ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI NHẤT TRÍ VỚI SỰ CẦN THIẾT ĐIỀU CHỈNH CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI

17/06/2024

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 17/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận ở hội trường về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đa số đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình này để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án, tiểu dự án trong Chương trình.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 17/6: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG ĐƯỜNG CAO TỐC BẮC - NAM PHÍA TÂY ĐOẠN GIA NGHĨA - CHƠN THÀNH

Toàn cảnh phiên thảo luận ở hội trường

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án, tiểu dự án trong Chương trình, vì đây là nội dung có tác động trực tiếp đến sự phát triển của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Điều chỉnh nguồn vốn thực hiện Chương trình cần phù hợp

Đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa nhận thấy, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được phê duyệt chủ trương đầu tư theo Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội, là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là chương trình mục tiêu quốc gia mới gồm nhiều dự án, tiểu dự án thành phần với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, địa phương và cơ quan Trung ương chủ trì, quản lý dự án.

Thời gian qua, Chương trình đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng, tạo tác động tích cực đến đời sống người dân, đặc biệt ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn như việc thực hiện khá tốt công tác xóa đói giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được nâng lên… Tuy nhiên, đại biểu Mai Văn Hải cho rằng, vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến kết quả triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình nên cần phải điều chỉnh một số chủ trương là cần thiết.

Đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa

Về điều chỉnh vốn thực hiện Chương trình, đại biểu Mai Văn Hải cơ bản thống nhất vì đây là vấn đề cần thiết để thực hiện tốt việc lồng ghép, phân bổ vốn thực hiện Chương trình. Tuy nhiên đề nghị cần xem lại thời gian áp dụng cho phù hợp vì giai đoạn 1 từ năm 2021 – 2025, vốn đầu tư công đã được giao cho các địa phương, vốn sự nghiệp được phân bổ đến hết năm 2024. Do đó theo đại biểu, cần nêu rõ điều chỉnh chung cho giai đoạn 2026 - 2030 là phù hợp và đề nghị phân bố vốn trung hạn hàng năm và phân bổ vốn sự nghiệp phải phù hợp, tránh trường hợp phân bổ giao vốn sự nghiệp và phân bổ vốn đầu tư công không ăn khớp sẽ làm ảnh hưởng đến việc bố trí vốn cho các dự án cụ thể.

Đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết phải điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc nêu rõ, Chính phủ đề xuất nguồn vốn thực hiện chương trình gồm: Nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và nguồn vốn sự nghiệp được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm theo các nghị quyết Quốc hội. Về nội dung này, đại biểu đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc là sử dụng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được phân bổ, trong đó có nguồn vốn NSTW và nguồn vốn sự nghiệp.

Đại biểu Trần Văn Tiến - Đòan ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu Trần Văn Tiến bày tỏ không đồng tình với việc sử dụng nguồn vốn sự nghiệp được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm theo đề xuất của Chính phủ, nhằm ổn định kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho Chương tình đã được phân bổ.

Ủng hộ việc mở rộng đối tượng thụ hưởng các Chương trình

Đề cập về việc mở rộng các đối tượng thụ hưởng của chương trình, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho biết, theo tờ trình của Chính phủ, việc mở rộng các đối tượng thụ hưởng của chương trình áp dụng cho 4 nhóm, gồm 10 đơn vị sự nghiệp công lập, 101 trường phổ thông dân tộc nội trú thuộc 39 tỉnh không nằm trên địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, 3 trung tâm y tế, bệnh viện tuyến huyện không nằm trên địa bàn các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Theo báo cáo của Chính phủ, việc bổ sung 4 nhóm đối tượng với hơn 4000 tỷ đồng, Chính phủ cam kết không làm tăng tổng mức đầu tư và cơ cấu nguồn vốn đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 120/2020/QH14.

