Trong các ngày từ 7 đến 10-1, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng và Ðoàn công tác của Quốc hội đi kiểm tra, giám sát việc triển khai dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh giai đoạn I, theo tinh thần Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 3-12-2004 của QH về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh.
Ðây là công trình trọng điểm quốc gia với tổng chiều dài toàn tuyến là 3.167 km; trong đó, tuyến chính dài 2.667 km, tuyến nhánh phía tây dài 500 km. Ðiểm đầu là Pác Pó (Cao Bằng)và điểm cuối là Ðất Mũi (Cà Mau), đi qua 30 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Sau hơn sáu năm triển khai xây dựng, đến nay khối lượng công việc của giai đoạn 1 cơ bản đã hoàn thành; đã nghiệm thu cơ sở 1.234,5 km đường, 261 cầu các loại.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, chất lượng công trình đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1, cơ bản đạt yêu cầu. Tuy nhiên, từ thực tiễn kiểm tra, nghe các địa phương, ban quản lý dự án báo cáo, kết hợp với việc nghiên cứu, phân tích tài liệu có liên quan, có thể thấy rõ ba vấn đề nổi cộm đang đặt ra cho dự án đường Hồ Chí Minh. Ðó là: Hiệu quả khai thác, sử dụng thấp; tiến độ, chất lượng công trình còn một số khiếm khuyết cần khắc phục; và tình trạng tái lấn chiếm, vi phạm hành lang an toàn giao thông của các hộ dân hai bên đường diễn ra khá phổ biến.
Hiệu quả khai thác, sử dụng còn thấp là vì công tác giải phóng mặt bằng một số nơi thực hiện chưa tốt. Ðặc biệt là các địa phương như Hà Tây, Hòa Bình, Kon Tum, công tác giải phóng mặt bằng triển khai quá chậm, thậm chí có những vị trí, tuy đã giao mặt bằng nhưng nhà thầu chưa kịp thi công, dân đã tái lấn chiếm.
Cá biệt, có vị trí đang thi công, nhiều hộ dân lại ra cản trở, không cho các đơn vị thi công tiếp tục làm đường. Căng thẳng và phức tạp nhất là các điểm đi qua huyện Lạc Thủy (Hòa Bình), Xuân Mai (Hà Tây), dù chính quyền địa phương đã tổ chức cưỡng chế, song đến nay vẫn chưa giải quyết được dứt điểm. Làm việc với lãnh đạo tỉnh Kon Tum, được biết đoạn Ngọc Hồi - Ðác Tô có tổng chiều dài 25 km, bao gồm cả đoạn qua trung tâm thị trấn huyện Ðác Tô, theo tiến độ phải hoàn thành ngày 30-4-2006, nhưng hiện nhà thầu thi công rất chậm, dự kiến đến 30-3-2007 mới có thể hoàn thành.
Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh Phạm Hồng Sơn cho biết: Chung quanh việc đền bù giải phóng mặt bằng, những vướng mắc nêu trên đều đã được Bộ Giao thông vận tải quan tâm xem xét, thậm chí đã có văn bản cam kết với lãnh đạo các tỉnh, nhưng đến nay vẫn chưa thấy có tín hiệu khả quan (?). Trong khi đó, kế hoạch triển khai giai đoạn 1 của dự án đường Hồ Chí Minh đến nay đã bị chậm khoảng một năm.
Thực hiện chức năng giám sát của QH, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đặc biệt quan tâm vấn đề này. Chủ tịch cho rằng: Chính phủ, mà cụ thể ở đây là Bộ Giao thông vận tải cần đôn đốc, chỉ đạo các địa phương kịp thời giải quyết những vướng mắc về giải phóng mặt bằng để các đơn vị thi công, bảo đảm tiến độ công trình, để toàn bộ giai đoạn 1 của đường Hồ Chí Minh dài 1.350 km, với mức đầu tư, theo dự tính hơn 15 nghìn tỷ đồng, phát huy tác dụng như cử tri và nhân dân cả nước mong muốn.
Ðường Hồ Chí Minh là một trong bốn dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa chiến lược, giá trị sử dụng của nó không kém so với quốc lộ 1, vì vậy, càng không thể vì mấy cây số vướng mắc về giải phóng mặt bằng mà làm ảnh hưởng đến toàn bộ công trình. Ðây là vấn đề thuộc trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương liên quan. Sau chuyến đi kiểm tra, giám sát thực tế này, Ðoàn công tác của QH sẽ có công văn kiến nghị gửi tới Chính phủ, trong đó nêu rõ những mặt làm được, cũng như những mặt còn hạn chế, vướng mắc cần quan tâm giải quyết.
Việc chậm tiến độ thực hiện giai đoạn 1 của dự án, ngoài nguyên nhân do giải phóng mặt bằng, năng lực của nhà thầu, còn phải kể đến nguyên nhân biến động về giá của một số vật tư, vật liệu như nhựa đường, xăng, dầu... cũng như việc bố trí kế hoạch vốn chưa kịp thời với tiến độ triển khai dự án.
Ðường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 chưa phát huy tốt hiệu quả khai thác, sử dụng, đó còn là vấn đề cơ sở vật chất đi kèm, các quy hoạch liên quan như khu dân cư, dịch vụ xăng dầu, ăn uống, dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng các phương tiện giao thông, thiếu hệ thống đường gom, đường ngang nối với quốc lộ 1... Những yêu cầu nêu trên là vô cùng cần thiết, thế nhưng nhìn chung chưa được các bộ, ngành quan tâm đúng mức, chưa triển khai đồng bộ với quá trình xây dựng con đường.
Ðường Hồ Chí Minh giai đoạn 1, đoạn đi qua địa phận tỉnh Thừa Thiên- Huế, mới đưa vào sử dụng chưa lâu, nhưng đến nay đã có tới 74 trường hợp vi phạm hành lang an toàn bị lập biên bản để xử lý, 48 trường hợp xây dựng lều quán, ki-ốt trái phép. Có 14 điểm đường đi qua địa phận Thừa Thiên - Huế đã hoàn thành phần đường, nhưng nếu xét về khía cạnh bền vững hóa của công trình, thì các điểm đường kể trên vẫn chưa ổn định, hay bị sạt lở khi có mưa lũ. Nếu tính trên toàn tuyến, thì các điểm chưa ổn định như vậy là không ít, Bộ Giao thông vận tải cần tiến hành cập nhật, bổ sung kịp thời để có kế hoạch triển khai xử lý sớm.