Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu bật những thành quả đạt được về kinh tế - xã hội năm 2006 và nhấn mạnh đến 3 vấn đề trọng tâm cần phải thực hiện tốt trong năm 2007, đó là: Tập trung mọi nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt mức 8,5%; đẩy mạnh cải cách hành chính trên mọi lĩnh vực công tác để phục vụ một cách tốt nhất cho doanh nghiệp và nhân dân, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí.
Hội nghị đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2006 và những giải pháp chỉ đạo, điều hành kinh tế-xã hội năm 2007; nghe Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển báo cáo tóm tắt về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh hơn và bền vững khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đỗ Quang Trung báo cáo kiểm điểm thực hiện chương trình cải cách hành chính năm 2006 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2007; nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền báo cáo kiểm điểm thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng.
Theo báo cáo của Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, để triển khai nhiệm vụ kế hoạch và ngân sách Nhà nước năm 2007, Chính phủ sẽ tập trung thực hiện 7 nhóm giải pháp chủ yếu trong chỉ đạo, điều hành. Trong đó nhấn mạnh đến việc tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển các ngành và lĩnh vực kinh tế; cải thiện môi trường đầu tư, thu hút mạnh mẽ đầu tư của các thành phần kinh tế, đẩy mạnh cải cách hành chính, kiện toàn và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Về mục tiêu tăng trưởng GDP 8,5% trong năm nay, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc phân tích: ‘‘Chính phủ đã chỉ đạo để tăng trưởng ở mức 8,5%. Căn cứ vào đâu để Chính phủ đề mức cao như vậy. Trước hết, đó là căn cứ vào đà tăng trưởng của chúng ta trong năm 2006. Năm 2006, tăng trưởng của chúng ta đi lên từ 7,2 của quý I lên 8,9 của quý IV. Và nếu ngay quý I năm 2007 này chúng ta có biện pháp chỉ đạo ráo riết, triển khai kế hoạch ngay và đẩy nhanh tốc độ phát triển ngay từ đầu quý thì sẽ giữ được mức tăng cao như quý I của năm 2007. Căn cứ thứ hai, đó là nguồn lực đã đầu tư của năm 2006. Năm 2006, chúng ta huy động 4% GDP. Năm 2007 sẽ phải dải ngân số vốn đã cam kết của năm 2006, nếu đầu tư nước ngoài là 10,2 tỷ USD. Căn cứ thứ 3 là chúng ta có thị trường rộng mở. Hội nhập mặc dù khó khăn nhưng khi hội nhập thì một loạt các biện pháp rào cản đối với hàng hóa Việt Nam mà một số mặt hàng hiện nay đã đứng vững rồi sẽ có điều kiện phát triển hơn’‘.
Về cải cách hành chính, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đỗ Quang Trung nhấn mạnh, trong hàng loạt các vấn đề cần phải thực hiện để đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm của công tác này trong năm 2007 là cải cách thủ tục hành chính; khắc phục tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu, cửa quyền, gây phiền phức trong giải quyết công việc của dân và doanh nghiệp. Bộ trưởng Đỗ Quang Trung cũng cho biết, hiện nay các Bộ, ngành ở trung ương đang còn hơn 120 giấy phép con, trong đó có khoảng 40 giấy phép cần phải loại bỏ. Do vậy, trong năm nay, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước, tiến tới không còn ‘‘Bộ chủ quản’‘ với doanh nghiệp nhà nước, từng cơ quan trong cả hệ thống hành chính nhà nước có trách nhiệm rà soát lại các thủ tục hành chính, các loại giấy phép con để tự quyết định theo thẩm quyền hoặc trình cấp trên xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc huỷ bỏ.
Trong phần thảo luận việc triển khai nhiệm vụ kế hoạch và ngân sách năm 2007, đại biểu các thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng… đã nêu lên nhiều vấn đề vướng mắc trong chỉ đạo, quản lý điều hành của địa phương do những bất cập, hạn chế từ điều hành vĩ mô cũng như chất lượng của các thể chế đã ban hành chưa cao, dẫn tới tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong văn bản, từ đó dẫn đến tầng nấc, trung gian, quan liêu trong quản lý, giải quyết công việc, trách nhiệm không rõ ràng. Các đại biểu cũng đánh giá cao việc hình thành bộ máy chuyên trách chống tham nhũng của Trung ương cũng như việc ban hành một số văn bản thi hành Luật phòng chống tham nhũng và xử lý người đứng đầu cơ quan để xảy ra tham nhũng. Đồng thời đã đề xuất một số biện pháp để cùng Chính phủ thúc đẩy sản xuất phát triển, đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng chống tham nhũng có hiệu quả.
Hội nghị làm việc đến hết ngày mai (9/1)./.