Quốc hội chất vấn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng: Không bao cấp tràn lan giá điện

02/12/2006

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chính phủ nhận được 168 chất vấn của các đại biểu. Các chất vấn tập trung vào các vấn đề: tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhưng chưa hiệu quả; cải cách hành chính (CCHC) còn chậm, nhiều vướng mắc; công tác đấu tranh chống tham nhũng chưa đồng đều, vẫn còn nhiều vụ việc nghiêm trọng, nhất là trong quản lý sử dụng tài chính, tài sản công, nhà công vụ... Đây đều là những vấn đề đã được Chính phủ xác định trong trọng tâm công tác năm 2007, đó là: Đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh; Đẩy mạnh quyết liệt và đồng bộ hơn công tác CCHC, coi đây là khâu tạo ra sự phát triển đột phá; Kiên quyết, kiên trì ngăn chặn, từng bước đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn DũngẢnh: VOV

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chính phủ nhận được 168 chất vấn của các đại biểu. Các chất vấn tập trung vào các vấn đề: tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhưng chưa hiệu quả; cải cách hành chính (CCHC) còn chậm, nhiều vướng mắc; công tác đấu tranh chống tham nhũng chưa đồng đều, vẫn còn nhiều vụ việc nghiêm trọng, nhất là trong quản lý sử dụng tài chính, tài sản công, nhà công vụ... Đây đều là những vấn đề đã được Chính phủ xác định trong trọng tâm công tác năm 2007, đó là: Đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh; Đẩy mạnh quyết liệt và đồng bộ hơn công tác CCHC, coi đây là khâu tạo ra sự phát triển đột phá; Kiên quyết, kiên trì ngăn chặn, từng bước đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí.

Về tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhưng hiệu quả tăng trưởng chưa có chuyển biến đáng kể, trong bối cảnh hội nhập kinh tế, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao và bền vững là yêu cầu rất cao và rất khó. Đất nước ta còn nhiều bất cập, hạn chế, yếu kém nên để thực hiện được mục tiêu này phải là quá trình phấn đấu quyết liệt, bền bỉ trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt phải thực hiện khẩn trương, có hiệu quả các công tác sau: CCHC tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng; kiện toàn và nâng cao hiệu lực bộ máy nhà nước, điều chỉnh phù hợp cơ cấu kinh tế và đầu tư; phát triển nhanh có hiệu quả giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ.

Có nhiều nguyên nhân quyết định năng lực, chất lượng, hiệu quả cạnh tranh của nền kinh tế mà 2 nguyên nhân trực tiếp là năng suất lao động (chỉ số lao động qua đào tạo hết năm 2006 mới đạt hơn 27%, trong khi các nước đang phát triển trong khu vực CA-TBD là từ 50% trở lên); khoa học và công nghệ (theo phân tích của Bộ Kế hoạch và đầu tư yếu tố này tác động khoảng 23-27%, trong khi các nước đang phát triển khác là trên 60%, các nước phát triển là trên 80%).

Về tốc độ tăng GDP năm 2006 là 8,2%, thấp hơn năm 2005 là do: năm 2005, GDP nước ta đạt mức tăng cao nhất trong 9 năm liên tục. Để vượt qua năm có tăng trưởng cao nhất là rất khó, quy mô nền kinh tế càng lớn thì để có 1 đơn vị tăng trưởng so với trước càng khó. Những nguyên nhân trực tiếp khiến năm 2006 nếu GDP phấn đấu cao vẫn thấp hơn 2005 là do tốc độ tăng trưởng ở cả 3 khu vực đều tăng thấp hơn năm 2005. Cụ thể: Lĩnh vực nông nghiệp năm 2005 tăng 4,6%, năm 2006 chỉ đạt 3,9% là do bệnh rày nâu và sán lá, khiến thiệt hại khoảng 900.000 tấn lúa; dịch cúm gia cầm tuy đã được kiềm chế nhưng đàn gia cầm chưa phục hồi, giảm thấp hơn năm 2005 là 2,4%. Khu vực công nghiệp năm 2006 tăng 10,43%, thấp hơn 0,22% so với năm 2005 là do lượng dầu thô khai thác trong năm 2006 là 17,1 triệu tấn, giảm so với năm 2005; việc phải tạm dừng sản xuất 3 tháng nhà máy phân đạm urê để bảo dưỡng; nắng hạn và giá cả biến động nên thiếu nguyên liệu cho sản xuất đường (giảm 200.000 tấn so với năm 2005). Khu vực dịch vụ tăng 8,25%, thấp hơn năm 2005 là 0,25% có một phần nguyên nhân do lượng khách du lịch Trung Quốc vào nước ta giảm.

Như vậy, phải rất nỗ lực, chúng ta mới đạt được GDP là 8,2%. Thủ tướng kiến nghị, đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2007 tăng từ 8,2% đến 8,5% là phù hợp. Còn trong điều hành, Chính phủ sẽ nỗ lực để đạt được mức tăng cao nhất có thể.

