Phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị tiếp xúc cử tri tại quận Ba Đình và Cầu Giấy, Hà Nội

02/12/2010

Quốc hội thật sự vì dân, vì Đảng và vì sự phát triển của đất nước

Tôi cảm nhận cuộc tiếp xúc cử tri lần này cũng sôi động không kém so với Kỳ họp thứ Tám vừa rồi. Có lẽ từ Hội nghị tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp lan tỏa vào QH; và ngược lại từ Kỳ họp của QH lan tỏa vào cuộc sống, vào thực tiễn, tạo không khí hết sức gắn bó giữa QH, Đoàn ĐBQH, ĐBQH với cử tri.

Cuộc tiếp xúc cử tri lần này có một số đổi mới, cải tiến. Ví dụ, Đoàn ĐBQH thành phố chuẩn bị tài liệu Tổng hợp trả lời kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và chuyển tới các cử tri. Thời gian tới, đề nghị cần tiếp tục cải tiến hơn nữa, có thể tổng hợp tài liệu ngắn gọn hơn nữa, đầy đủ hơn nữa.

QH, ĐBQH có lắng nghe, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri hay không?

Nhiều vấn đề cử tri nêu lên cũng là những vấn đề QH đang quan tâm. Chính từ những vấn đề cử tri nêu ra, QH có điều kiện đưa vấn đề ra bàn... Chúng tôi sẽ tiếp thu, tổng hợp tất cả các ý kiến, kiến nghị của cử tri, báo cáo với Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, với UBTVQH và QH; đồng thời phân loại, chuyển tới các cơ quan có trách nhiệm cùng xem xét, giải quyết. UBND thành phố, các quận, huyện liên quan trên địa bàn cũng có trách nhiệm xem xét, giải quyết và báo cáo lại với cử tri.

QH, ĐBQH, trong đó có bản thân tôi đều rất chăm chú lắng nghe ý kiến của cử tri, của các bác, các đồng chí. Có những việc đã tiếp thu và giải quyết được ngay; cũng có những việc đã tiếp thu nhưng chưa làm được ngay, cần có thời gian. Trên thực tế, nhiều việc đã được xử lý theo sự góp ý của cử tri. Có ý kiến cho rằng, cái lo nhất của cử tri hiện nay là tôi góp rồi nhưng các anh có nghe không, có tiếp thu không? Cho nên, ba Kỳ họp gần đây, QH đã quyết định tập hợp tất cả các ý kiến, kiến nghị của cử tri để báo cáo công khai trước toàn dân, ngay trước phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Bây giờ không phải chỉ là tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri mà QH làm đúng chức năng của mình, giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri. Tại Kỳ họp lần này QH tập hợp được 1.275 ý kiến, kiến nghị của cử tri. Và QH, các cơ quan của QH, các ĐBQH cũng không đơn giản chỉ là chuyển đơn mà các ý kiến, kiến nghị của cử tri phải được thể hiện trong các Nghị quyết của QH, các Luật do QH ban hành để đáp ứng đòi hỏi của cuộc sống.

Tất nhiên, thực tế cũng có những việc khó, đã tồn tại lâu, vướng bởi cơ chế, chính sách, có khi lại do năng lực cán bộ... nên chưa giải quyết được tốt.

Luật ra nhiều nhưng vào cuộc sống ít?

Đúng là Luật ra nhiều nhưng vào cuộc sống ít. Chúng ta đang đứng trước mâu thuẫn là đất nước vẫn rất thiếu nhiều luật. Đi vào kinh tế thị trường, đổi mới cơ chế quản lý, mở cửa hội nhập, gia nhập Tổ chức thương mại thế giới... nếu không có luật pháp thì lấy đâu làm căn cứ để thúc đẩy, xem xét và xử lý những vấn đề đặt ra. Đây là yêu cầu của xây dựng Nhà nước pháp quyền, phải thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành Luật.

Chúng ta đang thiếu rất nhiều luật, nhưng mặt khác, đúng là một số văn bản luật ban hành ra chưa đi vào cuộc sống. Nguyên nhân có thể do chất lượng luật chưa tốt hoặc do quy trình, cách cụ thể hóa, hướng dẫn luật chưa tốt... Cho nên, một mặt vẫn phải làm nhiều luật. Còn nếu luật ban hành ra chưa hoàn chỉnh thì dần dần từng bước làm. Có làm, có bàn thì mới phát hiện ra điều gì đúng, điều gì sai để tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh.

