Bế mạc Phiên họp thứ Bốn mốt của UBTVQH

01/07/2011

* Cho ý kiến về Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước: Phản ánh chính xác bức tranh kinh tế - xã hội sẽ tạo sự đồng thuận trong xã hội * Thông qua chủ trương thành lập Viện kiểm sát quân sự Thủ đô Hà Nội và dự án Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

Chiều 30.6, UBTVQH đã bế mạc Phiên họp thứ Bốn mốt.

 

Trước đó, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, UBTVQH đã cho ý kiến về Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm; các giải pháp thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước trong 6 tháng cuối năm..

 

Trình bày Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc nêu rõ: tình hình kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế trong những tháng đầu năm đã xuất hiện nhiều yếu tố đáng lo ngại, tiềm ẩn những yếu tố gây bất ổn kinh tế vĩ mô. Trước tình hình này, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 02, QH ban hành Nghị quyết số 59, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11, với mục tiêu chính là tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra đã mang lại kết quả tích cực: chỉ số giá tiêu dùng có dấu hiệu giảm dần; tình hình thị trường đã ổn định trở lại; dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng; thu ngân sách Nhà nước đạt khá; an sinh xã hội được bảo đảm; công tác đối ngoại, quốc phòng, an ninh được củng cố.

 

Để thực hiện mục tiêu tổng quan trong năm 2011, Chính phủ xác định sẽ tập trung chỉ đạo, điều hành nhằm kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 15 – 17%; tăng trưởng GDP đạt 6%; tỷ lệ nhập siêu không quá 16% tổng kim ngạch xuất khẩu; giảm bội chi ngân sách Nhà nước xuống dưới mức 5%.

 

Theo Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và một số giải pháp chủ yếu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ ngân sách Nhà nước năm 2011, do Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 327.820 tỷ đồng, bằng 55,1% dự toán - là kết quả khá tích cực. Tổng chi ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm ước 355.600 tỷ đồng, đạt 49% dự toán. Với kết quả thu – chi ngân sách Nhà nước, bội chi ngân sách Nhà nước trong 6 tháng đầu năm ước 27.780 tỷ đồng, bằng 23% dự toán. Đây là mức bội chi thấp nhất so với cùng kỳ các năm gần đây, khẳng định chủ trương thắt chặt tài khóa đã được thực hiện nghiêm túc.

 

Trình bày Báo cáo một số ý kiến về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền nhận định: triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo Kết luận số 02 của Bộ Chính trị, các Nghị quyết của QH, Nghị quyết số 11 của Chính phủ đã mang lại kết quả tích cực. Tuy nhiên, những kết quả này mới là bước đầu, thách thức, khó khăn trong những tháng cuối năm còn nặng nề, cần những giải pháp kiên quyết và kịp thời tháo gỡ khó khăn phát sinh, khắc phục tồn tại cũ nhằm thực hiện thành công mục tiêu đã đề ra, đồng thời giải quyết một số vấn đề phức tạp về trật tự xã hội, quốc phòng an ninh. Trong 6 tháng cuối năm, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, thận trọng và chính sách tài khóa chặt chẽ. Đối với cắt giảm đầu tư công, cần khẩn trương rà soát để thống nhất tiêu chí cắt giảm, đình hoãn và có hướng dẫn đồng bộ, rõ ràng và kịp thời. Và bảo đảm tính linh hoạt trên cơ sở đặc thù của từng địa phương, lĩnh vực; xem xét điều chuyển, bổ sung vốn cho các dự án thực sự cấp thiết; xử lý kịp thời vướng mắc của địa phương.

 

Theo Báo cáo thẩm tra sơ bộ về tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước do Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển, để hoàn thành dự toán ngân sách Nhà nước năm 2011, cần tiếp tục kiên định thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ, Nghị quyết số 52 của QH. Về chính sách tiền tệ, Chính phủ cần tiếp tục có giải pháp để điều hành linh hoạt hơn, tích cực sử dụng các công cụ kinh tế thị trường, hạn chế sử dụng biện pháp hành chính gây phản ứng đột ngột cho thị trường tài chính, tiền tệ, cũng như gây bất lợi cho ngân hàng, các tổ chức, cá nhân. Dư nợ tín dụng nên duy trì ở mức hợp lý, ổn định, thắt chặt cho vay nhưng cần có trọng tâm, trọng điểm, tránh tình trạng bình quân. Về chính sách tài khóa, cần tích cực thực hiện các giải pháp cân đối ngân sách để thực hiện được mục tiêu giảm bội chi ngân sách xuống dưới mức 5% GDP. Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách cho rằng, cùng với các giải pháp mang tính tình thế, ngắn hạn, Chính phủ cần chú trọng các giải pháp chiến lược, mang tính dài hạn như: công tác quy hoạch, kế hoạch; các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thu gọn bộ máy hành chính; minh bạch hóa hệ thống tài chính, tránh đầu cơ; cần tăng cường quản lý tài chính đối với tập đoàn, tổng công ty nhà nước; đẩy mạnh quản lý về giá cả, thị trường...

