Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên khai mạc.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đánh giá kết quả kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XII và cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII.
Theo Tờ trình về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII, dự kiến kỳ họp này sẽ khai mạc ngày 21/7/2011, bế mạc ngày 16/8/2011, làm việc trong khoảng 22 ngày.
Quốc hội dành khoảng 14 ngày làm công tác tổ chức, nhân sự của các cơ quan nhà nước: bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thành viên Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội; bầu Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; quyết định cơ cấu tổ chức Chính phủ; phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ…
Quốc hội cũng có 5 ngày xem xét, thảo luận các báo cáo và quyết định một số vấn đề quan trọng khác, trong đó có việc phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009.
Về công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012; cho ý kiến về 2 dự án: Luật tài nguyên nước (sửa đổi) và Luật Giáo dục đại học.
Trình bày dự thảo báo cáo đánh giá kết quả kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XII, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn nhấn mạnh kết quả kỳ họp thứ 9 tiếp tục góp phần khẳng định Quốc hội khóa XII với nhiệm kỳ 4 năm có nhiều đổi mới và tiến bộ, trong đó các định chế trong bộ máy nhà nước đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Nhìn chung, ý kiến đại biểu Quốc hội và dư luận chung cả nước đánh giá cao sự cố gắng và tinh thần trách nhiệm trong việc chuẩn bị các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của các cơ quan.
Về công tác lập pháp, Quốc hội đã dành thời gian thỏa đáng để xem xét, thông qua 3 luật và cho ý kiến về 1 dự án luật. Tuy thời gian hạn chế nhưng Quốc hội đã dành một ngày để xem xét, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2010 và việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2011.
Quốc hội đã phân tích toàn diện, tập trung vào những vấn đề lớn về chỉ đạo, điều hành và quản lý vĩ mô.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần tiếp tục rút kinh nghiệm như số đại biểu vắng mặt tại một số phiên họp còn nhiều; việc cung cấp, phục vụ một số tài liệu còn chậm, nội dung chưa sát chuyên đề, còn thiếu thông tin tham khảo… ảnh hưởng đến việc tự nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến phát biểu có chất lượng của đại biểu Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan soạn thảo, thẩm tra và các cơ quan hữu quan chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong việc sớm chuẩn bị các nội dung của kỳ họp; phát huy hơn nữa vai trò, trí tuệ, trách nhiệm của các vị Đại biểu Quốc hội và sự đóng góp của nhân dân, cử tri cả nước.
Các cơ quan trong bộ máy nhà nước nghiên cứu, tiếp thu ý kiến xác đáng của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ đồng thời có biện pháp sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động. Các cơ quan của Quốc hội, đoàn Đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình cho đến kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII; phối hợp chặt chẽ và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị tổ chức tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII và bầu cử Đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị tiếp tục phát huy, tăng cường tính tranh luận, đối thoại trong các phiên thảo luận tại Quốc hội; cải tiến, đổi mới hơn nữa cách thức điều hành kỳ họp; tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội kịp thời, đầy đủ; giải trình thấu đáo, thuyết phục; gợi ý thảo luận rõ, trúng vấn đề…
Các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu cơ bản tán thành những nội dung chính trong Báo cáo và Tờ trình đồng thời góp ý thêm một số vấn đề về đánh giá kết quả kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XII, chuẩn bị tốt chương trình kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII.
Nhiều ý kiến cho rằng báo cáo cần phân tích rõ hơn đặc điểm tình hình với những khó khăn về thu nhập, giá cả tăng cao khiến đời sống bấp bênh đang là mối lo của nhiều người dân. Cử tri và nhân dân cả nước cũng quan tâm đến vấn đề phòng, chống tham nhũng; giám sát chi tiêu công… Đây là những yếu tố mà Quốc hội cần đặc biệt quan tâm khi xây dựng, bố trí, điều hành chương trình hoạt động.
Các đại biểu cũng cho rằng, cần nhận định, đánh giá, nêu bật những kết quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan trong bộ máy Nhà nước, đồng thời làm rõ được những bài học kinh nghiệm rút ra, những đề xuất cụ thể để các cơ quan làm tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong nhiệm kỳ mới.
Kết luận nội dung này, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đề nghị Văn phòng Quốc hội nghiên cứu, xem xét, tiếp thu để hoàn thiện Báo cáo chính thức theo tinh thần đánh giá đúng mức, đúng liều lượng, có sức thuyết phục, đầy đủ, toàn diện, sâu sắc thêm về kết quả kỳ họp.
Về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, về nguyên tắc, Quốc hội khóa trước có trách nhiệm chuẩn bị toàn bộ nội dung, chương trình cho kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới. Để làm tốt, cần nghiên cứu, xem xét kỹ Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, các nội quy, quy chế làm việc; căn cứ vào tình hình thực tế, công tác chuẩn bị và căn cứ chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 đã thông qua.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đề nghị trước mắt, cần chủ động chuẩn bị tốt, chu đáo, tỉ mỉ, đúng quy trình công tác nhân sự; các báo cáo định đưa vào chương trình kỳ họp; phương án về cơ sở vật chất, cơ cấu tổ chức, tiến tới hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội khóa mới./.