THẢO LUẬN TỔ 10 VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT DƯỢC VÀ DỰ ÁN LUẬT DI SẢN VĂN HÓA (SỬA ĐỔI)

18/06/2024

Chiều 18/6, thảo luận Tổ 10 (gồm các Đoàn ĐBQH: Thái Bình, Tiền Giang, Bạc Liêu) về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), các ý kiến cơ bản thống nhất với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung như Tờ trình và Báo cáo thẩm tra đã nêu. Đồng thời, đề nghị bổ sung quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, chính sách của Nhà nước, rà soát các quy định đảm bảo sự thống nhất với hệ thống pháp luật...

THẢO LUẬN TỔ 10 VỀ CÁC DỰ ÁN LUẬT: CÔNG CHỨNG (SỬA ĐỔI); THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG (SỬA ĐỔI) VÀ DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT GIẢM THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG

Toàn cảnh Thảo luận Tổ 10

Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, các ý kiến đánh giá cao dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung các quy định quan trọng liên quan đến đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, chất lượng thuốc, quản lý giá thuốc, quy định về kinh doanh dược… Đây là các nội dung ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp trong lĩnh vực dược và các ngành, nghề liên quan. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu

Phát biểu tại Tổ 10, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, dự thảo Luật do Chính phủ trình không sửa đổi toàn diện mà chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Tuy nhiên, hiện nay thực phẩm chức năng không được coi là thuốc, kể cả sản phẩm nhập khẩu hay trong nước, đặc biệt là trong lĩnh vực y dược cổ truyền kết hợp với y học hiện đại. Trong khi đó, quy trình kiểm duyệt, đăng ký thuốc, thử nghiệm lâm sàng,... để ra đời một sản phẩm thuốc vô cùng khó, phức tạp, mất nhiều thời gian và phải rất chặt chẽ. Nhưng sản xuất thực phẩm chức năng lại vô cùng dễ.

Trong Luật Dược hiện hành, một trong các hành vi bị nghiêm cấm là “Thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế” (Điều 6). Tuy nhiên, các điều khoản khác không nhắc đến. Lĩnh vực quản lý thực phẩm chức năng chính là quản lý dược, vì dược là thuốc và nguyên liệu làm thuốc; thực phẩm chức năng cũng được làm từ cây cỏ, bộ phận của hoa và các loại cây... và kết hợp với một số nguyên liệu nhập khẩu. Như vậy cũng được coi là dược nhưng hiện nay Luật Dược hầu như không quản lý, do đó, cần phải nghiên cứu. Nếu có thể đưa vào dự thảo Luật lần này một vài quy định quản lý ở một mức độ nào đó, sẽ giải quyết được ngay các vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Nếu chưa thể bổ sung vào dự thảo Luật, cũng cần đề cập vấn đề này trước Quốc hội để Chính phủ tiếp tục nghiên cứu trong lần sửa đổi toàn diện Luật Dược tới đây, hoặc sửa các văn bản pháp luật có liên quan.

Đại biểu Nguyễn Văn Dương – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang 

Cho ý kiến về quy định các cơ sở bán lẻ được bán thuốc thuộc danh mục của Bộ Y tế theo phương thức thương mại điện tử và phù hợp với phạm vi kinh doanh, đại biểu Nguyễn Văn Dương – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang đặt câu hỏi, nếu các nhà thuốc trong chuỗi dùng chung một website, người dân xác định nơi bán cụ thể như thế nào? Về nguyên tắc, các công ty bán buôn đạt chuẩn GPP không được phép bán lẻ đến người dân, vì vậy, vấn đề này cần được làm rõ khi doanh nghiệp có chuỗi bán lẻ bán thuốc cho người dân bởi sẽ liên quan đến trách nhiệm của từng chủ thể khi xử lý vụ việc.

Bên cạnh đó, hàng giả bán trên internet đang là vấn đề “nóng” được phản ánh nhiều hiện nay. Do đó, lực lượng chức năng rất khó khăn vì xử lý ở ngoài thực tế đã khó, phát hiện và xử lý vi phạm trên không gian mạng còn khó hơn. Đại biểu Nguyễn Văn Dương đề nghị, cần quy định rõ hơn, chặt chẽ hơn về phương thức kinh doanh mới này. Bởi thuốc là loại hàng hóa đặc biệt do vậy nếu kinh doanh bằng phương thức thương mại điện tử thì cơ sở tham gia phải đủ điều kiện kinh doanh dược và chỉ được bán các thuốc thuộc danh mục không kê đơn.

Cho ý kiến về điểm g khoản 1 Điều 59, đại biểu Nguyễn Văn Dương thống nhất với quan điểm oxy là thuốc để quản lý tốt hơn. Tuy nhiên, đại biểu còn băn khoăn, bởi khí y tế không chỉ có oxy, mà còn nhiều loại khí khác đơn cử như Carbon Dioxide được bơm vào khoang cơ thể để thực hiện các ca phẫu thuật ít xâm lấn hơn như nội soi ổ bụng, nội soi khớp và phương pháp áp lạnh; được sử dụng để mở rộng và ổn định khoang cơ thể để có tầm nhìn xa hơn và tiếp cận các khu vực phẫu thuật. CO2 cũng có thể kích thích hô hấp khi trộn với oxy, trong và sau khi gây mê. Carbon Dioxide cũng có thể được sử dụng cho phương pháp áp lạnh...

