Mở đầu phiên họp, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Hoàng Văn Phong, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, nêu rõ: Với gần 8.000 tiêu chuẩn Nhà nước ban hành, thời gian qua, hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn hóa đã được đổi mới một bước về nội dung và phương thức hoạt động nhằm theo kịp các chuyển đổi trong quản lý kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, những đổi mới bước đầu đó vẫn chưa thật sự đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của một nền kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa và gia tăng các liên kết khu vực, quốc tế. Hoạt động tiêu chuẩn hóa ở nước ta và hệ thống các quy định pháp luật hiện hành trong lĩnh vực này đang tỏ ra lạc hậu, kém hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới và phát triển. Thực tiễn phát triển đòi hỏi phải có các thay đổi mạnh mẽ hơn nữa trong hoạt động tiêu chuẩn hóa, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ trong nước và phát triển các quan hệ kinh tế, thương mại song phương và đa phương với các nước trong tiến trình hội nhập.
Việc ban hành Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật là hết sức cần thiết và cấp bách, nhằm đổi mới toàn diện và thống nhất điều chỉnh hoạt động tiêu chuẩn hóa, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy tiến trình gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới và thực hiện Hiệp định Hàng rào kỹ thuật trong thương mại, bảo vệ được lợi ích quốc gia và lợi ích của các doanh nghiệp trong nước trước sức ép của cạnh tranh toàn cầu và tự do hóa thương mại, đồng thời thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam phục vụ giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bộ trưởng Hoàng Văn Phong cho biết: Từ năm 2003 đến nay, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã soạn thảo Pháp lệnh Tiêu chuẩn hóa và dự thảo Pháp lệnh này được trình Ủy ban Thường vụ QH tháng 8-2005.Theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ QH, QH đã đồng ý nâng Pháp lệnh thành Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập Ban soạn thảo liên ngành, gồm các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, soạn thảo. Dự thảo luật này đã được Chính phủ cho ý kiến tháng 12-2005 và trình Hội nghị đại biểu QH chuyên trách cho ý kiến tháng 2-2006. Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của QH cùng các ủy ban khác đã xem xét, cho ý kiến. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ QH, các Ủy ban của QH, Chính phủ đã chỉnh lý, hoàn thiện nội dung dự án luật để trình QH xem xét. Dự thảo Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật gồm bảy chương, 68 điều, quy định phạm vi, đối tượng điều chỉnh, nguyên tắc cơ bản của hoạt động tiêu chuẩn hóa, những hành vi bị cấm trong hoạt động tiêu chuẩn hóa; Xây dựng và công bố, áp dụng tiêu chuẩn; Xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong hoạt động tiêu chuẩn hóa; Thanh tra, xử lý vi phạm và điều khoản thi hành.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của QH Hồ Ðức Việt đã trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án luật nói trên, cho biết dự thảo luật được xây dựng trên cơ sở tổng kết công tác tiêu chuẩn hóa những năm qua, đồng thời tham khảo các hiệp định quốc tế và văn bản quy phạm pháp luật về tiêu chuẩn hóa của một số nước trên thế giới. Do đó, dự thảo luật đã bảo đảm tương thích với các điều ước quốc tế và pháp luật liên quan của các nước. Tại các hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo luật này do Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường tổ chức gần đây, các chuyên gia quốc tế đều đánh giá cao dự thảo luật. Về tính khả thi của dự thảo luật, Báo cáo thẩm tra cho rằng, với cách tiếp cận mới về tiêu chuẩn hóa và quản lý chất lượng hàng hóa, dịch vụ, dự thảo luật đã đề cập một cách toàn diện vấn đề xây dựng, ban hành, áp dụng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, tăng cường xã hội hóa công tác tiêu chuẩn hóa, bảo đảm cho tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, sự đánh giá hợp chuẩn, sự đánh giá hợp quy trở thành những công cụ hữu hiệu để bảo đảm an toàn, sức khỏe, quản lý môi trường, quản lý chất lượng hàng hóa, dịch vụ, quá trình và các đối tượng tiêu chuẩn hóa khác.
