Các đại biểu lần đầu trúng cử ĐBQH Khóa XIII đã nghe các ĐBQH Khóa XI, Khóa XII và các chuyên gia giới thiệu về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền lực và quy trình, thủ tục thực hiện nhiệm vụ của QH, các cơ quan của QH; quy trình, thủ tục đối với ĐBQH tiến hành các hoạt động tại Kỳ họp thứ Nhất của từng nhiệm kỳ QH; những đổi mới, cải tiến của QH Khóa XII trên cả 3 chức năng lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Các đại biểu cũng đã được nghe giới thiệu về vai trò, trách nhiệm, nhiệm vụ và quyền hạn của ĐBQH. ĐBQH là người đại diện cho người dân tại diễn đàn của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất nên cần tham dự đầy đủ các phiên họp của QH, các cuộc họp của Ủy ban, Đoàn ĐBQH mà đại biểu là thành viên. Cần tập trung cao độ ngay từ những ngày đầu tiên của nhiệm kỳ, giảm tối thiểu thời gian làm quen với các công việc của QH. 5 năm không phải là quãng thời gian dài đối với mỗi đại biểu, trong khi đó, mỗi quyết đáp của QH đều tác động trực tiếp đến đời sống của nhân dân, đến sự phát triển của đất nước. Đại biểu cần tập trung thời gian nghiên cứu kỹ các quy trình thủ tục làm việc tại QH, nghiên cứu kỹ tài liệu liên quan đến các nội dung mà QH đang xem xét, từ đó có chính kiến đóng góp với QH, đóng góp cho cử tri. Về quyền hạn của ĐBQH, trong công tác lập pháp, ĐBQH có quyền kiến nghị sửa đổi, bổ sung chương trình lập pháp toàn khóa và hàng năm của QH, quyền trình sáng kiến lập pháp và kiến nghị về các dự thảo luật được trình QH bằng hình thức gửi văn bản hoặc phát biểu ở Phiên họp tại Tổ hoặc Phiên họp tại Hội trường của QH. Trong hoạt động giám sát, ĐBQH có quyền kiến nghị sửa đổi, bổ sung chương trình giám sát toàn khóa và hàng năm của QH, cơ quan của QH và Đoàn ĐBQH mà đại biểu là thành viên; thảo luận, kiến nghị về các vấn đề được giám sát; chất vấn, kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn; kiến nghị lập Ủy ban lâm thời điều tra một số vấn đề nhất định. Trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, ĐBQH có quyền kiến nghị những vấn đề đối nội, đối ngoại QH cần xem xét, quyết định; thảo luận các chính sách đối nội, đối ngoại, các dự án, công trình quan trọng được trình QH xem xét, quyết định và biểu quyết về các chính sách, dự án. Ngoài Kỳ họp QH, ĐBQH cần thường xuyên liên hệ với cử tri; tham gia hoạt động giám sát và các hoạt động khác của cơ quan QH, Đoàn ĐBQH mà đại biểu là thành viên; giải quyết đơn thư, kiến nghị của cử tri; gương mẫu trong đời sống, tích cực tuyên truyền chính sách, pháp luật, vận động gia đình, người dân xung quanh chấp hành chính sách, pháp luật và không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao năng lực hoàn thành nhiệm vụ ĐBQH. Ngoài Kỳ họp của QH, ĐBQH cũng có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị cung cấp thông tin và giải quyết các vấn đề mà đại biểu quan tâm; tổ chức tiếp công dân, nhận đơn thư kiến nghị của cử tri; yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị xem xét giải quyết đơn thư, kiến nghị của cử tri; yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị áp dụng biện pháp chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật; xây dựng và thực hiện kế hoạch giám sát, kế hoạch tiếp xúc cử tri của cá nhân đại biểu...