Liên quan đến công tác xây dựng pháp luật, có một câu chuyện đã tồn tại nhiều năm nay là việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật còn chậm. Ví dụ như Luật Người Cao tuổi, như cử tri nêu là ngày 1.1.2010 có hiệu lực thi hành nhưng đến bây giờ vẫn chưa có văn bản hướng dẫn. Đây đúng là thiếu sót, chúng tôi sẽ đôn đốc, nhắc nhở thêm. Tuy nhiên, theo quy trình ban hành một văn bản quy phạm pháp luật thì đã đặt ra yêu cầu rất cao, quy trình chặt chẽ. Ví dụ, khi có ý định trình một dự án Luật, trước hết, cơ quan trình phải có văn bản thuyết minh về sự cần thiết ban hành Luật, trong đó giải trình rõ, nếu Luật này ra đời thì sẽ tác động tới cuộc sống như thế nào, mặt tích cực, tiêu cực là gì? Có đẻ thêm vấn đề gì mới không?... Đồng thời, cơ quan trình phải có ngay dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật kèm theo dự án Luật trình QH.

QH thực hiện chức năng giám sát như thế nào?

Giám sát là một trong những chức năng rất quan trọng của QH và cũng là lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri. Trước đây, nhiều ý kiến cho rằng, hiệu lực, hiệu quả của giám sát chưa cao; chất lượng giám sát chưa đáp ứng yêu cầu. Nhưng, rõ ràng, như nhìn nhận đánh giá của cử tri: giám sát của QH ngày càng phát huy tác dụng. Anh không làm không được. Hôm nay, QH, ĐBQH giám sát, chất vấn - nếu người trả lời chất vấn chưa làm được thì lần sau QH, ĐBQH lại tiếp tục giám sát, chất vấn lại. Giám sát của QH là giám sát tối cao, giám sát ở tầng cao, giám sát việc ban hành và thực thi chính sách, pháp luật của các cơ quan hữu quan. Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri, mỗi Kỳ họp gần đây, QH tiến hành giám sát tối cao về một chuyên đề.

Chất vấn là một hình thức giám sát tối cao. Đây là nơi cọ xát, phân tích, mổ xẻ, đi sâu làm rõ vấn đề, nhất là đi đến xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm thuộc về ai và sắp tới hướng xử lý là thế nào? Rõ ràng, bây giờ, các thành viên Chính phủ, bộ trưởng, trưởng ngành không thể coi thường chất vấn. Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn được phát thanh và truyền hình công khai để toàn dân biết, toàn dân đánh giá xem Bộ trưởng trả lời như thế nào, thực tế giải quyết ra sao, có hiệu quả hay không? Tất nhiên, đúng như cử tri nhận xét là có một số bộ trưởng, trưởng ngành vẫn còn vòng vo, chưa đi thẳng vào vấn đề...

Sắp tới, tiếp tục cải tiến, đổi mới hoạt động giám sát, chất vấn. Giám sát phải theo quy định của pháp luật, ở cấp nào thì giám sát vấn đề gì? QH không thể giám sát tất cả các vấn đề. Phải chọn những vấn đề lớn để giám sát.

QH quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước ra sao?

Qua nghe ý kiến của cử tri, tôi thấy, hình như bây giờ QH đã bớt được cái tiếng là QH chủ yếu là bấm nút, giơ tay, thậm chí QH chỉ quyết những vấn đề đã được quyết rồi, dân chủ không thực chất. QH bây giờ bàn thật, từ những vấn đề về ngân sách nhà nước đến việc quyết định chủ trương đầu tư các dự án, công trình quan trọng quốc gia... Bàn về ngân sách, trên hội trường đã đành, nhưng hậu hội trường, tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH, các cơ quan có trách nhiệm phải ngồi lại với nhau, cọ xát, làm rất kỹ: tăng GDP là bao nhiêu? Tỷ lệ lạm phát cho phép như thế nào? Bội chi ở mức bao nhiêu là vừa?... So với con số đầu tiên Chính phủ trình Quốc hội đều có sự điều chỉnh. Và điều chỉnh có lý lẽ, phân tích đầy đủ và thuyết phục...