Khí oxy y tế cũng đang gặp khó khăn nếu là thuốc và hiện nay đã đưa vào khoản 2 điều 1 Thông tư 07/2024/TT-BYT Quy định đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập nếu quy định oxy là thuốc đòi hỏi phải được cấp số đăng ký như thuốc. Tuy nhiên, hiện nay khí oxy y tế trên thị trường chưa có số đăng ký và các loại khí khác sử dụng trong y tế cũng chưa có số đăng ký.

Cũng quan tâm đến quy định về quản lý oxy y tế, đại biểu Trần Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đề nghị không điều chỉnh sản phẩm oxy y tế tại dự thảo Luật. Tuy nhiên, để tránh tạo khoảng trống pháp lý, gây khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, đề nghị Chính phủ ban hành hoặc trình ban hành theo thẩm quyền văn bản pháp luật để quản lý oxy y tế và các sản phẩm khí khác dùng trong y tế.

Đại biểu Trần Khánh Thu cũng cho rằng, nếu quản lý oxy y tế như là thuốc thì không có cơ sở sản xuất nào trên toàn quốc đáp ứng yêu cầu về Thực hành tốt sản xuất thuốc GMP đối với oxy. Do đó, nếu quy định trong dự thảo Luật tức là cơ sở sản xuất phải đáp ứng yêu cầu về Thực hành tốt sản xuất thuốc GMP theo khuyến cáo của WHO và oxy y tế khi lưu hành phải cấp giấy đăng ký lưu hành như đối với các thuốc khác. Như vậy, việc quản lý sẽ không bảo đảm được như mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, trong khám bệnh, chữa bệnh ngoài oxy y tế còn một số khí y tế khác (như khí carbon dioxide, khí nitơ, khí nitơ monoxide, khí dinitơ monoxide) cũng đang ko có quy định quản lý...

Đại biểu Trần Thị Thu Đông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu

Đối với dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), các ý kiến tập trung góp ý vào các quy định liên quan đến chính sách đối với nghệ nhân; Quỹ bảo tồn di sản văn hóa; Chính sách nhà nước đối với di sản văn hóa; Cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa...

Về chính sách đối với nghệ nhân (Điều 13), đại biểu nêu thực tế có nhiều bất cập trong quy định về chính sách công nhận, hỗ trợ đối với nghệ nhân hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa. Hiện nay, việc xét tặng danh hiệu, hỗ trợ Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể quy định tại 02 nghị định của Chính phủ và giao 02 Bộ phụ trách (đó là, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét tặng danh hiệu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; Bộ Công thương xét tặng danh hiệu trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ). Tuy nhiên, quy định về đối tượng, tiêu chí xét tặng, quy trình, thủ tục xét tặng tại 02 nghị định chưa phân định rõ ràng. Vì vậy, đại biểu Trần Thị Thu Đông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu cho rằng cần có quy định khắc phục bất cập, bảo đảm thống nhất, công bằng trong công nhận, hỗ trợ đối với nghệ nhân để phát huy được tài năng và cống hiến của nghệ nhân.

Về quy định Quỹ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam tại Điều 90 Di sản văn hóa (sửa đổi), các ý kiến thống nhất sự cần thiết, giúp giải quyết vướng mắc, khó khăn hiện nay của ngành Di sản văn hóa, bảo đảm thúc đẩy phát triển đột phá trong lĩnh vực di sản văn hóa, góp phần cụ thể hóa các chính sách của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa hoạt động văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa, thị trường văn hóa, bảo tồn giá trị di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, làm rõ sự cần thiết, cơ sở thành lập và đánh giá kỹ tác động, tính khả thi của việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Cho ý kiến về chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa tại Điều 7, đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho biết, dự thảo Luật quy định 9 chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa, trong đó kế thừa nhiều chính sách tại Luật Di sản văn hóa hiện hành, đồng thời sửa đổi, bổ sung nhiều quy định tại các Điều: 5, 7, 13,… Theo đại biểu, các chính sách được quy định khá dàn trải, hỗ trợ cho nhiều đối tượng thụ hưởng, do vậy đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các chính sách có trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng và sự tham gia của cộng đồng, người dân; phù hợp với yêu cầu thực tế và tính đặc thù trong bảo vệ, phát huy giá trị từng loại hình di sản văn hóa.

Về chính sách dân tộc tại Điều 3 của dự thảo luật, đại biểu Trần Thị Hoa Ry – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu cho rằng, nội dung chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong dự án luật chủ yếu quy định mang tính chất định hướng chính sách “khuyến khích”,“ưu tiên” .

Qua thực tiễn giám sát văn bản quy phạm pháp luật cho thấy, quy định như vậy rất khó triển khai thực hiện và cần có hướng dẫn chi tiết. Mặt khác, trong báo cáo đánh giá tổng kết một trong những nguyên nhân bất cập, hạn chế cần sửa đổi luật di sản văn hóa có chỉ rõ: “Một số quy định của luật còn mang tính nguyên tắc chung chung hoặc chưa có điều khoản giao cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành hướng dẫn cụ thể”. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu trong dự thảo luật cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn các nội dung chính sách cũng như cách thức tổ chức thực hiện liên quan đến quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản của đồng bào dân tộc thiểu số trong dự thảo luật; hoặc có quy định giao cho cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm hướng dẫn thực hiện.

Một số hình ảnh tại Tổ 10:

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu Lữ Văn Hùng điều hành nội dung thảo luận Tổ 10

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu

Các đại biểu tại phiên thảo luận Tổ

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu phát biểu

Đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu

Lan Hương - Minh Thành

Các bài viết khác