LUẬT ĐỊA CHẤT VÀ KHOÁNG SẢN KỲ VỌNG GÓP PHẦN ĐỂ VIỆT NAM ĐẠT ĐƯỢC MỤC TIÊU HÌNH THÀNH NỀN CÔNG NGHIỆP KHAI KHOÁNG TIÊN TIẾN
XEM XÉT KỸ LƯỠNG VỀ VIỆC CẤP GIẤY PHÉP KHAI THÁC KHOÁNG SẢN
Sau 13 năm thi hành Luật Khoáng sản năm 2010, hệ thống văn bản pháp luật về khoáng sản cơ bản đầy đủ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản; đẩy mạnh điều tra địa chất về khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; quản lý khoáng sản ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Nhiều chính sách quan trọng vẫn còn nguyên giá trị và được tiếp tục kế thừa.
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Địa chất và khoáng sản tại Kỳ họp thứ 7
Tuy nhiên, trong quá trình thực thi Luật vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Thứ nhất, Luật Khoáng sản chưa quy định quản lý nhà nước về địa chất, nhất là quản lý thống nhất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành; đặc biệt chưa thống nhất quản lý thông tin, dữ liệu địa chất như Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị đã nêu.
Thứ hai, thủ tục hành chính cấp phép về khoáng sản làm vật liệu san lấp còn phức tạp; chưa phân loại các đối tượng khoáng sản để áp dụng thủ tục hành chính tương ứng, phù hợp (thủ tục của mỏ đất san lấp phải thực hiện như một mỏ vàng).
Thứ ba, việc thu tiền cấp quyền khai thác theo trữ lượng khoáng sản còn gặp nhiều bất cập như: Tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo trữ lượng khoáng sản được phê duyệt chưa đảm bảo tính chính xác; Thu tiền cấp quyền khai thác trước khi tiến hành khai thác không tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ bản mỏ; Trường hợp khai thác không đủ trữ lượng được cấp phép hiện chưa có quy định việc hoàn trả tiền cấp quyền.
Với những tồn tại, bất cập nêu trên, dựa trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã xem xét, quyết định đưa dự án Luật Địa chất và khoáng sản vào Chương trình xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
Gắn kết chặt chẽ, hiệu quả từ khâu quy hoạch, điều tra, thăm dò, khai thác đến chế biến và sử dụng khoáng sản
Dự án Luật Địa chất và khoáng sản trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 được xây dựng gồm 117 điều và được bố cục thành 12 chương, tăng 01 chương và 31 điều (so với Luật Khoáng sản năm 2010), tăng 01 chương và giảm 19 điều (so với Đề cương đã được thông qua).
Một trong những nội dung được đưa vào dự án Luật Địa chất và khoáng sản là Trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản được quy định tại Điều 15. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh có liên quan tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản nhóm 1; quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản nhóm 2. Đóng góp ý kiến về nội dung này, tại Kỳ họp thứ 7, các ĐBQH đã bày tỏ nhiều quan điểm. Tuy nhiên, các ĐBQH đều thống nhất cho rằng, việc giao cho Bộ ngành, cơ quan nào chịu trách nhiệm trong lập quy hoạch khoáng sản đều phải bảo đảm sự phân công, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, phát huy được tối đa năng lực tổ chức của các cơ quan quản lý nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản và công nghiệp khai khoáng.
Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp
Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp thống nhất giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ liên ngành học, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, thăm dò, khai thác khoáng sản của nhóm 1 và nhóm 2; đồng thời sửa đổi luật hiện hành là quy định cho Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng. Quy định này nhằm thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về tài nguyên quốc gia, đồng bộ với việc Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, kiểm tra, thanh tra hoạt động khoáng sản, phù hợp với chủ trương mỗi việc giao cho một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm.
Theo Đại biểu Phạm Văn Hòa, việc phân công cho nhiều cơ quan lập quy hoạch sẽ có những bất cập, chồng chéo, mất thời gian về thủ tục hành chính. Riêng quy hoạch của nhóm 3, nhóm 4 thuộc thẩm quyền của cấp nào cũng cần ghi cho rõ để dễ thực hiện, có thể giao cho Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh.