Về CCHC còn chậm, gây nhiều phiền hà cho dân và doanh nghiệp, Chính phủ đã đề ra chiến lược CCHC giai đoạn 2001-2010 cả trên 4 nội dung lớn: cải cách thể chế và thủ tục hành chính, bộ máy hành chính, cán bộ công chức và nền hành chính công. Chính phủ xác định, CCHC cần phải được tiến hành nhanh, đồng bộ hơn nữa. Chính phủ đã và đang tiến hành rà soát sửa đổi lại các văn bản cho phù hợp, tăng cường phân cấp, thực hiện công khai minh bạch trong đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý tài sản công, công tác cán bộ... Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan phải xây dựng, niêm yết công khai thời gian giải quyết công việc của dân, của doanh nghiệp trong phạm vi nhiệm vụ của mình, xử lý nghiêm những cán bộ không thực hiện đúng quy định, gây khó khăn, phiền hà cho dân và doanh nghiệp. Thủ tướng đề nghị các đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát cho công tác này.

Việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là quy định trong luật, về nguyên tắc là phải chấp hành nhưng tổ chức thế nào cho thuận lợi, Chính phủ nhất trí chỉ đạo: cho phép đăng ký tại xã. Đối với nông dân sản xuất nông nghiệp mà đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất (sổ đỏ) thì không thu lệ phí để giảm khó khăn, phiền hà cho nông dân. Còn các đối tượng khác có thu lệ phí nhưng mức thu thế nào thì giao quyền cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Về thủy lợi phí, khách quan và chủ quan nhìn nhận, nông dân là đối tượng được hưởng lợi ít nhất từ công cuộc đổi mới, sắp tới hội nhập, nông dân cũng rất dễ bị thua thiệt nên việc chăm lo đời sống nông dân là ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước. Cụ thể: tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho nông thôn; tăng cường giáo dục đào tạo, kể cả đào tạo nghề; khuyến khích đưa nhanh KHCN vào sản xuất nông nghiệp, ưu tiên khuyến nông, ngư, lâm nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh và dịch vụ ở nông thôn; giải quyết các vấn đề bức xúc về văn hóa, môi trường ở nông thôn. Chính phủ cũng đã rà soát để giảm bớt, giảm tối đa các khoản đóng góp của nông dân. Trên tinh thần đó, qua trao đổi thống nhất với các Bộ, trong năm 2007, Chính phủ sẽ tính toán để giảm hoặc miễn  thủy lợi phí cho nông dân.

Về quy hoạch treo, thật sự là có theo nghĩa quy hoạch không sát, không phù hợp với thực tế, không thực hiện được, gây khó khăn cho người dân, lãng phí cho Nhà nước. Đây là lỗi yếu kém của Chính phủ. Chính phủ đã ban hành quy định về quản lý và xây dựng quy hoạch, sắp tới sẽ xây dựng thành luật để trình Quốc hội phê duyệt. Sắp tới, các ngành, địa phương cũng sẽ cập nhật, rà soát lại các quy hoạch để loại bỏ các quy hoạch treo.

Về đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, trong báo cáo trình Quốc hội, Chính phủ đã có đánh giá khá đầy đủ. TW Đảng đã có nghị quyết về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Quốc hội cũng đã có luật phòng, chống tham nhũng, đến nay, Chính phủ, các bộ ngành TW và tỉnh, thành đều đã có nghị quyết, chương trình phòng chống tham nhũng. Vấn đề đặt ra lúc này là nói đúng mức, làm thực tế. Mỗi cơ quan đơn vị phải tự giác hành động, nghiêm túc thực hiện. Một nhân tố có ý nghĩa quyết định là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm chính về công tác này ở địa phương, ngành mình quản lý, ai không làm được thì phải bị xử lý, thay thế.

Về quản lý, sử dụng nhà công sở, nhà công vụ thuộc sở hữu Nhà nước, những loại nhà này được hình thành từ rất nhiều nguồn: tiếp quản sử dụng nhà qua các thời kỳ, vốn tự có của các đơn vị, từ vốn Nhà nước... Quá trình hình thành quỹ nhà này trải qua lịch sử nhiều chục năm và cũng không phân biệt rõ đâu là nhà công vụ, đâu là nhà công sở, nhà thuộc sở hữu nhà nước. Tuy nhiên, không thể lấy chính sách hiện hành để xem xét lại những căn nhà đã được sử dụng theo những chính sách trước đây của Nhà nước. Thời gian qua, Chính phủ đã có ban hành về việc quản lý, sử dụng nhà công sở, bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước.... Các quy định này đang đi vào cuộc sống, nhìn chung là phù hợp với thực tế nhưng cũng có những điểm chưa thật chặt chẽ, phù hợp, Thủ tướng đã cho rà soát bổ sung. Trong quá trình rà soát, sẽ xử lý nghiêm những trường hợp sử dụng trái với quy định hiện hành, biến tài sản công thành của riêng.

Về việc xử lý tiêu cực liên quan đến vụ hồ Trị An, Thủ tướng Chính phủ đã cho thanh tra và đã nghe kết quả thanh tra, không phát hiện các vi phạm của các lãnh đạo cao cấp. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo UBND tỉnh Đồng Nai xử lý những cán bộ sai phạm, qua đó đã xử lý 1 tập thể với 37/37 cán bộ, công nhân viên có sai phạm. Để đảm bảo việc xử lý nghiêm túc, Thủ tướng đã giao thanh tra Chính phủ tiến hành phúc tra lại việc thực hiện và có báo cáo Thủ tướng trong tháng 12 này.

Thủ tướng cũng bày tỏ sự cám ơn việc giám sát và chất vấn của Quốc hội, cám ơn sự đóng góp của đồng bào cả nước. Chính phủ nghiêm túc ghi nhận những ý kiến đóng góp về những điểm được, chưa được trong điều hành của Chính phủ.

(http://www.hanoimoi.com.vn)