Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ gồm 09 chương, 65 điều, quy định về phạm vi điều chỉnh đối với hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; quy định về phòng cháy, về chữa cháy, về cứu nạn, cứu hộ; quy định về xây dựng, bố trí lực lượng, nhiệm vụ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; về phương tiện phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ; về bảo đảm điều kiện cho hoạt động này; quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ; về điều khoản thi hành...
Mục đích xây dựng Luật nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy; cụ thể hóa và tạo cơ sở pháp lý để bảo đảm thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân. Đồng thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác bảo đảm an ninh, trật tự; bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân; tạo môi trường an toàn phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường giải pháp phòng ngừa, phân công, phân cấp gắn trách nhiệm trong hoạt động phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ.
Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến vấn đề xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được quy định tại Điều 9 của dự thảo Luật. Các ý kiến đề nghị cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy để đảm bảo tính thống nhất khi thực hiện.
Đại biểu Đào Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ
Quan tâm đến nội dung này, đại biểu Đào Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ cho rằng, hiện nay ở nước ta có khoảng 220 tiêu chuẩn quy định có liên quan với lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, trong đó có 94 tiêu chuẩn quy định trực tiếp điều chỉnh về lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy như thiết kế, lắp đặt kỹ thuật, phương tiện, phương pháp kiểm tra, thử nghiệm hoạt động đối với các chủng loại phương tiện phòng cháy, chữa cháy.
Tuy nhiên, hiện nay có nhiều loại hình cơ sở mới đã xuất hiện như nhà ở nhiều căn hộ, nhà chuyển đổi công năng tính chất thành nhà nghỉ, khách sạn, văn phòng cho thuê, karaoke, nhà dân kết hợp để sản xuất và kinh doanh xen cài trong khu dân cư, nhà máy lọc hóa dầu, công trình nhiều tầng hầm, hầm đường bộ, hầm đường sắt, một số dự án, công trình đặc thù phải áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật của nước ngoài. Vì vậy, đại biểu Đào Chí Nghĩa đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, rà soát, bổ sung các quy định cụ thể tại dự thảo Luật lần này về xây dựng áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, nhất là những quy định có tính đặc thù về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phù hợp với tình hình của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế.
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng
Bàn về hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho rằng, không thể phủ nhận hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy đã góp phần không nhỏ vào việc định hình hệ thống quy định kỹ thuật nền tảng về an toàn cháy cho nhà và công trình, giảm rủi ro và thương vong cho con người.
Theo thống kê, các bộ, ngành đã xây dựng tổng cộng trên 230 tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia có hiệu lực, trong đó có trên 100 tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia chuyên về phòng cháy, chữa cháy và 130 tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia có nội dung liên quan đến phòng cháy, chữa cháy. “Có những quy chuẩn kỹ thuật vừa được ban hành đã được thay thế bằng tiêu chuẩn mới, cụ thể là 3 năm 3 quy chuẩn. Chỉ riêng việc đọc và hiểu các thay đổi trong những quy định như trên đã rất vất vả, chưa nói đến việc triển khai thực hiện. Một số tiêu chuẩn, quy chuẩn thiếu thực tế và không có tính khả thi khi thực hiện”, đại biểu nêu rõ. Vì vậy, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh kiến nghị Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, sửa đổi lại các tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy để đảm bảo tính thống nhất khi thực hiện, tránh phiền hà cho doanh nghiệp và người dân.
Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc
Nêu quan điểm về nội dung này, đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị nên chỉnh sửa lại tên Điều 9 cho phù hợp, bởi quy chuẩn là giới hạn cho phép, còn tiêu chuẩn kỹ thuật là quy định bắt buộc áp dụng, do đó cần được điều chỉnh lại như sau: “Xây dựng, áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ”.
Tại điểm b khoản 2 của Điều này quy định “trường hợp lựa chọn, áp dụng tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy thì phải thực hiện đầy đủ quy định của tiêu chuẩn đó”. Đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng, quy định như vậy là chưa phù hợp, đề nghị quy định lại như sau: “trường hợp lựa chọn, áp dụng tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy khác phải được cơ quan có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản”. Đồng thời đề nghị xem lại điểm d khoản 2 của Điều 9, bởi nội dung này trùng với điểm a khoản 2 của Điều này.
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc nhận thấy, việc xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy, quy định kết quả thẩm tra, thiết kế phòng cháy, chữa cháy phải tuân thủ quy định pháp luật quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn được áp dụng theo Điều 9 của dự thảo Luật.
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp
“Vấn đề này rất cần thiết, tuy nhiên theo nhiều ý kiến của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quy định này quá khắt khe, việc áp dụng tiêu chuẩn của châu Âu chưa thực tế ở nước ta. Họ cho rằng, thiết kế tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy ở những nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh cần vốn đầu tư rất cao, giá vật tư mua của các cơ sở dịch vụ lĩnh vực này khá đắt đỏ. Nếu mua không đúng tiêu chuẩn, thương hiệu theo quy định thì sẽ không được thẩm định, cấp giấy phép đủ điều kiện để được sản xuất, kinh doanh”, đại biểu nêu dẫn chứng.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, trong tình hình hiện nay, việc xảy ra cháy, nổ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội. Những nơi xảy ra cháy thường là khu dân cư xuống cấp, dịch vụ karaoke, nhà trọ mini, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhà ở hẻm, ngõ ngách, nơi chứa chất dễ cháy và đây cũng là những nơi chữa cháy rất khó khăn.
Để quy định có tính ràng buộc, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị cần phân biệt các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh dễ cháy nổ thì quy định khắt khe về phòng cháy, chữa cháy, về quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật, đối với các cơ sở ít xảy ra cháy, dễ dàng cứu chữa thì quy định phòng cháy an toàn, đối với các cơ sở khác thì cần có dụng cụ chữa cháy. Quy định như vậy sẽ giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân.
Đại biểu nhận thấy, đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh dễ cháy nếu không có đủ điều kiện để phòng cháy thì cơ sở đó có thể chuyển hình thức sản xuất, kinh doanh sang lĩnh vực khác, như vậy sẽ phù hợp với mọi loại hình sản xuất, kinh doanh trong phòng cháy, chữa cháy. Còn nếu quy định chung một quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, áp dụng chung cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh xem ra chưa hợp lý. Do đó, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị cần cân nhắc lựa chọn phù hợp./.