Quốc hội khóa XIII và kỳ vọng của nhân dân

21/07/2011

Ngày 21/7, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIII sẽ chính thức khai mạc, khởi đầu nhiệm kỳ kéo dài 5 năm với trách nhiệm góp phần phát triển đất nước.

Kỳ họp cũng sẽ đánh một dấu mốc quan trọng trong việc xây dựng bộ máy lãnh đạo của Nhà nước ta, với việc bầu và phê chuẩn nhân sự cấp cao. Chính vì vậy, nhân dân và cử tri cả nước đang hết sức quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng về những người đại diện cho mình chọn ra những đại biểu sáng giá nhất vào những vị trí chủ chốt của Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ. 

Ngày 22/5 vừa qua, gần 62 triệu cử tri cả nước đã tiến hành cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII. 500 người trúng cử đại biểu Quốc hội trong tổng số 827 ứng cử viên đã được cử tri lựa chọn, xứng đáng là những đại biểu ưu tú nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân.

500 đại biểu ấy, ngoài nhiệm vụ giám sát tại địa phương thì ít nhất, mỗi năm 2 lần sẽ có mặt tại Hà Nội để tham gia quyết định các vấn đề trọng đại có ảnh hưởng đến vận mệnh đất nước và đời sống của mọi người dân. Và tại kỳ họp thứ nhất, công việc trọng trách đầu tiên là bầu nhân sự cấp cao của bộ máy Nhà nước.

Đã từng giữ vị trí chủ chốt của Viện nghiên cứu kinh tế Trung ương, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp gửi gắm lại niềm tin của mình cho lớp trẻ. Điều lớn nhất mà ông vẫn còn đau đáu là việc thúc đẩy giải quyết những vấn đề “nóng” hiện nay như tình trạng tham nhũng, lãng phí, quản lý đất đai, an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả tăng… thì vai trò của người đại biểu nhân dân có lúc, có nơi còn mờ nhạt, xa rời thực tế.

Hơn 65 năm qua, Quốc hội nước ta đã trải qua 12 khoá. Mỗi nhiệm kỳ Quốc hội đều thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trước yêu cầu cách mạng. Nhiều nhiệm kỳ để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng cử tri. Nhưng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII vừa rồi, cử tri cả nước chứng kiến rõ hơn nhiều đổi mới quan trọng trong các lĩnh vực hoạt động.

Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trước những đòi hỏi bức thiết và ngày càng cao hơn của cuộc sống dân sinh, những đánh giá của Quốc hội trên hội trường hay thảo luận ở tổ có lẽ chưa thể bao quát hết tất cả mọi mặt.

Có rất nhiều điều có thể đã làm dân hài lòng, nhưng cũng không ít vấn đề mới nảy sinh nhân dân còn mong chờ và hy vọng. Chính vì thế mà bác sĩ Phạm Thị Phương, một đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, lần đầu tiên tham gia Quốc hội đã thấy rõ trách nhiệm nặng nề của một người đại biểu nhân dân và những trọng trách mà cử tri giao phó.

“Tôi nhận thức được trách nhiệm của mình, tôi sẽ cố gắng hết sức, không ngừng học hỏi để làm tốt chức năng, nhiệm vụ của người đại biểu Quốc hội: Tham gia việc lập hiến, lập pháp, các chính sách quan trọng, nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng và thực hiện chức năng giám sát đối với toàn bộ các hoạt động của Nhà nước”, bà Phương chia sẻ.

Điều hiển nhiên mà ai cũng biết, muốn có một Quốc hội mạnh phải hội tụ những đại biểu xứng đáng. Trình độ chuyên môn và nhãn quan chính trị của mỗi đại biểu Quốc hội ngày càng nâng cao thì chất lượng hoạt động của Quốc hội mới có thể được nâng lên.

Chính vì vậy mà cử tri cả nước mong các đại biểu Quốc hội khoá này phát huy hết trách nhiệm và khả năng trí tuệ của mình để làm cho cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất thực hiện tốt 3 chức năng chủ yếu là: Lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, nhằm thúc đẩy nhanh sự nghiệp đổi mới đất nước, cải thiện và nâng cao đời sống dân sinh.

Ông Phạm Thành Nối, cử tri ở Thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh cho rằng, người đại biểu Quốc hội hiện nay, không chỉ biết tìm ra những biện pháp lớn để thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển mà quan trọng hơn là bám sát được cuộc sống để phản ánh được đầy đủ tiếng nói của nhân dân đến với Quốc hội.

Quốc hội khoá XIII có 45,8% số đại biểu đạt trình độ trên đại học, điều này là cơ sở quan trọng để Quốc hội nâng cao chất lượng hoạt động và mang tính chuyên nghiệp hơn.

Trước yêu cầu thực tiễn và nhiệm vụ mới của đất nước, Hội nghị lần thứ 2, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI vừa diễn ra đầu tháng 7 đã cụ thể hóa một bước về việc bổ sung, sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Hội nghị cũng thảo luận và thống nhất việc giới thiệu nhân sự ứng cử vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt các cơ quan nhà nước, đáp ứng yêu cầu đặt ra, bảo đảm kết hợp tính kế thừa và phát triển, sự lãnh đạo của Đảng một cách toàn diện trên các địa bàn, lĩnh vực công tác…

Đây là những yếu tố cần thiết để tăng thêm lòng tin của cử tri đối với Quốc hội khoá XIII và tin vào những đại biểu xứng đáng sẽ được Quốc hội bầu vào những vị trí trọng trách của bộ máy lập pháp, tư pháp và hành pháp./.

Sông Thao

(http://vov.vn/)

Các bài viết khác