PV: Thưa Chủ nhiệm, sự đóng góp của ngoại giao nghị viện vào thành công chung của hoạt động đối ngoại của nước ta được thể hiện như thế nào trong năm vừa qua?
CN VŨ MÃO: Trước hết, việc Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là một thắng lợi trong hoạt động đối ngoại của nước ta. Đạt được thành tựu to lớn này là công sức của toàn Đảng, toàn dân. Hơn 11 năm qua là một quá trình đàm phán gay go, gian nan, vất vả để có được những cam kết với WTO. Và, một trong những cam kết quan trọng, được coi là điều kiện tiên quyết được bảo đảm đó là về pháp luật. Năm 2006 và những năm trước đó, đặc biệt là năm 2004 và 2005, chúng ta đã làm hết sức mình để xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung nhiều luật, pháp lệnh nhằm đáp ứng yêu cầu của WTO. Điển hình như năm 2005, QH đã thông qua 29 luật- một kỷ lục chưa từng có. Kết quả là khi gia nhập WTO, chúng ta là một trong những quốc gia có hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ, cơ bản tương thích với các quy định của WTO. Năm 2005, còn có một sự kiện quan trọng nữa là nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An dẫn đầu Đoàn ĐBQH cấp cao nước ta sang thăm các nước châu Âu. Nhân chuyến công tác này, Chủ tịch Nguyễn Văn An và Đoàn đã kết hợp đến Geneva, Thụy Sỹ thăm, làm việc với Ban lãnh đạo WTO, nói rõ với họ những cam kết của QH Việt Nam và khẳng định sẽ đáp ứng các yêu cầu của WTO. Đây là đột phá quan trọng.
Kỳ họp QH cuối năm 2005, chúng ta đã thông qua Luật Ký kết gia nhập các điều ước quốc tế. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tiến hành các thủ tục khi Việt Nam đàm phán, thương lượng với các nước. Căn cứ vào trình tự, thủ tục của luật này, chúng ta trình QH xem xét, phê chuẩn việc Việt Nam gia nhập WTO. Thời gian tới đây, UBTVQH tiếp tục xem xét, thông qua Pháp lệnh Thỏa thuận quốc tế, điều chỉnh hoạt động ký kết của các Bộ, ngành, đoàn thể và địa phương với các đối tác nước ngoài tương ứng. Điều này góp phần vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật nước ta, bảo đảm cơ sở pháp lý cho hội nhập quốc tế.
Thứ hai, việc nước ta đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương lần thứ 14 (APEC). Để có thể nhìn nhận rõ hơn về đóng góp của ngoại giao nghị viện cho sự kiện này, chúng ta cần nhìn lại những hội nghị, diễn đàn quốc tế mà QH đã tổ chức thành công những năm trước đó. Năm 2002, Việt Nam là nước chủ nhà của Đại Hội đồng Tổ chức Liên nghị viện ASEAN lần thứ 23 (AIPO). Năm 2004, chúng ta đứng ra tổ chức một hội nghị liên QH quan trọng, Hội nghị Đối tác Nghị viện Á- Âu lần thứ 3 (ASEP III). Đầu năm 2005, chúng ta tổ chức thành công Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 13 (APPF- 13). Đây là những bước chuẩn bị quan trọng, tạo tiền đề góp phần để tổ chức thành công Hội nghị APEC 14.
Có thể nói, góp phần tạo nên đỉnh cao trong thành tựu đối ngoại của đất nước ta năm 2006 có vai trò của ngoại giao nghị viện. Đó là sự kết hợp hài hòa, vừa mang tính chất ngoại giao Nhà nước vừa mang tính chất ngoại giao nhân dân.
PV: Tính chất ngoại giao Nhà nước trong hoạt động ngoại giao nghị viện thì hầu như ai cũng có thể nhìn thấy. Chủ nhiệm có thể nói rõ hơn về tính chất ngoại giao nhân dân trong hoạt động ngoại giao của chúng ta?
CN VŨ MÃO: Trước hết cần nói rõ, hoạt động đối ngoại của chúng ta gồm có đối ngoại của Đảng, đối ngoại Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Đối ngoại Nhà nước bao gồm đối ngoại của Chính phủ và đối ngoại của QH. Đối ngoại QH còn mang tính đối ngoại nhân dân, thể hiện qua mối quan hệ giữa ĐBQH nước ta với nghị sỹ các nước thông qua các Nhóm nghị sỹ hữu nghị. Chúng ta nói, QH thông qua dự án luật, pháp lệnh hay phê chuẩn hiệp định thực ra là sự nhất trí của các ĐBQH. Để có sự nhất trí này, trước hết ĐBQH phải được tìm hiểu nội dung của hiệp định cũng như mối quan hệ giữa nước ta với quốc gia hay tổ chức quốc tế mà chúng ta ký kết. Trong hoạt động của nghị viện có nội dung khá quan trọng, ảnh hưởng không nhỏ tới sự nhất trí, đó là lobby (vận động hành lang). Tức là phải có mối quan hệ cá nhân giữa ĐBQH nước ta và nghị sỹ các nước. Có những vấn đề muốn được sự ủng hộ của họ, chẳng hạn như việc Mỹ thông qua PNTR cho chúng ta, trước hết mình phải trao đổi, vận động để họ hiểu chúng ta. Ý thức được tầm quan trọng này nên, năm vừa qua, chúng ta tiếp tục thúc đẩy mạnh mối quan hệ này. Năm 2006, nhiều Đoàn ĐBQH các nước đã sang thăm Việt Nam, trong đó có Đoàn của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ. Chúng ta cũng tích cực cử các Đoàn ĐBQH sang thăm và làm việc với các nước. Sự kết hợp hài hòa giữa tính chất ngoại giao Nhà nước với tính chất ngoại giao nhân dân trong hoạt động ngoại giao nghị viện như vậy là để góp phần vào thành tựu đối ngoại chung của đất nước.
PV: Đặc trưng của nền ngoại giao nghị viện nước ta là thực chất, chủ động và mang tính hỗ trợ hiệu quả cho các hoạt động ngoại giao của Chính phủ. Năm 2006, đặc trưng này có gì thay đổi không, thưa Chủ nhiệm?
CN VŨ MÃO: Được đẩy mạnh hơn lên. Tôi về QH được 20 năm, lúc đầu, ngoại giao nghị viện còn nhiều hạn chế. Hơn 10 năm trở lại đây, ngoại giao nghị viện ngày càng có vai trò quan trọng hơn. Ngay khái niệm của cụm từ ngoại giao nghị viện cũng được quen dần và nói tới nhiều hơn. Tuy nhiên, nhìn lại những năm qua, cụ thể là năm 2006, hoạt động ngoại giao nghị viện hay nhìn rộng ra là ngoại giao của Nhà nước ta cũng không tránh khỏi một số tồn tại, khiếm khuyết. Điều này thể hiện ngay ở mối quan hệ của QH với Chính phủ, cụ thể là giữa HĐDT và các UB của QH với các bộ, ngành của Chính phủ trong lĩnh vực đàm phán, ký kết các hiệp định, hiệp ước với quốc tế. Luật Ký kết gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế quy định trước khi đi đàm phán, ký kết các bộ, ngành của Chính phủ cần trao đổi, thông báo tới các UB tương ứng của QH để các cơ quan này nắm được và thực hiện chức năng giám sát các hiệp định, hiệp ước mà chúng ta sẽ đàm phán, ký kết. Những vấn đề có ý kiến khác nhau, nhất là những vấn đề không tương thích giữa pháp luật Việt Nam với pháp luật quốc tế hoặc pháp luật của các nước cần được báo cáo UBTVQH hoặc QH theo thẩm quyền. Đây là quy định mới về chất trong Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế. Bởi, các đoàn đi đàm phán, ký kết của chúng ta đôi khi chưa nắm hết pháp luật trong nước và pháp luật quốc tế có liên quan. Lâu nay, hầu như các UB của QH cũng bận nhiều việc nên có khi cũng không quan tâm đến việc này. Mấy năm gần đây, trước yêu cầu của hội nhập quốc tế, muốn đàm phán, ký kết thành công thì trước hết, chúng ta phải nắm chắc các công cụ pháp luật. Vì vậy, để thực hiện Luật Ký kết gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế một cách nghiêm chỉnh thì đòi hỏi chất lượng công tác của các cơ quan Nhà nước phải được nâng cao hơn. Các UB của QH không thụ động chờ các bộ, ngành thông báo mà phải chủ động yêu cầu. Hơn 11 năm đàm phán gia nhập WTO, đã có lúc, chúng ta phối hợp chưa tốt và có phần coi nhẹ việc tìm hiểu pháp luật trong nước trước khi đi đàm phán. Nhưng, thái độ của QH là ủng hộ và tạo mọi điều kiện để tiến trình đàm phán được thuận lợi; Rõ nhất là QH đã phê chuẩn việc Việt Nam gia nhập WTO với số phiếu tán thành khá cao.
PV: Có nghĩa là, khó khăn của chúng ta vẫn còn ở phía trước?
CN VŨ MÃO: Đúng vậy. Không thể nói là QH, hoạt động đối ngoại của QH đã làm tròn trách nhiệm với nhân dân, với đất nước. Thắng lợi của hoạt động ngoại giao năm 2006 là quan trọng, nhưng không nên nghĩ là đã trọn vẹn. Những thành tựu này như là sự mở đầu cho thời kỳ mới để Việt Nam hội nhập ở tầm cao hơn, với chất lượng tốt hơn.
PV: Trên mặt trận ngoại giao, binh chủng chủ lực là Bộ Ngoại giao. UB Đối ngoại có chức năng giám sát hoạt động của Bộ Ngoại giao. Vậy công việc này đã tiến hành như thế nào trong năm vừa qua, thưa Chủ nhiệm?
CN VŨ MÃO: Chúng tôi đã cố gắng tạo ra một chất lượng mới trong công tác giám sát. Qua những lần giám sát, UB Đối ngoại thấy rằng, mặc dù Nhà nước ta đã quan tâm, nhưng thực chất sự đầu tư cho hoạt động đối ngoại chưa thỏa đáng. Đặc biệt những cơ quan đại diện của chúng ta ở nước ngoài còn nhiều khó khăn. Kinh phí cho hoạt động chuyên môn, nhiệm vụ chính trị của các Đại sứ quán chưa đầy 10% trong tổng kinh phí mà Nhà nước cấp cho mỗi Đại sứ quán hàng năm. Như vậy là quá ít. Rồi, nếu theo những quy định của Pháp lệnh về cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thì việc triển khai công việc của các Đại sứ quán còn phân tán. Vậy nên, chúng tôi đang đề nghị nâng Pháp lệnh này lên thành Luật để các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện hoạt động đối ngoại có hiệu quả hơn. Thực chất, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài như một cánh tay nối dài của trong nước. Họ cần phải mạnh. Đây là điều chúng ta phải củng cố trong thời gian tới.
PV: Đấy là những kiến nghị rút ra từ công tác giám sát của UB Đối ngoại nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động ngoại giao nói chung. Vậy, trong thời gian tới, khi chúng ta đã gia nhập vào “sân chơi” WTO thì hoạt động ngoại giao nghị viện cần tập trung vào vấn đề gì?
CN VŨ MÃO: Hoạt động ngoại giao là một mạch liên tục. Chúng ta đã là thành viên của WTO, nên việc đầu tiên là phải nỗ lực thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết. Một điều đáng mừng là những khó khăn, lúng túng của buổi ban đầu, chúng ta đã vượt qua. Nhưng, không chỉ là thành viên thụ động, chúng ta muốn trở thành một thành viên chủ động và có sự đóng góp vào WTO. Vậy thì, cùng với sự đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, QH cần phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tích cực sửa đổi những quy định chưa tương thích với luật pháp quốc tế, thực hiện công tác giám sát hiệu quả hơn để thúc đẩy sự phát triển chung... Tóm lại, công việc trước mắt của chúng ta còn rất nhiều.
PV: Xin trân trọng cám ơn Chủ nhiệm!