Liên quan đến vụ việc Vinashin, có ý kiến cho rằng, QH kết luận tạm dừng lại. Thực chất không phải như vậy. Trong phát biểu kết luận Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, tôi đã nói rất rõ về kiến nghị thành lập Ủy ban lâm thời để điều tra vụ việc Vinashin của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết. Có điều tra thì mới kết luận được. Có kết luận được thì mới quy được trách nhiệm, mới xử lý và quyết định có bỏ phiếu tín nhiệm hay không? Mặt khác, trong cơ chế của chúng ta, Đảng lãnh đạo, QH là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng lo đường lối, bố trí cán bộ, nhất là các chức danh như Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch QH thì Ban Chấp hành Trung ương phải quyết định. Theo quy định của pháp luật, khi cần thiết QH có thể lập Ủy ban lâm thời để thẩm tra một dự án Luật hoặc điều tra một vụ việc cụ thể. Thế thì, đối với vụ việc Vinashin, Bộ Chính trị đã có kết luận ba vấn đề: thứ nhất là phải tập trung để vực Vinashin lên, đừng để cho nó phá sản, bài học đau xót từ Vinashin phải được rút kinh nghiệm ở những nơi khác; thứ hai là khẩn trương điều tra để xử lý người vi phạm pháp luật; thứ ba là kiểm điểm các cơ quan, cá nhân có trách nhiệm. Những vấn đề này Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang làm, Kiểm toán Nhà nước đang làm... QH, chỉ họp trong vòng một tháng, thì việc lập tiếp một Ủy ban lâm thời nữa để điều tra về Vinashin có khả thi không, có làm rối vấn đề lên không? UBTVQH đã họp, trao đổi, bàn bạc rất kỹ, cân nhắc nhiều mặt và thấy rằng chưa cần thiết phải thành lập Ủy ban lâm thời. ĐBQH thấy thuyết phục và bản thân đại biểu Nguyễn Minh Thuyết cũng rất hài lòng. Việc đại biểu Nguyễn Minh Thuyết nêu kiến nghị thành lập Ủy ban lâm thời là đúng quy định của pháp luật và việc UBTVQH trả lời (trong vòng 9 ngày sau khi nhận được kiến nghị của đại biểu) cũng đúng luật.

Thế còn, hiện nay, vụ việc Vinashin đang được điều tra, thanh tra; Bộ Chính trị, Ban bí thư cũng đang chỉ đạo Chính phủ kiểm điểm... Hiện nay, đang ở thời điểm sát Đại hội Đảng, nếu chúng ta không cẩn thận thì sẽ bị rối từ nội bộ, mâu thuẫn, gây ảnh hưởng tới khối đoàn kết chung. Chính phủ cũng của dân; Quốc hội cũng của dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, thế thì chúng ta đừng để bên ngoài kích động, gây chia rẽ nội bộ. Chúng ta cần hết sức bình tĩnh, cảnh giác...

Qua nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri, có những việc mình thấy và làm được ngay; có những việc đã thấy, nhưng chưa làm được ngay, cần có sự nghiên cứu, làm cho chắc chắn, cẩn thận. Và điều quan trọng là phải thật sự vì dân, vì Đảng, vì sự phát triển của đất nước, bảo vệ đất nước; nội bộ chúng ta phải đoàn kết, thống nhất rất cao, nhất là ở thời điểm hiện nay, chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

Chúng ta chuẩn bị kết thúc năm 2010, chúng ta cần bình tĩnh nhìn lại, trong năm qua, nhiệm kỳ này, QH thế nào, Đảng thế nào? Nếu chỉ nghe một chiều và thấy toàn tiêu cực, khó khăn, yếu kém, dẫn đến bi quan, mất lòng tin, mất mục tiêu - thì không biết tình hình sẽ đi đến đâu? Chúng ta là cán bộ, đảng viên, đều có trách nhiệm với đất nước.

Chúng ta đều biết, nhiệm kỳ vừa rồi có nhiều khó khăn. Nửa đầu nhiệm kỳ đang phơi phới đi lên thì đến cuối năm 2007 xảy ra khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, tác động không nhỏ tới nền kinh tế đất nước. Một anh sừng sỏ về tài chính như Mỹ mà còn phải bỏ ra mấy trăm tỷ USD để cứu các doanh nghiệp khỏi sự đổ bể? Liên hệ tới nước ta, nếu chỉ từ vụ việc của Vinashin, chúng ta lên án tất cả các doanh nghiệp Nhà nước, các tập đoàn và tổng công ty Nhà nước thì có nên không? Cái gì là chủ đạo, là nòng cốt, bảo đảm định hướng XHCN?...

Với tinh thần thẳng thắn, chân tình, tôi mong muốn cử tri tiếp tục phản ánh, nêu những mặt trái, mặt chưa được trong quá trình phát triển của đất nước. Đây là điều cần thiết và đề nghị cử tri cần nói nhiều hơn nữa. Nhưng cũng phải nhìn tổng thể bức tranh phát triển của đất nước đặt trong quan hệ với khu vực và thế giới để chúng ta yên tâm, vững vàng đi lên. Còn những khó khăn là đương nhiên. Chúng ta mới đi vào kinh tế thị trường mà đòi hỏi cái gì cũng muốn được ngay là khó. Thời kỳ quá độ có thể còn dài, có những việc đòi hỏi thời gian. Tất nhiên những bức xúc phải được giải quyết. Cần nhìn mọi vấn đề một cách biện chứng.

 

 

PV Báo ĐBND lược ghi

(http://daibieunhandan.vn/)

Các bài viết khác