Hôm nay (28/11), Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được.
Sau khi nghe báo cáo về tình hình thế giới và công tác đối ngoại của nhà nước trong năm 2006 và báo cáo thẩm tra, Quốc hội đã nghe Báo cáo về kết quả đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới của Việt Nam; Báo cáo thẩm tra Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc Việt Nam gia nhập WTO và Dự thảo Nghị quyết phê chuẩn việc Việt Nam gia nhập WTO.
Trước đó, Quốc hội đã nghe Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trình bày.
Trong phiên họp chiều nay, Có tất cả 449 đại biểu tham gia bỏ phiếu, trong đó 444 đại biểu tán thành, 3 đại biểu không tán thành và 2 đại biểu bỏ phiếu trắng, Quốc hội đã thông qua Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Như vậy là Việt Nam đã hoàn tất thủ tục pháp lý cuối cùng để trở thành thành viên chính thức của WTO. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khẳng định, đây là một trong những sự kiện quan trọng của đất nước trong tháng 11 này, đồng thời sự kiện chính trị quan trọng, khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Phần lớn các cam kết là phù hợp với luật pháp và đường lối đổi mới của Việt Nam
Báo cáo về kết quả đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển trình bày đã tóm tắt về WTO, tiến trình đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam và giải trình về kết quả đàm phán, từ các cam kết đa phương đến các cam kết về mở cửa thị trường hàng hoá, mở cửa thị trường dịch vụ... khi Việt Nam gia nhập vào WTO.
Báo cáo của Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cho rằng, WTO tôn trọng thể chế chính trị và an ninh quốc gia của các Thành viên, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. WTO cũng tôn trọng nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi và những nguyên tắc cơ bản khác của pháp luật quốc tế. Các quy định của WTO không trái với quy định của Hiến pháp nước ta. Việc gia nhập WTO, là phù hợp với lợi ích quốc gia và đường lối đối ngoại của Việt Nam. Tuy vậy, việc mở cửa thị trường kèm theo việc di chuyển thể nhân, trong chừng mực nhất định đòi hỏi chúng ta phải nâng cao cảnh giác để có thể phát hiện, ngăn chặn những phần tử chống đối lợi dụng thâm nhập vào nước ta. Việc mở cửa dịch vụ nghe nhìn… cũng đặt ra những vấn đề mới trong việc bảo vệ an ninh thông tin, giữ gìn bản sắc văn hóa và lối sống tốt đẹp của dân tộc.
Theo Bộ trưởng Trương Đình Tuyển, phần lớn các cam kết đa phương là phù hợp với luật pháp và đường lối đổi mới của Việt Nam nên sẽ không gây ra tác động lớn. Bên cạnh đó, các cam kết về minh bạch hóa có thể sẽ là thách thức không nhỏ đối với các cơ quan quản lý nhà nước nhưng nếu thực hiện được, sẽ mang lại lợi ích to lớn cho dân và cho các doanh nghiệp, người dân được quyền tham gia góp ý kiến vào việc soạn thảo các văn bản pháp luật, cơ chế chính sách kinh tế, làm cho pháp luật, cơ chế chính sách phản ánh được các yêu cầu thực tiễn. Điều này phù hợp với đường lối của ta.
Các cam kết về doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là cùng chiều với chủ trương đổi mới DNNN của ta và vì vậy, sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình đổi mới, sắp xếp lại và nâng cao hiệu quả DNNN, tạo ra sân chơi ngày càng bình đẳng hơn cho các thành phần kinh tế.
‘‘Thực tiễn chứng tỏ rằng, thực hiện các cam kết mở cửa thị trường theo các Hiệp định song phương và khu vực, mới đầu các doanh nghiệp nước ta có gặp khó khăn nhưng với thời gian, hầu hết các doanh nghiệp đã vươn lên, điều chỉnh cơ cấu sản xuất, đổi mới công nghệ, hoàn thiện quản lý, nhờ đó mà vượt qua thách thức và có bước phát triển quan trọng’‘.
(Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển)
Việc bãi bỏ trợ cấp xuất khẩu và trợ cấp nội địa hóa chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới một số doanh nghiệp. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng dự kiến không lớn. Hơn nữa, hiệu quả của trợ cấp xuất khẩu và trợ cấp nội địa hóa cho tới nay là không rõ ràng. Cuối cùng, để hỗ trợ cho nông nghiệp, ta vẫn có thể sử dụng các biện pháp được WTO cho phép không vượt mức ta cam kết.
