Ngày 15 - 16.4, tiếp tục chuyến công tác tại một số tỉnh Tây Nguyên, Tổng bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương, Chủ tịch QH, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Nguyễn Phú Trọng đã làm việc tại Gia Lai để kiểm tra tình hình học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng; kết luận của Bộ Chính trị về tình hình kinh tế - xã hội năm 2011 và việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ; kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử ĐBQH Khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016.
|
Tổng bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng trồng cây lưu niệm tại Binh đoàn15, Bộ Quốc phòng Ảnh: Trí Dũng |
Cùng đi có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước; đại diện Lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Bầu cử...
Sau khi nghe Bí thư tỉnh ủy Gia Lai Hà Sơn Nhin báo cáo tình hình hình công tác của Gia Lai năm 2010 và quý I năm 2011, trong đó có công tác chuẩn bị tổ chức cuộc bầu cử ĐBQH Khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016, Tổng bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao việc học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết 11 của Chính phủ tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội cũng như việc triển khai công tác bầu cử trên địa bàn.
Đối với công tác chuẩn bị bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp, Tổng bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng lưu ý, cùng với việc chuẩn bị các bước trong quy trình bầu cử đúng theo quy định của Luật, Gia Lai cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa của cuộc bầu cử lần này, bảo đảm ngày 22.5 tới thực sự là ngày hội của toàn dân, tránh tình trạng một người đi bầu cho cả gia đình. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác bầu cử cần quan tâm tới chất lượng nhân sự và tỷ lệ đại biểu là đồng bào dân tộc thiểu số, ứng cử viên nữ theo chỉ tiêu, yêu cầu đã đề ra; tất nhiên không hoàn toàn cứng nhắc về những tỷ lệ này mà có sự cân đối giữa các vùng miền và điều kiện cụ thể ở địa phương.
Theo báo cáo của Tỉnh ủy, cơ cấu, số lượng dự kiến nhân sự của Gia Lai ứng cử ĐBQH Khóa XIII là 13 đại biểu, trong đó có 3 ứng cử viên do Trung ương giới thiệu. Số lượng giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2011 – 2016 là 143 người để hiệp thương lựa chọn 121 người, bầu 77 người. Tỉnh đã thành lập 3 Ban bầu cử ĐBQH, 22 Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, 165 Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện; dự kiến 1.542 Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp xã; 1.836 tổ bầu cử ĐBQH, bầu cử đại biểu HĐND. Đến nay, các cấp đã hiệp thương lần hai theo đúng quy định và chuẩn bị các bước tiếp theo, bảo đảm cuộc bầu cử ĐBQH Khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 trên địa bàn thành công tốt đẹp.
Về phương hướng, nhiệm vụ của Gia Lai trong thời gian tới, Tổng bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, cùng với các địa phương khác, Gia Lai có cơ sở, nền tảng là Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Kết luận số 02 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội XIV của Đảng bộ tỉnh. Để nghị quyết sớm đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả, Gia Lai cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, học tập, quán triệt và triển khai các nội dung cơ bản của các văn kiện và văn bản quan trọng nêu trên; coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2011; vận dụng vào địa phương để xây dựng thành các đề án, chương trình, kế hoạch hành động cụ thể. Trước mắt phải ưu tiên cho kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; tăng trưởng ở mức hợp lý; xử lý hài hòa mối quan hệ giữa thực hiện nhiệm vụ kiềm chế lạm phát với phát triển sản xuất.
Khẳng định vai trò quan trọng của địa bàn chiến lược Tây Nguyên, trong đó có Gia Lai, Tổng bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn phải tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; xây dựng cơ sở chính trị, kinh tế, lòng tin của dân để bảo đảm sự phát triển bền vững. Mặt khác, phải nhận rõ đặc điểm tình hình hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên của ta, tránh tình trạng hốt hoảng, quá lo sợ để bình tĩnh xử lý tình hình một cách khôn khéo. Điều quan trọng là phải có giải pháp, chiến lược và biện pháp cụ thể, thiết thực chăm lo cho dân, phát triển kinh tế - xã hội. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu, đi đầu. Thực tế cho thấy, các thế lực thù địch chưa bao giờ từ bỏ âm mưu chống phá cách mạng nước ta. Tuy nhiên, các thế lực này có làm được hay không là do ta. Phải tin vào nhân dân. Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là những vấn đề then chốt, chiến lược. Đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thường xuyên phê bình và tự phê bình, học tập và làm theo Bác bằng những công việc cụ thể, hàng ngày.
Tổng bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng tin tưởng và chúc Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang và đồng bào các dân tộc Gia Lai sẽ tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng của quê hương, xây dựng Gia Lai ngày càng giàu đẹp, vững tin vào sự lãnh đạo của Trung ương, năng động sáng tạo để đóng góp vào sự lãnh đạo của Trung ương. Và trước mắt là vượt qua khó khăn, thách thức về kinh tế - xã hội; làm tốt công tác chuẩn bị bầu cử, xứng đáng là quê hương của Anh hùng Núp.
