|
Tổng Bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng thăm dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Canon Việt Nam. Ảnh: Trí Dũng |
Nghị quyết số 20 - NQ - TW của Trung ương ban hành ngày 28.1.2008 xác định rõ: xây dựng giai cấp công nhân nước ta lớn mạnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, của mỗi người công nhân và của toàn xã hội. Giai cấp công nhân Việt Nam là một lực lượng xã hội to lớn, đang phát triển, bao gồm những người lao động chân tay và trí óc, làm công hưởng lương trong các loại hình sản xuất kinh doanh và dịch vụ công nghiệp, hoặc sản xuất kinh doanh và dịch vụ có tính chất công nghiệp. Nghị quyết cũng nêu rõ, để thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại thì cần xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, có giác ngộ giai cấp và bản lĩnh chính trị vững vàng; có ý thức công dân, yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tiêu biểu cho tinh hoa văn hóa của dân tộc; nhạy bén và vững vàng trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và những biến đổi của tình hình trong nước; có tinh thần đoàn kết dân tộc, đoàn kết, hợp tác quốc tế; thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tại cuộc làm việc, báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 20, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cho biết, trong 3 năm qua, cả nước đã thành lập mới được hơn 12 nghìn công đoàn cơ sở, kết nạp hơn 1,8 triệu đoàn viên công đoàn. Tính đến tháng 12.2010, cả nước có gần 7,1 triệu đoàn viên và hơn 106 nghìn công đoàn cơ sở. Tổng liên đoàn đã thực hiện công tác quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách ở các khu công nghiệp, khu chế xuất cũng như ở các doanh nghiệp ngoài nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có đông đoàn viên công đoàn. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thẳng thắn thì công tác triển khai quán triệt Nghị quyết sốë 20 của một số cấp ủy, chính quyền công đoàn chưa tích cực, mới triển khai ở khu vực kinh tế nhà nước mà chưa quan tâm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung Nghị quyết số 20 đến đông đảo công nhân lao động, nhất là ở khu vực kinh tế ngoài Nhà nước. Những vấn đề bức xúc, cấp bách như mục tiêu Nghị quyết đề ra chưa thật sự được tập trung giải quyết quyết liệt và chưa tạo sự chuyển biến đáng kể như: việc làm, nhà ở, tiền lương, thu nhập, bảo hiểm xã hội, nơi sinh hoạt văn hóa, cơ sở nuôi dạy trẻ... , trong đó nhà ở đang là mối quan tâm, lo lắng lớn của công nhân và người lao động. Theo Tổng liên đoàn, đối với nhà ở cho công nhân và người có thu nhập thấp, cần có giải pháp để giải quyết hai vấn đề khó khăn lớn nhất hiện nay là vốn và đất sạch theo hướng nhà nước, doanh nghiệp và người mua hoặc thuê mua cùng có trách nhiệm, trong đó nhà nước giữ vai trò quan trọng.
Đối với QH, Tổng liên đoàn kiến nghị QH tiến hành sửa đổi Bộ luật Lao động (sửa đổi) và Luật Công đoàn (sửa đổi) theo đúng tiến độ đã đề ra, khẳng định vai trò đại diện của Công đoàn đối với người lao động; luật hóa thời gian doanh nghiệp phải dành cho người lao động học tập chính sách pháp luật và được hưởng nguyên lương trong thời gian này. Hiện nay, tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp diễn ra khá phổ biến, gây ảnh hưởng đến quyền hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động. Thực tế này có nguyên nhân do Luật Bảo hiểm xã hội quy định người sử dụng lao động phải nộp đầy đủ bảo hiểm xã hội thì cơ quan bảo hiểm xã hội mới chi trả chế độ cho người lao động. QH cần xem xét, sửa đổi quy định này nhằm bảo đảm quyền lợi về chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội theo quy định.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Tổng bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tới vai trò quan trọng và cấp bách của việc xây dựng giai cấp công nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Đây không chỉ là nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn mà là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Tổng bí thư, Chủ tịch QH nêu rõ, xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh không chỉ nhằm tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất mà đồng thời cần nâng cao trình độ toàn diện của giai cấp công nhân và người lao động, kể cả về chính trị, văn hóa, tay nghề, kỹ thuật, nếp sống công nghiệp... Trong xây dựng giai cấp công nhân thì cần chú ý đến sự phối hợp quan hệ giữa chủ - thợ thế nào để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa chủ - thợ cũng như giữa chủ - thợ với Nhà nước; quan hệ hài hòa giữa doanh nghiệp với địa phương... Bởi lẽ, nước ta phát triển kinh tế thị trường nhưng theo định hướng xã hội chủ nghĩa, cùng với việc thúc đẩy sản xuất phát triển thì phải chăm lo cho người lao động, người công nhân - những người trực tiếp làm ra của cải vật chất. Nói như K. Mark: lao động là cha, đất là mẹ thì mới tạo ra của cải vật chất. Người lao động là nguồn lực, giai cấp công nhân là vấn đề chiến lược, lâu dài. Tổng bí thư, Chủ tịch QH một lần nữa khẳng định, việc Trung ương ra Nghị quyết số 20 về xây dựng giai cấp công nhân trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước cùng với việc xây dựng giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức một cách đồng bộ là rất có ý nghĩa.
Ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và các bộ, ngành liên quan, Tổng bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, trong quá trình đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 20 của Trung ương, các bộ, ngành liên quan cần lưu ý đánh giá rõ, sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 20 thì nhận thức về giai cấp công nhân như thế nào? Công nhân là ai, làm gì? Là người làm thuê hay vừa làm chủ vừa làm thuê? Trong các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế nhà nước thì việc xác định công nhân là người làm chủ có nhiều điểm thuận lợi và rõ ràng hơn nhưng ở khu vực kinh tế ngoài nhà nước hoặc ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì vị trí, vai trò của công nhân ra sao?
Tổng bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cho rằng, trong thời gian tới, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục phối hợp, đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết số 20 của Trung ương; phối hợp, chỉ đạo giải quyết dứt điểm, quyết liệt hơn những bức xúc của công nhân và người lao động hiện nay như: thu nhập, tiền lương, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhà ở... Đồng thời đẩy mạnh công tác phát triển cơ sở Đảng, tổ chức Đoàn Thanh niên và Công đoàn tại các doanh nghiệp. Đây là những điều kiện để Nghị quyết số 20 của Trung ương thực sự đi vào cuộc sống, tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân thực sự là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
+ Sáng cùng ngày, Tổng bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã thăm và làm việc với Ban quản lý Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội. Tại đây, Tổng bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã gặp gỡ, tiếp xúc với các nhà doanh nghiệp Nhật Bản và công nhân lao động; thăm một số phân xưởng sản xuất của Công ty TNHH Canon Việt Nam; thăm khu nhà ở và tặng quà một số gia đình công nhân và người lao động đang làm việc tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội.
Tiếp đó, Tổng bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã thăm và làm việc với cán bộ, công nhân và người lao động của Công ty cổ phần xích líp Đông Anh, Hà Nội – doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ chuyên cung cấp phụ tùng xe máy và các sản phẩm cơ khí.