ĐBQH TẠ THỊ YÊN: ĐÁP ỨNG YÊU CẦU GẮN KẾT CHẶT CHẼ, HÀI HÒA QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ VỚI NÔNG THÔN

25/06/2024

Góp ý về dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và Quy hoạch nông thôn, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên cho rằng, việc xây dựng dự thảo Luật sẽ góp phần đáp ứng yêu cầu gắn kết chặt chẽ, hài hòa quy hoạch phát triển đô thị với nông thôn.

ĐBQH TẠ THỊ YÊN: TẠO ĐIỀU KIỆN THÚC ĐẨY ĐỔI MỚI ĐÀ NẴNG VÀ VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM MIỀN TRUNG - TÂY NGUYÊN

ĐBQH TẠ THỊ YÊN: TIẾP TỤC TẬN DỤNG CƠ HỘI THÚC ĐẨY CÁC NGÀNH CÔNG NGHIỆP MỚI

Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn là nhằm tạo cơ sở pháp lý, công cụ quản lý đồng bộ, toàn diện, thống nhất để điều chỉnh hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, khắc phục được các tồn tại, hạn chế, bất cập và khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu đối với giai đoạn phát triển mới của đất nước; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, Nhân dân và xã hội.

Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn trình Quốc hội tại Tờ trình số 133/TTr-CP ngày 09/4/2024 được thiết kế với 05 Chương, 08 Mục, 61 Điều. Sau khi nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, dự thảo Luật được chỉnh lý thành 06 Chương, 65 Điều.

Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đề xuất là: “Luật này quy định về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh, tổ chức quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn và quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn”.

Chiều ngày 10/6, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ về dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Dự kiến sáng ngày 28/06 tới, Quốc hội sẽ cho ý kiến chính thức ở hội trường về dự án này.

Gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa quy hoạch phát triển đô thị với nông thôn

Góp ý về dự thảo Luật này, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên bày tỏ nhất trí với việc ban hành Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn để đáp ứng các yêu cầu của Đảng và Nhà nước về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị, gắn kết chặt chẽ, kết hợp hài hòa giữa quy hoạch phát triển đô thị với nông thôn, nhất là gắn với xây dựng nông thôn mới.

Theo đại biểu Tạ Thị Yên, với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, khu vực nông thôn thuần túy sản xuất nông nghiệp sẽ dần thu hẹp và ngày càng xuất hiện nhiều thị tứ, thị trấn theo hướng đô thị hóa ở khu vực vốn là nông thôn. Quy luật phát triển của các quốc gia đi trước chúng ta đã cho thấy rõ viễn cảnh không xa đó.

Do đó, việc thống nhất hóa các quy định về quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn trong cùng một Luật, hoàn thiện các quy định về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn, quy định về lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn, các quy định về lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch, nguồn kinh phí và các quy định có liên quan khác nhằm nâng cao chất lượng, tính khả thi của quy hoạch đô thị và nông thôn là rất cần thiết.

Ngoài các khái niệm hiện hành trong các luật quy hoạch và xây dựng, đại biểu cho biết, dự án Luật đã bổ sung thêm 15 khái niệm, gồm: Nông thôn, quy hoạch đô thị và nông thôn, không gian đô thị và nông thôn, kiến trúc đô thị và nông thôn, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, khu đầu mối hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch không gian ngầm, không gian ngầm, công trình ngầm, chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật, đất xây dựng, hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, tổ chức quản lý quy hoạch, cơ quan chuyên môn về quy hoạch đô thị và nông thôn, hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quy hoạch đô thị và nông thôn... là rất cần thiết.

Theo đại biểu Tạ Thị Yên, việc quy định rõ các khái niệm, từ ngữ được sử dụng trong dự thảo Luật sẽ bảo đảm việc thực hiện pháp luật được đầy đủ, hiệu quả, phản ánh đúng bản chất của nó.

Thống nhất với quy định về loại, cấp độ quy hoạch

Đại biểu Tạ Thị Yên cũng bày tỏ đồng tình cao với việc quy định rõ hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn về loại, cấp độ quy hoạch; làm rõ mối quan hệ với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, bảo đảm thống nhất, đồng bộ về quy hoạch, phù hợp, thống nhất với quy định tại Luật Quy hoạch năm 2017.

Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên cho rằng, việc xây dựng dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn sẽ góp phần đáp ứng yêu cầu gắn kết chặt chẽ, hài hòa quy hoạch phát triển đô thị với nông thôn

“Việc quy định như vậy phù hợp với thực tiễn các quy hoạch đô thị là thành phố, thị xã thuộc tỉnh; thị trấn, khu chức năng, huyện và xã là cụ thể hóa của quy hoạch tỉnh, mang tính chất kỹ thuật chuyên ngành cao để hướng tới quản lý dự án đầu tư xây dựng.”, đại biểu nói.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, việc quy định các khu vực của đô thị đã phát triển ổn định, được định hướng bảo tồn, hạn chế phát triển thì cho phép thực hiện lập thiết kế đô thị riêng hoặc quy chế quản lý kiến trúc làm cơ sở quản lý, phát triển là hợp lý.

Tăng cường phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn là hợp lý

Ngoài ra, đại biểu cũng bày tỏ thống nhất với việc tăng cường phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn.

Dự thảo Luật quy định Bộ Xây dựng chỉ chủ trì, phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập quy hoạch chung đô thị mới có phạm vi quy hoạch liên quan đến địa giới hành chính của hai tỉnh trở lên; quy hoạch đô thị, quy hoạch khu chức năng do Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo đại biểu, việc tăng cường phân cấp cho các địa phương tổ chức lập quy hoạch chung đô thị mới sẽ tạo điều kiện để các địa phương, cơ quan chủ động trong công tác quy hoạch, đáp ứng nhu cầu quản lý và phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng khu vực theo từng giai đoạn cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ lập, thực hiện dự án đầu tư xây dựng.

