Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu nêu rõ: Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2007 có đặc thù là phải tập trung tổng kết nhiệm kỳ hoạt động của Quốc hội khóa XI và bầu đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII, do vậy số lượng xây dựng luật, pháp lệnh với mức vừa phải. Việc xem xét, thông qua các dự án luật chỉ diễn ra tại 2 kỳ họp của Quốc hội là kỳ họp thứ 11 (Quốc hội khóa XI) với 2 luật; kỳ họp thứ 2 (Quốc hội khóa XII) 6 luật và 1 nghị quyết chứa quy phạm pháp luật. Riêng kỳ họp thứ nhất (Quốc hội khóa XII) sẽ tập trung cho công tác tổ chức nhân sự của Quốc hội. Ngoài ra, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến vào 10 dự án luật khác để chuẩn bị cho công tác xây dựng pháp luật năm 2008. Năm 2007, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 13 dự án pháp lệnh và 1 nghị quyết chứa quy phạm pháp luật.
Ủy ban thường vụ Quốc hội đã phân công công việc cụ thể cho các cơ quan, tổ chức để thực hiện việc chuẩn bị trình, thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết. Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan, tổ chức được phân công chuẩn bị dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết phải khẩn trương phân công việc soạn thảo các dự án luật; thành lập hoặc trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập Ban soạn thảo đối với các dự án luật, pháp lệnh mới được bổ sung vào Chương trình và nhanh chóng kiện toàn các Ban soạn thảo đã được thành lập. Các Ban soạn thảo phối hợp với những cơ quan hữu quan trong việc lập tiến độ và đôn đốc việc thực hiện đúng tiến độ nhằm bảo đảm thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội; tiếp tục cải tiến quy trình để nâng cao chất lượng các dự án luật. Các cơ quan chủ trì thẩm tra dự án luật, pháp lệnh cần chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan trong công tác thẩm tra… Đối với Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII (2007-2012) và năm 2008, Chính phủ sẽ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội để Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét và đưa ra Quốc hội quyết định./.