Bên cạnh Kết luận số 65 ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về công tác dân tộc trong tình hình mới, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nhận thấy, việc mở rộng các đối tượng thụ hưởng của chương trình còn là một bước quan trọng nhằm thể chế hóa trong thực tiễn các quy định tại khoản 1 Điều 58, khoản 3 Điều 62 Hiến pháp về phát triển y tế, giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Vì vậy, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đánh giá cao và hoàn toàn ủng hộ việc mở rộng đối tượng thụ hưởng các Chương trình trong nghị quyết Quốc hội, làm cơ sở pháp lý vững chắc cho Chính phủ triển khai trong thực tiễn.

Đại biểu Cầm Hà Chung - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ

Liên quan đến việc điều chỉnh đối tượng thuộc diện đầu tư của chương trình, đại biểu Cầm Hà Chung - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ. Từ thực tiễn triển khai Chương trình, đại biểu Cầm Hà Chung đề nghị nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung đối tượng để triển khai một số nội dung đã được phân bổ vốn nhưng vướng về đối tượng và các văn bản quy phạm pháp luật, việc này có thể thực hiện trong điều chỉnh chủ trương đầu tư của Chương trình hoặc trong quyết định phê duyệt chương trình của Thủ tướng Chính phủ sau khi điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Cụ thể, về điều chỉnh đối tượng thuộc diện đầu tư của chương trình, đại biểu đề nghị sửa “doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế - xã hội hoạt động ở địa bàn vùng đặc biệt khó khăn” thành “doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế - xã hội có hoạt động ở địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”. Đại biểu cho rằng, khi quy định đối tượng như vậy thì sẽ thuận lợi hơn trong tổ chức triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình.

Về bổ sung đối tượng thuộc diện đầu tư của chương trình, đại biểu Cầm Hà Chung đề nghị Quốc hội xem xét đưa các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên trên địa bàn huyện có các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào diện đầu tư của Chương trình.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh

Thay mặt Chính phủ và được thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cảm ơn Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội đã có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng, ban hành nhiều nghị quyết nhằm tháo gỡ những khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong thời gian qua.

Đồng thời cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội đã đồng tình, ủng hộ về Tờ trình 191 của Chính phủ về điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia. Các nội dung trong Tờ trình, cơ bản các vị đại biểu Quốc hội đã đồng tình, thống nhất. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cũng giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm về điều chỉnh nguồn vốn của chương trình, về phạm vi và đối tượng của chương trình, về tiến độ thực hiện chương trình…

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, các ý kiến thảo luận tại hội trường đều có căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn rõ ràng, sâu sắc, thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm cao của đại biểu Quốc hội đối với đề xuất của Chính phủ. Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá cao Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Hồ sơ để trình Quốc hội, đánh giá cao việc xây dựng Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Các ý kiến đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết xem xét, điều chỉnh một số nội dung, chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án, tiểu dự án trong chương trình.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận nội dung thảo luận.

Đa số ý kiến đại biểu thống nhất trình Quốc hội đưa vào Nghị quyết chung của Quốc kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV và không ban hành Nghị quyết riêng, với nội dung Quốc hội thống nhất về nguyên tắc điều chỉnh một số nội dung liên quan đến chủ trương chương trình mục tiêu quốc gia cả về nguồn vốn đầu tư công, vốn thường xuyên, phạm vi và đối tượng. Giao cho Chính phủ chịu trách nhiệm về việc chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, ban hành danh mục đầu tư cụ thể, bảo đảm các nguyên tắc, hiệu quả, mục tiêu chương trình và không làm thay đổi tổng mức vốn của chương trình giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội phê duyệt.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Phiên họp:

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh​

Các đại biểu tại Phiên họp

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai

Các đại biểu tại Phiên họp

Đại biểu Trương Xuân Cừ - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

Đại biểu Hà Sỹ Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu nêu

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận nội dung thảo luận./.

Bích Ngọc - Phạm Thắng - Nghĩa Đức

Các bài viết khác