Hầu hết các đại biểu trong phát biểu của mình đều nhất trí với sự cần thiết ban hành tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và phù hợp xu thế hội nhập quốc tế. Các đại biểu: Phạm Quang Dự (Bà Rịa - Vũng Tàu), Nguyễn Thị Anh Nhân (TP Hà Nội), Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu), Nguyễn Lân Dũng (Ðác Nông) cho rằng, sự cạnh tranh hàng hóa trên trường quốc tế của chúng ta hiện còn kém. Trong bối cảnh đó, việc ban hành luật lần này là rất kịp thời, nhất là khi Việt Nam ngày càng hòa nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế. Khi chúng ta xây dựng các tiêu chuẩn này, cần đặc biệt bám sát thực tế. Về thẩm quyền xây dựng, phê duyệt, thẩm định tiêu chuẩn, nên để từng bộ, ngành xây dựng tiêu chuẩn lĩnh vực đó, dưới sự thẩm định của một hội đồng quốc gia. Việc xây dựng tiêu chuẩn trong một số lĩnh vực (thí dụ như ngành dược, thủy sản, xây dựng, giao thông, môi trường) chỉ có các bộ, ngành chuyên môn mới hiểu, xây dựng nên tiêu chuẩn cho lĩnh vực riêng của ngành mình. Một số đại biểu đề nghị, cần quy định trong luật, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành tiêu chuẩn quốc gia. Còn các bộ: Quốc phòng, Công an, Y tế, Tài nguyên - Môi trường..., ban hành tiêu chuẩn quốc gia về tiêu chuẩn ở lĩnh vực bí mật quốc phòng, an ninh, dược phẩm, môi trường. Các đại biểu: Trần Thế Vượng (Hải Dương), Nguyễn Văn Phát (Thanh Hóa), Hứa Chu Khem (Sóc Trăng), Nguyễn Thị Hồng Minh (An Giang), Nguyễn Văn Châu (Tiền Giang), Ðào Ðình Bình (Quảng Bình) và Nguyễn Ðình Lộc (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, thực hiện quy định về thẩm quyền ban hành văn bản, các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, tổ chức, cá nhân xây dựng dự thảo đề nghị tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật lên Bộ Khoa học và Công nghệ. Sau đó Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thẩm định và công bố tiêu chuẩn quốc gia, nhằm thực hiện thống nhất trong cả nước; đồng thời kiến nghị luật cần quy định rõ ràng về thời gian thẩm định và công bố tiêu chuẩn quốc gia.
Một số đại biểu cũng đề nghị, để đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước tại địa phương khi cần thiết UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư ban hành một số quy chuẩn kỹ thuật phù hợp đặc điểm, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các đại biểu: Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn ), Nguyễn Ngọc Trân (An Giang), Nguyễn Ðình Xuân (Tây Ninh), Hoàng Thanh Phú (Thái Nguyên) đề nghị quy định rõ quy chuẩn kỹ thuật do UBND cấp tỉnh ban hành không được trái với quy chuẩn do các bộ chuyên ngành ban hành và không được tạo ra rào cản đối với sản xuất, kinh doanh, lưu thông sản phẩm, hàng hóa. Ðồng thời quy định rõ những điều cấm trong luật, nhất là cấm độc quyền, nhũng nhiễu, gây phiền hà khi cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức. Các đại biểu đề nghị quy định rõ trách nhiệm quản lý của Nhà nước trong việc xây dựng, ban hành tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; thanh tra về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, xử lý các tranh chấp trong lĩnh vực này.
Kết thúc một ngày thảo luận, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu cho biết, Ủy ban Thường vụ QH, Ban Soạn thảo sẽ nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo một lần nữa, trình QH thảo luận, thông qua luật trong kỳ họp này.