Cần thiết bổ sung nội dung quy hoạch không gian ngầm

Cùng với đó, đại biểu Tạ Thị Yên cũng ủng hộ sự cần thiết bổ sung, quy định rõ về nội dung quy hoạch không gian ngầm đối với các đô thị trực thuộc tỉnh và quy định quy hoạch không gian ngầm được lập riêng đối với các thành phố trực thuộc Trung ương và đô thị mới dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương do quy mô dân số lớn, quỹ đất xây dựng đô thị là hạn chế, để tận dụng cả về chiều cao lẫn chiều sâu của không gian đô thị. 

Đại biểu cho rằng, việc lập riêng quy hoạch không gian ngầm đối với thành phố trực thuộc trung ương nhằm tối ưu hóa trong khai thác hệ thống hạ tầng kỹ thuật, khai thác quỹ đất tại khu vực trung tâm, tạo điều kiện để thu hút, thúc đẩy sớm các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng ngầm gắn với hệ thống giao thông ngầm; hướng tới đồng bộ, hiện đại về hạ tầng kỹ thuật và khai thác sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, đất đai, giữ gìn các giá trị văn hóa lịch sử, nhất là vùng lõi đô thị cổ cần bảo tồn. Kinh nghiệm quốc tế đã cho thấy rõ xu thế tất yếu này.

Đảm bảo tính khoa học, đúng đắn trong đề xuất điều chỉnh quy hoạch

Đại biểu Tạ Thị Yên cũng khẳng định, việc bổ sung, quy định chặt chẽ hơn về điều kiện, yêu cầu đối với việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch là nội dung rất cần thiết, nhằm tháo gỡ một số tồn tại, bất cập trong thực tiễn triển khai thời gian qua khi dự án đầu tư xây dựng  thay đổi mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư song không nằm trong các điều kiện để điều chỉnh quy hoạch dẫn tới việc triển khai lập dự án đầu tư xây dựng gặp khó khăn, chậm tiến độ.

Theo đại biểu, việc quy định rõ nội hàm của các điều kiện điều chỉnh quy hoạch để đảm bảo tính khoa học, đúng đắn trong việc đề xuất điều chỉnh quy hoạch và hạn chế các lợi ích nhóm khi điều chỉnh quy hoạch.

“Việc bổ sung yêu cầu phải đánh giá tác động của việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch, bảo đảm không làm quá tải hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tuân thủ quy chuẩn về quy hoạch đô thị và nông thôn là cần thiết.”, đại biểu nói.

Cần có chế tài khi không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quy định về rà soát, điều chỉnh quy hoạch

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cũng cần có thêm quy định về chế tài đối với cơ quan, tổ chức khi không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quy định về rà soát, điều chỉnh quy hoạch.

Đại biểu cho biết, khi nghiên cứu quy định tại khoản 1 Điều 43 dự thảo Luật cho thấy, dự thảo Luật đã đề cập đến nội dung: Định kỳ hoặc khi xuất hiện các điều kiện điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch đô thị và nông thôn phải được xem xét rà soát, đánh giá quá trình triển khai thực hiện để kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ bảo đảm phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn.

Một trong những điều kiện điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn đó là: Quy hoạch đô thị và nông thôn không thực hiện được hoặc việc triển khai thực hiện gây ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và môi trường sinh thái, di tích lịch sử, văn hóa được xác định thông qua việc rà soát, đánh giá thực hiện quy hoạch và ý kiến cộng đồng.

Theo đại biểu, việc quy định các cơ quan có thẩm quyền, chủ đầu tư có trách nhiệm rà soát, đánh giá quá trình triển khai thực hiện quy hoạch theo định kỳ và khi xuất hiện các điều kiện điều chỉnh quy hoạch để kịp thời điều chỉnh hoặc huỷ bỏ đảm bảo phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn là cần thiết, bởi thực tế hiện nay vẫn còn tình trạng quy hoạch treo, quy hoạch quá thời hạn không được triển khai thực hiện gây khó khăn cho người dân trong việc ổn định cuộc sống.

Tại trang 21 Báo cáo số 111 của Bộ Xây dựng về tổng kết thi hành Luật, ở mục đánh giá những mặt còn tồn tại, hạn chế trong công tác rà soát và điều chỉnh quy hoạch đã nhận diện: “Trong triển khai thực tế, công tác rà soát, đánh giá quá trình thực hiện quy hoạch đôi khi còn chưa được kịp thời; nội dung đánh giá còn chưa đầy đủ, thấu đáo ...”; “… Trên thực tế, một số đồ án quy hoạch chung khi thực hiện điều chỉnh tổng thể quy hoạch đều tại thời điểm chưa triển khai thực thiện hết thời hạn quy hoạch (20 – 25 năm)…”.

Đại biểu cho rằng, một trong những nguyên nhân của tồn tại, hạn chế nêu trên đó là pháp luật hiện hành về quy hoạch chưa có sự thống nhất, đồng bộ, chưa có quy định làm rõ cơ chế kiểm tra, giám sát về thực hiện công tác quy hoạch, chưa kiên quyết làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch.

Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Luật nội dung quy định về kiểm tra, giám sát công tác quy hoạch; trách nhiệm và chế tài xử lý đối với cơ quan, tổ chức không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về rà soát và điều chỉnh quy hoạch để góp phần giảm thiểu tối đa tình trạng quy hoạch treo hiện nay./.

Vạn Xuân- Phạm Thắng