ĐBQH NGUYỄN THỊ THU HÀ: CẦN CÓ CƠ CHẾ ĐẶC THÙ TRONG HOẠT ĐỘNG THĂM DÒ, ĐÁNH GIÁ TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN

28/06/2024

Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Địa chất và khoáng sản, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề nghị bổ sung, có cơ chế đặc thù để phục vụ hoạt động khoan thăm dò, đánh giá tài nguyên khoáng sản dưới rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.

QUỐC HỘI NGHE TỜ TRÌNH VÀ BÁO CÁO THẨM TRA VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐỊA CHẤT VÀ KHOÁNG SẢN

Quốc hội thảo luận toàn thể ở Hội trường về dự án Luật Địa chất và khoáng sản. 

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 28/6, Quốc hội thảo luận toàn thể ở Hội trường về dự án Luật Địa chất và khoáng sản. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung làm việc.

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh bày tỏ nhất trí về sự cần thiết phải ban hành Luật Địa chất và khoáng sản để thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản, công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời đáp ứng yêu cầu khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; hoàn thiện các quy định về đấu giá khai thác khoáng sản, thăm dò, khai thác khoáng sản phù hợp với thực tiễn và kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, chống tiêu cực, lãng phí, tăng nguồn thu cho ngân sách và bảo vệ quyền, lợi ích quốc gia.

Thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo Luật, bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cũng tham gia ý kiến vào các điều khoản cụ thể cần nghiên cứu để hoàn thiện dự án Luật.

Đối với quy định về giấy phép khai thác khoáng sản để phù hợp với khoản 26, Điều 3 về giải thích từ ngữ, công suất khai thác là khối lượng khoáng sản tối đa có thể khai thác được trong cùng trong một khoảng thời gian nhất định theo dự án đầu tư khai thác, đại biểu đề nghị cần điều chỉnh nội dung trong giấy phép khai thác khoáng sản là công suất khai thác phương án để phù hợp với điều kiện thực tế của các dự án khai thác đầu tư thống nhất đồng bộ với thời hạn hoạt động của dự án đầu tư.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh góp ý dự án Luật Địa chất và khoáng sản.

Tại Điều 29 khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị bổ sung, có cơ chế đặc thù được sử dụng tạm thời đất rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, phục vụ khoan thăm dò, không phải chuyển đổi để làm đường, làm nền khoan và đánh giá tài nguyên khoáng sản cho quốc gia, sau khi khoan thăm dò xong thì sẽ được phục hồi hoàn trả.

“Hoạt động thăm dò là công tác nghiên cứu khoa học nhằm đánh giá hoạt động tài nguyên khoáng sản cho quốc gia, và việc chỉ sử dụng tạm thời một phần diện tích rừng tự nhiên sau khi khoan thăm dò xong sẽ được phục hồi và hoàn trả theo Điều 14 của Luật Lâm nghiệp, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thì cần có cơ chế đặc thù đối với việc sử dụng tạm thời đối với diện tích đất này”, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cũng đề nghị bổ sung cơ chế đặc thù cho khai thác hầm lò dưới rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ không phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng vì hoạt động khai thác các dự án có liên quan đến đất rừng tự nhiên, quy hoạch rừng phòng hộ, rừng đặc dụng về cơ bản đều là dự án khai thác hầm lò. Hoạt động khai thác dưới sâu không làm ảnh hưởng đến bề mặt đất rừng, không cần phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.

Đối với quy định về thời hạn hoạt động của dự án đầu tư cho khu kinh tế thực hiện tại địa bàn có điều kiện xã hội khó khăn hoặc các địa bàn khác là không quá 70 năm, đại biểu đề nghị thời hạn khai thác xây dựng cơ bản, thời gian khai thác và thời gian đóng cửa mỏ được xác định là không quá 30 năm và có thể được gia hạn nhiều lần nhưng tổng thời gian gia hạn không quá 20 năm.

Các đại biểu dự phiên họp.

Tại Điều 65 về giám đốc điều hành mỏ, có quy định khai thác khoáng sản phải có giám đốc điều hành mỏ và giám đốc điều hành mỏ chỉ điều hành một giấy phép khai thác khoáng sản. Theo đại biểu thì quy định này sẽ gây bất cập bởi thực tế thời gian vừa qua tình trạng trong một mỏ thì có nhiều giấy phép khai thác sẽ nhiều giám đốc điều hành, gây khó khăn trong công tác tổ chức quản lý và triển khai các thủ tục. Vì vậy, đại biểu đề nghị khai thác khoáng sản phải có giám đốc điều hành mỏ và giám đốc điều hành mỏ chỉ điều hành một mỏ khai thác khoáng sản trừ trường hợp quy định, chứ không phải đây là một giấy phép khai thác khoáng sản.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cũng đề nghị bổ sung làm rõ nội dung quy định về trách nhiệm quyền hạn của giám đốc điều hành mỏ như quy định giám đốc điều hành mỏ khai thác hầm lò phải có bằng kỹ sư hoặc tương đương chuyên ngành khai thác mỏ hoặc xây dựng mỏ với thời gian làm việc trong lĩnh vực khai thác tại hầm lò ít nhất là 5 năm.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng quy định này chưa phù hợp với thực tế đặc thù công việc của kỹ sư khai thác mỏ trong đó chủ yếu tham gia vào quản lý thực hiện nhiệm vụ về chuyên môn kỹ thuật và một phần tham gia trực tiếp khai thác. Do đó cần điều chỉnh thành giám đốc điều hành khai thác mỏ lộ thiên phải có bằng kỹ sư tương đương với chuyên ngành khai thác mỏ, thời gian làm việc trong lĩnh vực khai thác tại mỏ lộ thiên ít nhất là ba năm. Trường hợp kỹ sư địa chất hoặc tương đương phải được đào tạo bồi dưỡng về kỹ thuật khai thác mỏ và có thời gian làm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản mỏ nội thiên ít nhất là 5 năm./.

Trọng Quỳnh

Các bài viết khác