Về việc giảm thuế nhập khẩu, báo cáo khẳng định việc giảm thuế này tất yếu sẽ dẫn tới giảm thu ngân sách nhưng sẽ không có đột biến lớn bởi các lý do: Tổng thu từ thuế nhập khẩu hiện nay chỉ chiếm khoảng 9% tổng thu ngân sách; Số lượng các mặt hàng giảm thuế chỉ chiếm 20% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng năm. Việc giảm thuế lại được thực hiện theo lộ trình bình quân là 5 năm nên theo ước tính sơ bộ, thu từ thuế nhập khẩu sẽ chỉ giảm chưa đầy 1% tổng thu ngân sách; Việc gia nhập WTO với những cơ hội có được, sản xuất - kinh doanh sẽ phát triển, xuất nhập khẩu cũng sẽ tăng lên, những nguồn thu mới sẽ được tạo ra và do đó quy mô của ngân sách sẽ tăng theo sự tăng trưởng kinh tế.
Việc mở cửa thị trường dịch vụ cũng không gây ra tác động quá lớn. Những ngành phải chịu sức ép nhiều nhất sẽ là kinh doanh chứng khoán, ngân hàng, phân phối và hỗ trợ vận tải biển. Tuy nhiên, chúng ta có một thời gian chuyển đổi để chuẩn bị và cũng có một số công cụ để kiểm soát. Nếu có sự chuẩn bị tốt và vận dụng linh hoạt các công cụ mà ta bảo lưu được trong Biểu cam kết dịch vụ, tác động của việc mở cửa thị trường là có thể kiểm soát được.
Về xuất nhập khẩu hàng hóa, theo Bộ trưởng Trương Đình Tuyển, thị trường xuất khẩu được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng nhưng dự kiến sẽ không có đột phá lớn trong ngắn hạn. Ngành có lợi rõ rệt nhất sẽ là ngành dệt may bởi hạn ngạch sẽ được xoá bỏ với ở thị trường hiện còn áp dụng hạn ngạch. Tuy nhiên, do dệt may là vấn để nhạy cảm nên không loại trừ khả năng các nhà sản xuất ở các thị trường đó sẽ tìm mọi cách tạo cớ chống ‘‘bán phá giá’‘, chống ‘‘trợ cấp’‘ để bảo hộ ngành dệt may của họ. Do đó, ngành dệt may của Việt Nam sẽ phải đối diện với sự cạnh tranh gay gắt với các nước có ngành này.
Về tác động xã hội, cạnh tranh gay gắt khi gia nhập WTO có thể làm cho một số doanh nghiệp trước hết là các doanh nghiệp vẫn dựa dẫm vào sự bao cấp của Nhà nước, các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu rơi vào cảnh khó khăn thậm chí phá sản, kéo theo đó là tình trạng thất nghiệp trong một bộ phận lao động sẽ xảy ra. Tuy nhiên, dự kiến tác động này là có tính cục bộ và không quá lớn và chỉ mang tính ngắn hạn.
Trước nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ nhanh chóng xây dựng các hàng rào kỹ thuật để bào hộ sản xuất trong nước, ông Tuyển cho rằng, xây các hàng rào này không khó. Vấn đề là khi áp cho hàng nhập khẩu, hàng trong nước cũng phải thực hiện theo. Với trình độ phát triển như hiện nay, ta sẽ khó mà đưa ra được tiêu chuẩn cao cho hàng hoá nội địa.
Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Vũ Mão trình bày đã nhấn mạnh sự cần thiết phải gia nhập tổ chức Tổ chức thương mại lớn nhất toàn cầu; cho rằng việc Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới và thực hiện những cam kết với Tổ chức này sẽ có tác động tích cực và sâu rộng tới nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.
Về một số cam kết của Việt Nam, báo cáo của Ủy ban Đối ngoại cho rằng, những thỏa thuận đạt được trong các văn kiện gia nhập WTO là nằm trong các phương án đặt ra và có một số điểm thuận lợi hơn so với các nước đi trước. Ta cũng tận dụng được những ưu đãi mà WTO dành cho các nước đang phát triển, lùi được thời hạn thực hiện một số cam kết. Nhìn chung, các cam kết là hợp lý và phù hợp với trình độ phát triển của đất nước.
Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội cũng khẳng định, việc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới mang lại những cơ hội to lớn, đồng thời cũng chứa đựng nhiều thách thức không nhỏ. Cùng với việc gia nhập WTO là một khối lượng công việc rất lớn đang chờ đợi, đòi hỏi trong thời gian tới Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành và Chính quyền địa phương, các cơ quan tư pháp, các doanh nghiệp, hiệp hội, mặt trận, đoàn thể phải có sự phối hợp đồng độ để giải quyết.
Bên cạnh đó, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, việc Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới tác động sâu rộng đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh của đất nước. Chính vì vậy, việc thông tin kịp thời những nội dung liên quan đến lợi ích của các tầng lớp nhân dân trong quá trình đàm phán là cần thiết. ‘‘Chúng ta biết rằng, trong đàm phán có một số vấn đề nhạy cảm, nhưng nếu có nhận thức đúng thì có thể nghiên cứu, chọn lọc để thông tin và tham vấn, nhất là đổi với các doanh nghiệp và các hiệp hội ngành nghề sẽ tạo được sự đồng thuận nhiều hơn trong xã hội’‘, báo cáo phân tích.
