* Tổng Bí thư, Chủ tịch Qh khóa XII Nguyễn Phú Trọng khai mạc kỳ họp và phát biểu ý kiến
* Thông qua nghị quyết xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội
Sáng qua 21-7, tại Hội trường Bộ Quốc phòng (Hà Nội), đúng 8 giờ 30 phút, Quốc hội khóa XIII (QH) làm lễ chào cờ, khai mạc trọng thể kỳ họp thứ nhất.
Trước giờ khai mạc, các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước và đại diện các Ðoàn đại biểu QH đã đặt vòng hoa tại Ðài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ; các đại biểu QH vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Dự phiên khai mạc có các đồng chí: Tổng Bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Nông Ðức Mạnh; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Chủ tịch nước Lê Ðức Anh, Trần Ðức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An; Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang; Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Huỳnh Ðảm; các vị lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo cấp cao của Ðảng và Nhà nước; các vị lão thành cách mạng; nhiều vị đại biểu QH các khóa trước; các vị đại biểu QH khóa XIII; đại diện các Ðoàn ngoại giao và tổ chức quốc tế tại Hà Nội; đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước và nước ngoài.
Chủ tịch QH khóa XII Nguyễn Phú Trọng khai mạc kỳ họp, nêu rõ: Tại phiên họp thứ nhất, QH sẽ nghe báo cáo kết quả cuộc bầu cử đại biểu QH khóa XIII và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước trong cuộc bầu cử đại biểu QH khóa XIII; báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu QH khóa XIII; quyết định cơ cấu tổ chức và bầu, phê chuẩn nhân sự cấp cao trong bộ máy nhà nước. QH cũng xem xét Tờ trình của Ủy ban Thường vụ QH về việc triển khai chủ trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. (Toàn văn Lời khai mạc đăng trong số báo hôm nay).
Phó Chủ tịch QH, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng bầu cử đại biểu QH khóa XIII và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 Tòng Thị Phóng trình bày Báo cáo kết quả cuộc bầu cử diễn ra ngày 22-5 vừa qua, nêu rõ: Tổng số cử tri đi bầu là 62 triệu 010 nghìn 266 người, đạt tỷ lệ 99,51%. Cả nước đã bầu 500 đại biểu QH và 302 nghìn 648 đại biểu HÐND các cấp. Cuộc bầu cử đại biểu QH khóa XIII và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 diễn ra thành công tốt đẹp. Thắng lợi toàn diện và to lớn của cuộc bầu cử thể hiện tinh thần yêu nước, sự tin tưởng của nhân dân vào đường lối đổi mới, vào sự lãnh đạo của Ðảng, sự điều hành của Nhà nước, khẳng định quyền làm chủ của nhân dân và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Ðây là tiền đề quan trọng triển khai thực hiện Nghị quyết Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Ðảng; tiếp tục xây dựng, củng cố, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Phát biểu ý kiến tại kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới đang đặt ra trước QH và các vị đại biểu QH khóa XIII những nhiệm vụ rất nặng nề và cao cả. Cử tri cả nước đang kỳ vọng QH khóa mới sẽ kế thừa, phát huy những thành quả của QH các khóa trước, tiếp tục có nhiều giải pháp đột phá, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động của mình. Ðảng Cộng sản Việt Nam, với chức năng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, theo trách nhiệm và quyền hạn được Hiến pháp quy định, đã, đang và sẽ tiếp tục chăm lo xây dựng Nhà nước thật sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, hoạt động có hiệu lực và hiệu quả. Với những thành tựu mà các khóa QH trước đã đạt được và từ kết quả bầu cử đại biểu QH khóa mới, chúng ta hoàn toàn tin tưởng QH khóa XIII sẽ đoàn kết, phấn đấu thực hiện thành công sứ mệnh của mình, tiếp tục ghi thêm mốc son mới vào lịch sử và tiến trình phát triển của QH Việt Nam. (Toàn văn Bài phát biểu đăng trong số báo hôm nay).
Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước trong cuộc bầu cử đại biểu QH khóa XIII và bầu cử đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 do Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Huỳnh Ðảm trình bày cho biết, trong quá trình tham gia tổ chức cuộc bầu cử đại biểu QH khóa XIII và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, cùng với chủ trì tổ chức các bước hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử, Ủy ban MTTQ các cấp đã phối hợp tổ chức 123 nghìn 276 hội nghị tiếp xúc cử tri để những người ứng cử thực hiện quyền vận động bầu cử với 6 triệu 707 nghìn 791 cử tri tham dự và có 389 nghìn 727 ý kiến phát biểu của cử tri. Ngoài việc đóng góp trực tiếp ý kiến cho những người ứng cử, cử tri và nhân dân còn bày tỏ nhiều ý kiến, kiến nghị đối với QH, Chính phủ, các cơ quan Nhà nước hữu quan và chính quyền địa phương các cấp.
Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước cũng nêu rõ, cử tri và nhân dân cả nước phấn khởi trước kết quả của Ðại hội toàn quốc lần thứ XI của Ðảng và những thành tựu của đất nước sau 25 năm đổi mới. Quyền làm chủ của nhân dân được phát huy; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Nhân dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân còn băn khoăn, lo lắng về sự phát triển chưa vững chắc của nền kinh tế, nhất là lạm phát, giá cả tăng cao ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân và sự phát triển kinh tế - xã hội.
Cử tri và nhân dân cả nước kiến nghị, thời gian tới, Ðảng và Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát triển kinh tế nhanh, bền vững; nâng cao đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị- xã hội; tăng cường đối ngoại; bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Ðối với QH, cử tri và nhân dân đánh giá cao sự đổi mới về tổ chức và hoạt động của QH khóa XII; QH ngày càng thực hiện tốt hơn vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tại kỳ họp này, QH sẽ xem xét để bầu hoặc phê chuẩn các chức vụ trong bộ máy Nhà nước ở T.Ư. Ðông đảo cử tri và nhân dân kiến nghị QH nêu cao tinh thần trách nhiệm, sáng suốt lựa chọn những người có tài, có đức, thật sự tiêu biểu để đảm nhiệm những chức vụ trong bộ máy Nhà nước ở T.Ư, đồng thời mong muốn những người được QH bầu hoặc được phê chuẩn cần có chương trình hành động gửi đến Ủy ban Thường vụ QH và Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam để theo dõi giám sát. Cử tri và nhân dân cả nước mong muốn và kiến nghị QH khóa XIII tiếp tục đổi mới về tổ chức, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động, thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của QH.
Tại phiên khai mạc, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước sáu tháng đầu năm 2011; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước sáu tháng cuối năm 2011. Báo cáo nêu rõ, trong bối cảnh toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân, các ngành, các cấp tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng, nhanh chóng đưa kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 vào cuộc sống; việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội theo các Nghị quyết của Ðảng, Quốc hội, Chính phủ đã đạt được những kết quả tích cực. Lạm phát đã có xu hướng giảm, xuất khẩu và thị trường hàng hóa trên đà tăng mạnh; thu ngân sách tăng, bội chi ngân sách Nhà nước giảm, thị trường ngoại hối từng bước ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng; tăng trưởng kinh tế đạt mức hợp lý; an sinh xã hội được chú trọng. Ðây là những kết quả bước đầu đáng mừng.
Tiếp đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH khóa XII, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH khóa XII Hà Văn Hiền thay mặt Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước sáu tháng đầu năm 2011; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước sáu tháng cuối năm 2011. Báo cáo cho biết, sau bốn tháng triển khai thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ; với quyết tâm cao cùng với việc tổ chức triển khai đồng bộ, thống nhất và quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương; sự cố gắng tích cực của các địa phương, các doanh nghiệp và sự đồng thuận của toàn xã hội, tình hình kinh tế-xã hội những tháng gần đây đã có một số chuyển biến tích cực.
Buổi chiều, Tổng Bí thư, Chủ tịch QH khóa XII Nguyễn Phú Trọng trình bày Tờ trình giới thiệu danh sách để QH bầu Ủy ban Thẩm tra tư cách đại biểu QH khóa XIII gồm 19 người, do ông Ngô Văn Dụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Ðảng, trúng cử đại biểu QH khóa XIII tỉnh Vĩnh Phúc, làm Chủ nhiệm Ủy ban; ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch QH khóa XII, trúng cử đại biểu QH khóa XIII tỉnh Thanh Hóa, làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban.
QH đã thảo luận và biểu quyết thông qua danh sách Ủy ban Thẩm tra tư cách đại biểu, với 496 đại biểu tán thành, chiếm 99,2% tổng số đại biểu QH.
