GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: CÂN NHẮC KỸ LƯỠNG VIỆC ĐẦU TƯ TRUNG TÂM VĂN HÓA VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI

19/06/2024

Sáng 19/6, góp ý tại Phiên thảo luận toàn thể về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần cân nhắc kỹ lưỡng việc đầu tư trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.

CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA GIAI ĐOẠN 2025 - 2035 GÓP PHẦN ĐƯA VĂN HÓA TRỞ THÀNH NỀN TẢNG TINH THẦN VỮNG CHẮC CỦA XÃ HỘI

Toàn cảnh Phiên thảo luận

Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 được xây dựng với 07 mục tiêu tổng quát; 09 mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn, đến năm 2030 và đến năm 2035. Theo đó, Chương trình được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần, 153 chỉ tiêu chi tiết, 42 nhiệm vụ cụ thể, 186 hoạt động chi tiết.

Việc đầu tư Chương trình đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn; tiếp tục khẳng định các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hoá đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước;... Đồng thời, góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hoá thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

Quan tâm tới việc xây dựng các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng việc đầu tư này là phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ta về đẩy mạnh Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam. Tuy nhiên, theo  cần cân nhắc kỹ về thời điểm việc đầu tư này thực hiện ở giai đoạn 2025-2035 đã cần thiết và phù hợp hay chưa?

Nêu quan điểm, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội cho rằng, vấn đề quan trọng là hiệu quả thực tế. “Nếu như trung tâm này mang đến hình ảnh tươi đẹp của đất nước, con người Việt Nam ra thế giới, nếu như trung tâm này đem lại hiệu quả kinh tế thì việc đầu tư là cần thiết. Tuy nhiên, Tờ trình chưa chứng minh được điều này, chưa làm rõ hiệu quả, chưa phân tích được kết quả đầu ra…”, đại biểu lưu ý.

Cũng theo đại biểu, việc đầu tư ra nước ngoài rất tốn kém, từ nguồn lực phân bổ cho con người đến trụ sở duy trì hoạt động. Đặc biệt, chương trình mục tiêu quốc gia có thời hạn. Sau khi kết thúc thời hạn thì nguồn lực từ đâu để duy trì hàng loạt các trung tâm như thế này là điều cần cân nhắc.

 Đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, việc đề xuất nhiệm vụ đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài là cần thiết, phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và thực tiễn trong thời đại mới, đồng thời thúc đẩy hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam đến thế giới. Tuy nhiên, theo đại biểu cùng với việc chưa được quy định trong Luật Đầu tư công và trong báo cáo của Chính phủ cũng chưa rõ căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn và nguồn lực bảo đảm thực hiện.

Vì vậy, đại biểu tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị, cần cân nhắc kỹ lưỡng và một điều quan trọng nữa cần quan tâm là sức chống chịu để sống tự lập ở nước ngoài của trung tâm văn hóa Việt Nam cần phải được khẳng định.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định

Tranh luận về nội dung này, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, đầu tư các trung tâm văn hóa mà chưa làm rõ bản sắc quốc gia sẽ làm giảm hiệu quả đầu tư.

Để thế giới nhận diện văn hóa Việt Nam thì cần phải thể hiện được bản sắc riêng. “Chúng ta đã có nhưng chưa xây dựng thành một bộ nhận diện với Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc ngữ, Quốc phục, Quốc hoa,…. Khi giới thiệu sản phẩm văn hóa ra thế giới thì phải vừa đậm đà bản sắc, vừa chất lượng cao thì mới để lại ấn tượng, hình ảnh đẹp trong lòng đối tượng hưởng thụ.”, đại biểu cho biết.

Theo đại biểu tỉnh Bình Định, khi chưa hoàn thiện bộ nhận diện và chưa nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa thì chưa nên đầu tư nhiều cho các trung tâm văn hóa ở nước ngoài. Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm tới bảo vệ sự trong sáng của Quốc ngữ. “Vì trẻ em là thế hệ tương lai của đất nước nên tôi đề nghị ghi rõ đối tượng đầu tiên trong chương trình sẽ là trẻ em để chúng ta có tiêu chí, nội dung phát triển trẻ em hoàn thiện, hài hòa đức, trí, thể, mỹ. Chương trình cũng bổ sung thêm nhiệm vụ cho Bộ Giáo dục và Đào tạo trong hoàn thiện nhân cách của trẻ, đặc biệt là cơ chế phối hợp giữa nhà trường và gia đình, đảm bảo sự liên kết chặt chẽ giữa thầy cô và phụ huynh trong việc giúp trẻ hoàn thiện bản thân, đảm bảo học phải đi đôi với hành …”, đại biểu đề xuất.

Cũng về nội dung này, có ý kiến đại biểu đề nghị, cần phải có lộ trình phù hợp, theo đó, Chính phủ nên ưu tiên việc hoàn thiện các công trình thiết yếu trong nước nhằm nâng cao công tác tuyên truyền, phát triển vững chắc ở nội tại của đất nước, sau đó sẽ có lộ trình phù hợp xây dựng các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài./.

Lê Anh - Nghĩa Đức

Các bài viết khác