 

Các Ủy viên UBTVQH đánh giá cao nỗ lực trong điều hành, quản lý kinh tế - xã hội của Chính phủ trong thời gian qua. Tuy nhiên, từ 6 tháng đầu năm đã nổi lên một số vấn đề cần tập trung xử lý gồm: lạm phát tăng cao gấp hai lần tốc độ tăng trưởng kinh tế, giá trị VNĐ giảm, lãi suất cho vay cao. Các yếu tố này đã ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập và đời sống của đại đa số nhân dân; cũng như gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội trình tại Kỳ họp thứ Nhất, QH Khóa XIII cần phân tích đầy đủ, với lý lẽ, cơ sở chặt chẽ của những thành công và hạn chế trong thời gian qua. Theo Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, Báo cáo phản ánh chính xác và cụ thể bức tranh kinh tế - xã hội sẽ tạo sự đồng thuận trong xã hội và sự chia sẻ của nhân dân với Đảng và Nhà nước trước những khó khăn tạm thời. Đồng tình với quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho rằng, việc kiên trì thực hiện chính sách đã giúp nhiều chủ trương của Nhà nước phát huy hiệu quả. Đây là bài học kinh nghiệm trong điều hành, quản lý kinh tế - xã hội cần được chú ý phân tích. Hơn nữa, giá bán hàng hóa, sản phẩm tăng cao trong thời gian qua đã khiến nhu cầu tiêu dùng của phần đông dân cư giảm. Như vậy, cần đặt thêm những tình huống sẽ phát sinh trong 6 tháng cuối năm, để kịp thời ban hành các chính sách phù hợp, góp phần bảo đảm tăng trưởng kinh tế vững chắc.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, cần điều chỉnh một số chỉ tiêu cơ bản, để có giải pháp điều hành đúng đắn hơn, góp phần thực hiện kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội trong năm 2011. Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên đề nghị, cần bám sát vào những nội dung rất căn bản trong mục tiêu tổng quát của năm 2011 là tập trung vào kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm sinh xã hội và tạo điều kiện để bảo đảm sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đây cũng là những điều kiện cơ bản để bảo đảm thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trung và dài hạn đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua. QH không nên ban hành Nghị quyết riêng điều chỉnh các chỉ tiêu vĩ mô, mà phản ánh trong một Nghị quyết chung tại Kỳ họp thứ Nhất.

 

Các Ủy viên UBTVQH cơ bản đồng tình với những giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm được Chính phủ đưa ra. Nhưng  tình hình kinh tế trong thời gian tới còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là chính sách thắt chặt tiền tệ và chính sách tài khóa đã gây một số khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Do vậy, dù kiên trì thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, thì cũng cần linh hoạt trong điều hành để bảo đảm đúng hướng, đúng lúc, đúng liều lượng, nhằm hạn chế thấp nhất những tác động bất lợi. Điều tiết tăng trưởng tín dụng và giải ngân vốn đầu tư bằng ngân sách đều trong năm, tránh tình trạng dồn về cuối năm, gây sức ép cân đối tiền hàng và kiềm chế lạm phát. Hơn nữa, do chi tiêu công được thắt chặt, nên các cơ quan quản lý cần sớm ban hành cơ chế, chính sách để huy động nguồn vốn của xã hội, góp phần bù đắp vốn đầu tư phát triển. Giải pháp này sẽ giúp giữ mức tăng trưởng hợp lý và góp phần bảo đảm việc làm, thu nhập cho người dân, tăng cường trật tự an toàn xã hội.