QH đã nghe Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình đề nghị QH phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2009. Theo báo cáo tóm tắt quyết toán NSNN năm 2009, Chính phủ đã thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn nộp thuế theo Nghị quyết của QH nhằm kích thích phát triển kinh tế có hiệu quả và giảm thuế 19 nhóm hàng hóa, dịch vụ. Nhờ vậy đã góp phần chặn đà suy giảm kinh tế, tăng nguồn thu NSNN... Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, thiên tai dịch bệnh diễn biến phức tạp, song với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, đã thực hiện quyết liệt các biện pháp chống suy giảm kinh tế, các nhiệm vụ phát triển KT-XH đạt và vượt mục tiêu QH đặt ra, nhiệm vụ thu NSNN thực hiện đạt kết quả cao.
QH đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH khóa XII Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán NSNN năm 2009. Báo cáo đánh giá tổng quát tình hình thực hiện chính sách tài khóa năm 2009, nêu rõ: Từ cuối năm 2008, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước ta và tiếp tục diễn biến phức tạp, làm cho sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu giảm sút, ảnh hưởng đến việc làm và đời sống nhân dân. Trước tình hình đó, QH và Chính phủ đã kịp thời ban hành nhóm giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế với chính sách tiền tệ nới lỏng, thận trọng, linh hoạt. Triển khai gói kích thích kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội trong năm 2009 và một số năm tiếp theo, điều chỉnh mục tiêu tổng quát, một số chỉ tiêu KT-XH. Về NSNN, giữ tổng chi trong dự toán NSNN đã được QH quyết định, cho phép tăng bội chi NSNN từ 4,82% lên không quá 7% GDP để bù đắp số hụt thu, bảo đảm nhiệm vụ chi NSNN năm 2009 đã được QH quyết định; phát hành bổ sung 20 nghìn tỷ đồng vốn Trái phiếu Chính phủ để bổ sung vốn đầu tư cho một số lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế, ký túc xá sinh viên. Ðồng thời tăng cường phân cấp mạnh về quản lý đầu tư, cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư, chưa thu hồi vốn ứng trước; thực hiện nhiều chương trình bảo đảm an sinh xã hội...
Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về việc ban hành bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2011. Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH khóa XII Phùng Quốc Hiển cũng đã trình bày Báo cáo thẩm tra Tờ trình nói trên của Chính phủ.
QH đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Thẩm tra tư cách đại biểu QH Ngô Văn Dụ báo cáo kết quả thẩm tra tư cách đại biểu QH khóa XIII. Theo đó, sau khi xem xét biên bản tổng kết cuộc bầu cử, hồ sơ giải quyết khiếu nại, tố cáo và các tài liệu khác có liên quan về cuộc bầu cử đại biểu QH khóa XIII, Ủy ban Thẩm tra tư cách đại biểu QH khóa XIII đề nghị QH xem xét xác nhận tư cách đại biểu QH của 500 vị đại biểu đã trúng cử trong cuộc bầu cử ngày 22-5-2011.
QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc xác nhận tư cách đại biểu của các đại biểu QH, với 495 đại biểu có mặt, đạt 99% tổng số đại biểu QH tán thành.
Cuối buổi chiều, Chủ tịch QH khóa XII Nguyễn Phú Trọng, thay mặt Ủy ban Thường vụ QH khóa XII, trình bày Tờ trình về số Phó Chủ tịch QH và số Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH khóa XIII. Theo Tờ trình, Ủy ban Thường vụ QH khóa XIII gồm có 18 thành viên, trong đó có Chủ tịch QH, bốn Phó Chủ tịch QH và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH. Cụ thể là: Một Phó Chủ tịch QH giúp Chủ tịch QH về lĩnh vực văn hóa - xã hội; một Phó Chủ tịch QH giúp Chủ tịch QH về lĩnh vực kinh tế - tài chính; một Phó Chủ tịch QH giúp Chủ tịch QH về lĩnh vực pháp luật, tư pháp; một Phó Chủ tịch QH giúp Chủ tịch QH về lĩnh vực quốc phòng - an ninh. 13 Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH khác, gồm một Ủy viên làm Chủ tịch Hội đồng Dân tộc; chín Ủy viên làm Chủ nhiệm chín Ủy ban của QH (Ủy ban Pháp luật; Ủy ban Tư pháp; Ủy ban Kinh tế; Ủy ban Tài chính - Ngân sách; Ủy ban Quốc phòng và An ninh; Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; Ủy ban Về các vấn đề xã hội; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và môi trường; Ủy ban Ðối ngoại); một Ủy viên phụ trách công tác đại biểu, một Ủy viên phụ trách công tác dân nguyện và một Ủy viên làm Chủ nhiệm Văn phòng QH.