Đóng góp ý kiến về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản ở Điều 15 dự án Luật, đại biểu Trần Thị Kim Nhung – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh tán thành rất cao với ý kiến thứ 2 trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đó là giao cho Bộ Công Thương để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản nhóm 1 và tương tự; giao cho Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch khoáng sản đối với nhóm 2.
Đại biểu Trần Thị Kim Nhung – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh
Theo đại biểu Trần Thị Kim Nhung, nên giữ quy định như vậy với 3 lý do. Thứ nhất là không gây xáo trộn về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm quản lý của Nhà nước về khoáng sản, bởi vì sự thay đổi này chưa cần thiết và cũng chưa được đánh giá tác động. Thứ hai là quán triệt nghiêm túc với yêu cầu tại Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị là gắn kết chặt chẽ, hiệu quả từ khâu quy hoạch, điều tra, thăm dò, khai thác đến chế biến, sử dụng khoáng sản. Thứ ba, nếu giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì lập quy hoạch, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ vừa là cơ quan lập, vừa là cơ quan quản lý quy hoạch, đồng thời cũng là cơ quan cấp phép hoạt động khoáng sản. Như vậy, ở một góc độ nào đó, có thể có quan điểm coi đây là một quy định có nguy cơ tiềm ẩn phát sinh tiêu cực, tham nhũng.
Cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước
Dự án Luật Địa chất và khoáng sản quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức lập quy hoạch khoáng sản nhóm 1 và nhóm 2. Đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, việc khai thác, quản lý khoáng sản nhóm 1, nhóm 2 thuộc Bộ, ngành nào thì Bộ, ngành đó lập quy hoạch, thăm dò, khai thác khoáng sản và phê duyệt sau khi có ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Như vậy sẽ đảm bảo sự thống nhất giữa quy hoạch và quản lý, khai thác khoáng sản.
Đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc
Đại biểu Hoàng Thị Đôi – Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La nêu quan điểm: Nội dung quy định tại Điều 15 như trong dự án Luật Địa chất và khoáng sản chưa có tính kế thừa những quy định về chức năng, nhiệm vụ của các Bộ đã được thể chế hóa tại Luật Khoáng sản, Luật Quy hoạch, nghị định của Chính phủ, Luật Tổ chức Chính phủ. Quy định như Điều 15 của dự án Luật sẽ dẫn đến mâu thuẫn đi kèm theo đó là các chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn của địa phương bị xáo trộn, không thống nhất và nảy sinh nhiều bất cập. Đại biểu Hoàng Thị Đôi cho rằng, tác động chính sách này liên quan đến phân giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước chưa được cơ quan soạn thảo đánh giá, phân tích đầy đủ.
Các Bộ quản lý chuyên ngành là Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng thực hiện rà soát, điều chỉnh theo nhu cầu sử dụng của các ngành công nghiệp luyện kim, vật liệu xây dựng là phù hợp với thực tiễn, giúp gắn kết, hài hòa giữa việc thăm dò, khai thác với chế biến, sử dụng khoáng sản để đảm bảo nguồn nguyên liệu vừa đủ, cần thiết phục vụ sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng. Việc quy định này bảo đảm sự phân công, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, phát huy được tối đa năng lực tổ chức của các cơ quan quản lý nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản và công nghiệp khai khoáng theo tinh thần Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị. Vì vậy, việc giao Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng làm quy hoạch là phù hợp với các quy định hiện hành tại Luật Quy hoạch, Luật Khoáng sản và Luật Tổ chức Chính phủ và không gây mâu thuẫn, chồng chéo với các quy định pháp luật khác.
Đại biểu Hoàng Thị Đôi - Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La
Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự án Luật Địa chất và khoáng sản sẽ tiếp được cơ quan soạn thảo, thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu tối đa những ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, Bộ ngành để trình Quốc hội xem xét thông qua nếu đủ điều kiện tại Kỳ họp thứ 8 dự kiến diễn ra vào tháng 10/2024./.