ĐBQH NGUYỄN THỊ NGỌC XUÂN: BỔ SUNG ĐỐI TƯỢNG TỪ ĐỦ 12 TUỔI ĐẾN DƯỚI 14 TUỔI LÀ ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC ÁP DỤNG BIỆN PHÁP XỬ LÝ CHUYỂN HƯỚNG

21/06/2024

Tham gia đóng góp ý kiến tại Phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên tại Kỳ họp thứ 7, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương kiến nghị bổ sung vào Điều 37 của dự thảo Luật nhóm người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi là đối tượng "được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng" để đảm bảo thống nhất trong chính sách xử lý chuyển hướng người chưa thành niên vi phạm pháp luật.

QUỐC HỘI NGHE BÁO CÁO VỀ DỰ ÁN LUẬT TƯ PHÁP NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Cơ bản thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương tham gia đóng góp ý kiến vào một số nội dung sau nhằm hoàn thiện dự thảo Luật.

Bổ sung đối tượng được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng

Thứ nhất, để đảm bảo thống nhất trong chính sách xử lý chuyển hướng người chưa thành niên vi phạm pháp luật, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân kiến nghị bổ sung vào Điều 37 dự thảo luật nhóm người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi là đối tượng được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.

Vì qua nghiên cứu, đại biểu nhận thấy, có 02 trong 12 biện pháp xử lý chuyển hướng là giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Giáo dục tại trường giáo dưỡng được quy định tại các khoản 10, khoản 12 Điều 36 của dự thảo Luật và so sánh với Luật Xử lý vi phạm hành chính thì còn chưa có sự đồng bộ, thống nhất ở các biện pháp xử lý, cụ thể:

Khoản 1 Điều 90 và khoản 1 Điều 92 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định: Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự thuộc đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.

Tuy nhiên, Điều 37 dự thảo Luật chỉ quy định những người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi mới thuộc trường hợp được áp dụng 12 biện pháp xử lý chuyển hướng trong đó có các biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Giáo dục tại trường giáo dưỡng mà chưa có những đối tượng là từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân nhận thấy, người chưa thành niên từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm sẽ không thuộc đối tượng phải xử lý chuyển hướng trong dự thảo Luật mà thay vào đó có thể chỉ được áp dụng biện pháp: nhắc nhở; quản lý tại gia đình theo quy định ở các Điều 139, 140 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Hai biện pháp thay thế này dường như khó đạt kết quả thực thi cao khi điều kiện áp dụng là “Người chưa thành niên vi phạm đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình; Có môi trường sống thuận lợi cho việc thực hiện biện pháp này; Cha mẹ hoặc người giám hộ có đủ điều kiện thực hiện việc quản lý và tự nguyện nhận trách nhiệm quản lý tại gia đình”. Điều này dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật của nhóm người chưa thành niên này là do không có sự quản lý của gia đình, cha mẹ ly hôn, cha mẹ là người phạm tội không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con cái, từ đó khiến cho nhóm đối tượng này dễ vi vi phạm pháp luật.

Đại biểu cho rằng, nếu dự thảo Luật bỏ sót đối tượng từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi để áp dụng 12 biện pháp xử lý chuyển hướng là rất nguy hiểm. “Vì theo số liệu báo cáo tình hình người dưới 18 tuổi phạm tội và bị hại trong các vụ án hình sự năm 2021 cho thấy, tình hình tội phạm do người chưa thành niên thực hiện ngày càng diễn biến phức tạp, có tính chất nghiêm trọng và thường tập trung vào những tội như: trộm cắp, cướp giật tài sản, các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người, các tội về ma túy và nguy hiểm hơn là nhóm đối tượng vi phạm pháp luật từ đủ 12 tuổi trở lên này đang có dấu hiệu gia tăng”, đại biểu phân tích.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân kiến nghị bổ sung đối tượng trên vào chính sách xử lý chuyển hướng người chưa thành niên vi phạm pháp luật.

Xem xét bổ sung trường hợp không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng

Thứ hai, đại biểu kiến nghị bổ sung tại Điều 38 quy định về trường hợp không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng là: “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác”. Bởi vì theo Điều 134 của Bộ luật Hình sự và qua ý kiến cử tri cho rằng, tội này có mức độ nguy hiểm cao cho xã hội, khung hình phạt cao nhất từ chung thân trở lên và tỷ lệ người dưới 18 tuổi phạm tội cao nhất, chiếm là 21,35%, do đó, kiến nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét bổ sung trường hợp này.

Thứ ba, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân kiến nghị bổ sung khi áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng ngoài ý kiến của người chưa thành niên thì cần phải có ý kiến đồng ý của người đại diện của người chưa thành niên tại khoản 2 Điều 39 dự thảo Luật. Vì người chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tâm lý, nhận thức, thiếu kiến thức xã hội, kiến thức pháp luật, khó kiểm soát cảm xúc, hành vi. Bên cạnh đó, theo khuyến nghị của Ủy ban quyền trẻ em của Liên hợp quốc về áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng phải đồng thời có sự đồng ý của người chưa thành niên và người đại diện.

Vì vậy, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật quy định để người chưa thành niên tự quyết định việc đồng ý hoặc không đồng ý xử lý chuyển hướng là chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và đặc điểm của người chưa thành niên.

Thứ tư, về thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng tại Điều 53 của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân nhất trí với Phương án 1 của Điều này nhằm đảm bảo được tính kịp thời cũng như lợi ích tốt nhất đối với người chưa thành niên.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cần rà soát để quy định, trình tự thủ tục mở phiên họp xử lý chuyển hướng theo hướng đơn giản, thân thiện, giúp cho người chưa thành niên nhận thức được hành vi sai trái của mình, đồng thời đảm bảo quyền con người, quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người chưa thành niên./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức