BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
* * *
Số: 09-CT/TW |
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
Hà Nội, ngày 26 tháng 01 năm 2007 |
CHỈ THỊ
CỦA BỘ CHÍNH TRỊ
Về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII
Theo quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII được tiến hành chậm nhất là trong tháng 5 năm 2007.
Bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII diễn ra trong thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang nỗ lực đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội X của Đảng; chủ động hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hơn với tư cách làthành viên của tổ chức Thương mại thế giới. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang có những thuận lợi và cơ hội lớn; đồng thời cũng gặp nhiều khó khăn, thử thách; các thế lực thù địch vẫn tiếp tục chống phá quyết liệt sự nghiệp đổi mới và phát triển của đất nước ta. Đòi hỏi đối với toàn dân tộc lúc này là phải quyết tâm tranh thủ thời cơ, vượt thách thức, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, thực hiện bằng được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Tình hình mới đặt ra những yêu cầu mới cao hơn đối với tổ chức và hoạt động của Quốc hội khóa XII. Vì vậy, việc lựa chọn, hiệp thương giới thiệu để cử tri bầu được những người có đủ đức, tài, xứng đáng đại diện cho các tầng lớp nhân dân tham gia cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong năm 2007.
Quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X), để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII đạt kết quả tốt, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt kết quả cao các yêu cầu, nhiệm vụ sau đây:
1- Có kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể việc chuẩn bị và tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII; bảo đảm dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, thực sự là ngày hội của toàn dân.
2- Lãnh đạo tốt công tác nhân sự để giới thiệu những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội. Đại biểu Quốc hội khóa XII phải là những người yêu nước, trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; có phẩm chất đạo đức tốt, cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư; gương mẫu chấp hành pháp luật, không tham nhũng, kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các hành vi vi phạm pháp luật; có trình độ, năng lực và điều kiện thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội; liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.
3- Trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn, coi trọng tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ, năng lực và điều kiện thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, cần có cơ cấu hợp lý về thành phần đại biểu Quốc hội; có tỷ lệ thích đáng là đại biểu các dân tộc thiểu số, các tôn giáo, đại biểu nữ, đại biểu trẻ tuổi, đại biểu xuất thân từ công nhân, nông dân; đại biểu của các nhà khoa học, trí thức, doanh nhân tiêu biểu thuộc các thành phần kinh tế; có cơ cấu hợp lý số đại biểu là người đang công tác ở các cơ quan đảng, nhà nước, lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, bảo đảm theo quy định của Luật tổ chức Quốc hội. Việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội phải bảo đảm chặt chẽ, đúng tiêu chuẩn, quy trình theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của các cơ quan Trung ương có thẩm quyền.
4- Phát huy rộng rãi quyền dân chủ của nhân dân trong việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội; bảo đảm để mọi công dân được thực hiện đầy đủ quyền ứng cử, bầu cử theo quy định của pháp luật.
5- Chỉ đạo tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII; về Luật bầu cử đại biểu Quốc hội; về vị trí, vai trò của Quốc hội và đại biểu Quốc hội; về quyền và nghĩa vụ của công dân nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc xây dựng bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh; động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia bầu cử.
6- Chỉ đạo việc xây dựng các phương án bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo của công dân; ngăn chặn mọi hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng dân chủ để làm việc sai trái. Kiên quyết đấu tranh chống mọi luận điệu xuyên tạc, những âm mưu, hành động, phá hoại cuộc bầu cử, lợi dụng bầu cử để gây rối. Có các phương án đối phó với những tình huống thiên tai có thể xảy ra trong thời gian tiến hành bầu cử.
7- Các cấp ủy, tổ chức đảng, Đảng Đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Đảng Đoàn Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII cần có kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện Chỉ thị, bảo đảm cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII thành công tốt đẹp.
Nơi nhận:
- Các tỉnh uỷ, thành uỷ;
- Các ban đảng, Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, Đảng uỷ trực thuộc Trung ương;
- Các đồng chí Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương;
- Lưu Văn phòng Trung ương. |
T/M BỘ CHÍNH TRỊ
Tổng bí thư
Nông Đức Mạnh
(đã ký) |