Cần sớm công bố chương trình hành động cụ thể
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ sự đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới; Báo cáo về kết quả đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới của Việt Nam và Báo cáo thẩm tra Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc Việt Nam gia nhập WT; cho rằng, việc gia nhập WTO là một thành tựu to lớn, đánh dấu một bước quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Trở thành thành viên của WTO sẽ đem lại cho Việt Nam nhiều cơ hội lớn, nhưng bên cạnh đó thách thức cũng không nhỏ đòi hỏi Chính phủ cần sớm công bố chương trình hành động chi tiết để đối phó với những khó khăn sắp tới.
Mở đầu cuộc thảo luận, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) cho rằng, gia nhập WTO là động lực mạnh mẽ cho việc đổi mới và phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, khi cơ hội bùng lên, cũng là lúc những khuyết điểm, bất cập của nền kinh tế cũng bộc lộ rõ và trở thành sức cản cho đà phát triển đang được mở ra: cơ sở hạ tầng yếu kém, sự non yếu của các doanh nghiệp tư nhân, cải cách hành chính chậm. Vì thế cần nhận diện rõ và có giải pháp kịp thời để vượt qua những thách thức.
Bên cạnh đó, theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, việc thực hiện các cam kết gia nhập WTO phải được thực hiện theo một chương trình hành động cụ thể, có lộ trình rõ ràng, phân chức năng, nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận và được thực thi dưới sự giám sát chặt chẽ. Chỉ có như vậy mới xác lập được sự đồng thuận dân tộc, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong việc thực hiện sứ mệnh này.
Đại biểu Lê Thị Dung (đoàn An Giang) cho rằng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp biết được họ sẽ thu được gì, mất gì và đặc biệt là họ phải làm gì để tận dụng được cơ hội, lợi thế khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO. Đại biểu Lê Thị Dung cũng đề nghị cần đề cao chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ đầu tư đối với những nhóm người, những lĩnh vực phải gánh chịu những thiệt thòi khi hội nhập. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là khu vực dễ bị tổn thương, cần sớm có kế hoạch tăng mức trợ cấp trực tiếp cho nông dân để đảm bảo đời sống cho họ.
Đại biểu Tôn Nữ Thị Ninh (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Chính phủ cần sớm công bố chương trình hành động để đảm bảo thành công trong quá trình hội nhập sắp tới. Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, Việt Nam là nước gia nhập sau nên có một thách thức là các cam kết phải cao hơn những nước thành viên trước đó là điều hiển nhiên, vấn đề là phải tạo dựng cơ hội cho chính mình, phải đi trước đón đầu.
Bên cạnh đó theo đại biểu Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng cần xây dựng các chiến lược xuất khẩu sản phẩm để tránh những vụ kiện đáng tiếc (như vụ kiện chống bán phá giá cá tra, cá basa vừa qua chẳng hạn). Đại biểu cũng đề nghị cần xây dựng năng lực cho đội ngũ cán bộ doanh nhân. ‘‘Không phải chỉ có năng lực chung chung mà phải là năng lực thực hành chuyên sâu, kiến nghị có chương trình đào tạo quy mô, huy động lực lượng nước ngoài và cả người Việt ở nước ngoài để cố vấn, giúp các doanh nghiệp và đội ngũ cán bộ của ta sớm tự trang bị được trình độ, năng lực trong giai đoạn hội nhập quốc tế mới’‘, bà Ninh nói.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Trân (đoàn An Giang) quan tâm đến sự phân hoá xã hội, phân hoá giầu nghèo khi hội nhập quốc tế. Theo đại biểu Trân, cơ chế thị trường với quy luật lãi suất là trên hết sẽ dẫn tới sự phân hoá xã hội rất lớn. Vì vậy Chính phủ, Quốc hội cũng như các đoàn thể phải cùng phối hợp để tạo sự gắn kết xã hội và đoàn kết trong dân tộc. Bên cạnh đó cần tiến hành hội nhập kinh tế song song với việc bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc, càng hội nhập sâu rộng càng phải bảo vệ vấn đề này.
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Minh (đoàn An Giang) cũng nhấn mạnh thêm một số giải pháp cấp bách cần giải quyết khi Việt Nam gia nhập WTO, đó là cải cách hành chính, những luật lệ cần thay đổi thế nào cho phù hợp, nhất là đối với cấp chính quyền địa phương...
Ngày mai (29/11), Quốc hội sẽ tiến hành bỏ phiếu và thông qua Nghị quyết về việc bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Mạc Kim Tôn. Chiều cùng ngày, Quốc hội họp phiên bế mạc./.