Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XIII diễn ra trong sự trông đợi và quan tâm đặc biệt của cử tri và nhân dân cả nước. Kỳ họp này không chỉ mở đầu cho một nhiệm kỳ 5 năm của Quốc hội mà những nội dung được bàn thảo, xem xét và quyết định cũng vô cùng quan trọng. Sau đây Đài TNVN nhìn lại một số hoạt động trong những ngày đầu của kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XIII
Ngày 21/7/2011, các đại biểu Quốc hội chính thức thực hiện nhiệm vụ là người đại biểu của nhân dân. Các đại biểu dù lần đầu được bầu hay đã qua một vài nhiệm kỳ đều nhận thức rõ về vinh dự và trách nhiệm nặng nề với cử tri và đất nước.
Phát biểu tại phiên khai mạc, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định “Ðảng Cộng sản Việt Nam, với chức năng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, theo trách nhiệm và quyền hạn được Hiến pháp quy định, đã, đang và sẽ tiếp tục chăm lo xây dựng Nhà nước thật sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, hoạt động có hiệu lực và hiệu quả”. Tổng Bí thư cũng kiến nghị Quốc hội tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội; đề cao hơn nữa trách nhiệm và nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, nhất là những vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, tổ chức và nhân sự bộ máy nhà nước; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại của Quốc hội; đổi mới mạnh mẽ về tổ chức, phương thức hoạt động và chế độ làm việc của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Đây là những định hướng lớn cho hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ XIII.
Trong kỳ họp đầu tiên dự kiến diễn ra trong vòng hơn 2 tuần, Quốc hội dành 11 ngày để xem xét, lựa chọn, bầu và phê chuẩn các chức danh lãnh đạo chủ chốt các cơ quan nhà nước. Đấy là một khoảng thời gian thích đáng cho một công việc rất quan trọng, có ý nghĩa và ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy nhà nước trong suốt cả nhiệm kỳ, “Bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Ðảng, sự quản lý có hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước, tạo ra sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị”
Tinh thần trách nhiệm cao, sự cân nhắc cẩn trọng, dân chủ và đúng luật đã được thể hiện rất rõ khi Quốc hội tiến hành bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII. Nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã được ghi nhận, bàn bạc thấu đáo như việc đề cử thêm đại biểu ứng cử làm thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau đó, dựa trên cơ sở quán triệt và thực hiện nhất quán phương hướng công tác cán bộ do Ðại hội toàn quốc lần thứ XI của Ðảng đề ra; căn cứ vào thực tế tình hình đội ngũ cán bộ hiện có và yêu cầu về cơ cấu tổ chức của Quốc hội; căn cứ vào tiêu chuẩn chung, năng lực, sở trường, chuyên môn, kinh nghiệm công tác, bảo đảm tính kế thừa và phát triển, Quốc hội tiếp tục bàn bạc, thảo luận tại Đoàn và tại hội trường để chốt danh sách đề cử cuối cùng với sự nhất trí rất cao.
Với 91,4% số phiếu tán thành, ông Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ đã được bầu làm Chủ tịch Quốc hội khóa XIII. Quốc hội cũng đã bầu 4 Phó Chủ tịch Quốc hội gồm bà Tòng Thị Phóng, ông Huỳnh Ngọc Sơn, ông Uông Chu Lưu, bà Nguyễn Thị Kim Ngân. 12 đại biểu đã được bầu vào Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII. Trong phát biểu nhậm chức, Chủ tịch Quốc hội khóa XIII Nguyễn Sinh Hùng khẳng định tập thể Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII sẽ kế thừa những thành quả kinh nghiệm của những khóa trước, nỗ lực phấn đấu cùng các vị đại biểu Quốc hội đoàn kết, thống nhất, tiếp tục đổi mới, phát huy trí tuệ, nâng cao trách nhiệm trước nhân dân để thực hiện tốt các nhiệm vụ, quyền hạn mà Hiến pháp và pháp luật quy định, góp phần xây dựng Quốc hội xứng đáng với vị trí là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam .
Theo chương trình, trong tuần làm việc tiếp theo, Quốc hội sẽ tiếp tục tiến hành công tác bầu và phê chuẩn nhân sự cấp cao của bộ máy Nhà nước gồm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các cơ quan của Quốc hội. Theo Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đại biểu Quốc hội khóa XIII được đề cử để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước.
Cũng trong tuần làm việc đầu tiên, Quốc hội cũng đã nghe Báo cáo của Chính phủ về “Tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong 6 tháng cuối năm 2011”; Tờ trình của Chính phủ đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009; về việc ban hành bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2011. Những nội dung này sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận và cho ý kiến trong các phiên họp sau.
Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XIII đã và đang nhận được sự hoan nghênh, quan tâm theo dõi sát sao của cử tri, nhân dân cả nước và kiều bào ở nước ngoài với niềm tin tưởng Quốc hội khóa mới sẽ làm tròn trọng trách mà nhân dân đã tin cậy giao cho. /.