 

Về cắt giảm đầu tư công, nhiều Ủy viên UBTVQH cho rằng, việc hướng dẫn về cắt giảm, đình hoãn, giãn tiến độ dự án không rõ ràng và không có tiêu chí thống nhất đã gây nhiều trở ngại trong quá trình thực hiện. Chủ nhiệm VPQH Trần Đình Đàn nêu rõ: do hướng dẫn không rõ ràng và chậm ban hành nên có tình trạng công trình cấp thiết, phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân do mới khởi công đã không được giải ngân. Trong đó, có cả một số dự án giá trị không có nhưng lại có ý nghĩa to lớn vì góp phần hoàn thiện tổng dự án. Những dự án này nếu không được triển khai sẽ gây lãng phí trong đầu tư. Cơ bản tán thành với đề nghị của Thường trực Ủy ban Kinh tế về cắt giảm đầu tư công, Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên đề nghị, cần nghiên cứu cắt giảm đầu tư công gián tiếp thông qua rà soát, sắp xếp để điều chuyển vốn sang dự án, những công trình có thể hoàn thành nhanh, đáp ứng đòi hỏi cấp thiết của cuộc sống, tạo tiền đề đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ của năm 2012, năm 2013, cũng như thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.

 

Buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu và Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, UBTVQH đã thông qua chủ trương thành lập Viện Kiểm sát Quân sự Thủ đô Hà Nội và dự án Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

 

Theo Tờ trình về đề nghị thành lập Viện Kiểm sát Quân sự Thủ đô Hà Nội do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trần Quốc Vượng trình bày, hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội có 5 cơ quan Viện kiểm sát quân sự cấp khu vực. Để thực hiện chủ trương tổ chức lại các Viện kiểm sát quân sự quân khu và khu vực thuộc Bộ Quốc phòng trên địa bàn thành phố Hà Nội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị thành lập Viện kiểm sát quân sự Thủ đô Hà Nội trên cơ sở hợp nhất Viện kiểm sát quân sự cơ quan Bộ Quốc phòng và Viện kiểm sát quân sự Thủ đô Hà Nội. Đồng thời, đề nghị thành lập Viện kiểm sát quân sự khu vực trực thuộc Viện kiểm sát quân sự Thủ đô Hà Nội trên cơ sở hợp nhất Viện kiểm sát quân sự khu vực 1, Viện kiểm sát quân sự khu vực 2. Viện kiểm sát quân sự Thủ đô Hà Nội và Viện kiểm sát quân sự khu vực trực thuộc thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp trong quân đội và cơ quan Bộ Quốc phòng đóng trên địa bàn Thủ đô, trừ Quân chủng Phòng không - không quân và Bộ đội Biên phòng.

 

Trình bày Báo cáo thẩm tra Tờ trình của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba nhấn mạnh, sau khi Bộ Tư lệnh Quân khu thủ tô được tổ chức lại thành Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội với tư cách là cơ quan quân sự của thành phố Hà Nội, thì thẩm quyền của các cơ quan tư pháp quân sự trên địa bàn thành phố nói chung và của Viện kiểm sát quân sự Thủ đô Hà Nội nói riêng được thu hẹp lại. Việc trên địa bàn Hà Nội đang cùng tồn tại hai Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu và ba Viện kiểm sát quân sự khu vực là không hợp lý. Thường trực Ủy ban Tư pháp tán thành với đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về thành lập Viện kiểm sát quân sự Thủ đô Hà Nội và Viện kiểm sát quân sự khu vực trực thuộc, nhằm thu gọn đầu mối các Viện kiểm sát quân sự trên địa bàn Thủ đô.

 

Các Ủy viên UBTVQH đã thống nhất thông qua chủ trương thành lập Viện kiểm sát quân sự Thủ đô Hà Nội và Viện kiểm sát quân sự khu vực trực thuộc. Và giao Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Ủy ban Tư pháp nghiên cứu, rà soát để hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết về việc thành lập Viện kiểm sát quân sự Thủ đô Hà Nội, trình UBTVQH thông qua trong phiên họp gần nhất.

 

Tiếp đó, UBTVQH đã thông qua dự án Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Pháp lệnh bao gồm 38 Điều, 6 chương, quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; trách nhiệm quản lý nhà nước đối với vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Theo đó, Pháp lệnh không điều chỉnh về vũ khí hạng nặng, vũ khí hiện đại do Bộ Quốc phòng quản lý, đòi hỏi nhiều người sử dụng. Sau khi Pháp lênh này có hiệu lực (ngày 1.1.2012), các vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ còn tồn đọng hoặc lưu hành trái phép trong xã hội phải khai báo, giao nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Phương Thủy

(http://daibieunhandan.vn)

Các bài viết khác