấn đấu cơ bản hoàn thành trong tháng 9 năm 2024, bảo đảm ổn định tổ chức để các địa phương tiến hành đại hội Đảng bộ các cấp ở cơ sở năm 2025....

Lan Hương

Các bài viết khác