+ Trước đó, Tổng bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã thăm và tìm hiểu tình hình thực tiễn tại huyện Chư Sê - huyện có 123 làng đồng bào dân tộc thiểu số (trên tổng số 183 thôn, làng, tổ dân phố của huyện), trong đó có 62 làng đặc biệt khó khăn được đầu tư theo Chương trình 135 của Chính phủ. Năm 2010 và quý I.2011, do ảnh hưởng của thời tiết nắng hạn, diện tích lúa bị thiệt hại trên địa bàn vào khoảng 830 ha, khả năng diện tích lúa thiếu nước mất trắng từ 80 đến 90%. Do thiếu nước tưới nên diện tích cây cà phê, hồ tiêu – các cây trồng chủ lực của huyện – đã bị giảm từ 30 đến 35% năng suất. Khắc phục khó khăn này, huyện đã xuất ngân sách 120 triệu đồng mua giống hỗ trợ cho dân chuyển đổi diện tích lúa nước thiếu nước sang trồng rau màu khác.
Tổng bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng chia sẻ với những khó khăn của đồng bào huyện Chư Sê; yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Chư Sê tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ kịp thời các khó khăn nêu trên cho bà con, giảm khoảng cách giàu – nghèo giữa các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Là một trong những địa bàn có diễn biến phức tạp về tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, Tổng bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng lưu ý các cơ quan chức năng trên địa bàn không được lơ là, mất cảnh giác, thường xuyên nắm tình hình, sẵn sàng các phương án để đập tan mọi âm mưu chống phá Nhà nước của các thế lực thù địch; hết sức quan tâm, chăm lo tới công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đặc biệt là xây dựng cơ sở vững mạnh, tăng cường công tác xây dựng đảng trong đồng bào dân tộc thiểu số. Theo báo cáo của huyện, đến nay, trên địa bàn huyện vẫn còn 2 làng trắng đảng viên, giảm 10 làng so với con số 12 làng trắng đảng viên ở thời điểm đầu năm 2010. Huyện phấn đấu trong thời gian tới sẽ tích cực đẩy mạnh công tác xây dựng đảng, xóa hoàn toàn tình trạng trắng đảng viên trên địa bàn.
Tổng bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Chư Sê cần gắn việc thực hiện Nghị quyết XI của Đảng với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của huyện; tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao trình độ cho con em đồng bào; tăng tỷ lệ cán bộ cơ sở là người dân tộc thiểu số. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự gương mẫu, đi đầu trong công tác, nâng cao bản lĩnh chính trị, giữ gìn phẩm chất đạo đức, góp phần củng cố và nâng cao lòng tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước.
Tại huyện Chư Sê, Tổng bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã thăm và tặng quà gia đình chính sách làm kinh tế giỏi Rah Lan Kam ở xã Ia Tiêm.
+ Trong chuyến công tác tại Gia Lai, Tổng bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương, Chủ tịch QH, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Nguyễn Phú Trọng đã tới thăm cán bộ, chiến sỹ Binh đoàn 15 và Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên).
Sau khi nghe Tư lệnh Binh đoàn 15 Nguyễn Xuân Sang báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên của Binh đoàn, Tổng bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, từ lâu Binh đoàn 15 đã lừng danh là đơn vị bộ đội làm kinh tế giỏi. Thực tế tại Binh đoàn 15 đã chứng minh chủ trương quân đội làm kinh tế là đúng đắn và cần thiết. Trong thời gian tới, Binh đoàn cần tiếp tục tận dụng lợi thế về sự quy củ, nề nếp và kỷ luật của quân đội để phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp cho Nhà nước. Tiếp tục xây dựng Binh đoàn vừa là đội quân làm kinh tế vừa là đội quân làm chính trị, dân vận, đối ngoại và đặc biệt là lực lượng nòng cốt đứng chân trên địa bàn trong việc giữ gìn quốc phòng an ninh, thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Tổng bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: là đơn vị làm kinh tế nhưng không vì mục tiêu lợi nhuận thuần túy mà Binh đoàn cần quan tâm, phối hợp với chính quyền địa phương làm tốt hơn nữa công tác chăm lo an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động, tham gia giúp dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Là đơn vị đứng chân trên địa bàn biên giới giáp với các nước bạn Lào và Campuchia, mỗi cán bộ, chiến sỹ của Binh đoàn cần làm tốt công tác đối ngoại, góp phần vun đắp mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, trong sáng, thủy chung với nước bạn. Tổng bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng tin tưởng, Binh đoàn 15 sẽ tiếp tục phát huy truyền thống Anh hùng lực lượng vũ trang trong thời kỳ đổi mới, thường xuyên tổng kết, rút kinh nghiệm, xây dựng Binh đoàn trưởng thành về mọi mặt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, đối ngoại đựơc Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy giao phó.