Sáng 22/11, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XII bắt đầu phiên chất vấn trực tiếp tại Hội trường với các thành viên Chính phủ. Tại phiên chất vấn trực tiếp kéo dài 2,5 ngày (từ 22/11 đến hết sáng 24/11), sẽ có 4 Bộ trưởng: Công thương, Y tế, Tài chính, Giao thông Vận tải và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trả lời các vấn đề các đại biểu và cử tri cả nước quan tâm.
Là người đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên, các câu hỏi dành cho Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng chủ yếu được tập trung vào vấn đề quy hoạch, kế hoạch, tiến độ xây dựng các dự án điện; đảm bảo an toàn cho các nhà máy, đập nước, các giải pháp hạn chế rủi ro từ hồ thủy điện; tình hình thiếu điện hiện nay, biện pháp xử lý tình trạng cắt điện tùy tiện, vấn đề giá điện, quan hệ giữa sản xuất, phân phối và truyền tải điện thời gian qua.
Thiếu điện do không thực hiện đúng Tổng sơ đồ điện VI
Về vấn đề thiếu điện trong thời gian vừa qua khiến dư luận bức xúc, cũng như việc chậm tiến độ của một số nhà máy nhiệt điện mà đại biểu Vũ Quang Hải (đoàn Hưng Yên) nêu ra, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận, tình hình thiếu điện diễn ra trên phạm vi rộng trong mùa khô vừa qua, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và đời sống của nhân dân, có nguyên nhân là do chưa thực hiện đầy đủ các mục tiêu đề ra trong Tổng sơ đồ điện VI.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, mục tiêu đề ra là đến năm 2015, năng lực của các nhà máy điện phải đạt khoảng 50.000 MW công suất. Tuy nhiên đến hết năm 2010, dự kiến mới đạt 20.900 MW công suất, đến tháng 6/2011, có khoảng 22.500 MW, và đến năm 2015 dự kiến chỉ đạt 80% công suất đề ra.
Nguyên nhân ông Hoàng đưa ra là có nhiều công trình điện đã bị chậm tiến độ so với quy định trong Tổng quy hoạch với lý do là chậm thu xếp vốn cho các công trình này, đặc biệt là trong giai đoạn đầu thực hiện quy hoạch đúng vời thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước rất khó khăn trong việc tìm nguồn vốn để triển khai dự án, kể cả các dự án do Tập đoàn Điện lực và các Tập đoàn khác đầu tư. Bên cạnh đó, một số dự án đã đưa vào vận hành nhưng chưa ổn định, thời gian chạy thử kéo dài đã góp phần gia tăng tình trạng thiếu điện thời gian qua.
Giải trình thêm về quy hoạch phát triển ngành điện, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Võ Hồng Phúc cho rằng, quy hoạch về phát triển thuỷ điện cũng như quy hoạch điện chung là rất phù hợp. Theo ông Phúc, nếu chúng ta thực hiện đúng như Tổng sơ đồ điện VI thì chúng ta không thiếu điện như bây giờ. Một nguyên nhân được ông Phúc đưa ra khi chúng ta không thực hiện đúng được như Tổng sơ đồ điện VI là vấn đề phát triển các nhà máy nhiệt điện. Hầu như tất cả các nhà máy nhiệt điện đều triển khai chậm từ 2-3 năm. Ngoài ra, nhiều nhà máy nhiệt điện khi đưa vào vận hành đều có trục trặc về kỹ thuật dẫn đến chậm tiến độ.
Cũng theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, nguyên nhân chính ở đây là do năng lực nhà thầu, trong đó có vấn đề chúng ta chọn nhà thầu chưa hợp lý thể hiện năng lực và trách nhiệm của chủ đầu tư. “Hồ sơ mời thầu là quyết định nhất, nhưng chủ đầu tư chưa đủ trình độ để đưa ra yêu cầu để làm sao chúng ta chọn được nhà thầu tốt nhất”, ông Phúc nói
Về các giải pháp để phát triển ngành điện trong thời gian tới, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, trước hết cần phải đẩy nhanh và thực hiện đúng tiến độ các công trình theo Tổng sơ đồ điện VI. Với những dự án đã đưa vào vận hành nhưng chưa ổn định thì phải tìm mọi biện pháp để nhanh chóng đưa các công trình này vào vận hành ổn định. Bên cạnh đó là vấn đề tái cơ cấu ngành điện, Bộ Công thương đang hoàn chỉnh và phấn đấu đến đầu tháng 12/2010 trình với Chính phủ Đề án tái cơ cấu ngành điện, cũng như lộ trình điều chỉnh giá điện. Đi đôi với các giải pháp trên cần tăng cường hiệu quả sử dụng, tránh lãng phí trong sử dụng điện.
Đại biểu Phạm Thị Loan (đoàn Hà Nội) đặt vấn đề một số nhà máy nhiệt điện triển khai theo hình thức EPC đã áp dụng những công nghệ lạc hậu, không sử dụng những loại than sản xuất được trong nước. Bà Loan nêu câu hỏi về hiệu quả của những nhà máy này sẽ như thế nào nếu phải sử dụng than nhập khẩu và bị phụ thuộc vào nước ngoài?
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết chưa có thông tin chính thức nào cho rằng các nhà thầu này đưa công nghệ lạc hậu vào Việt Nam. Trên thực tế khi tổ chức đấu thầu, bao giờ cũng phải nêu yêu cầu về mặt kỹ thuật trước. Nếu nhà thầu nào đáp ứng được về mặt kỹ thuật thì tiếp đến mới bàn về giá cả, nếu có giá cạnh tranh hơn thì sẽ được chọn đấu thầu. Tuy nhiên, ông Hoàng cũng thừa nhận, một số nhà máy nhiệt điện mà Trung Quốc là tổng thầu theo hình thức EPC thời gian qua cũng có một số khiếm khuyết về mặt kỹ thuật. “Nhưng những khiếm khuyết này, qua kiểm tra phần nhiều rơi vào các thiết bị phụ. Còn các thiết bị chính như máy phát, lò hơn thì không có vấn đề gì”, ông Hoàng cho biết. Việc một số nhà máy nhiệt điện sử dụng than nhập khẩu cũng nằm trong quy hoạch của Chính phủ, các nhà máy này chủ yếu nằm ở phía Nam và công nghệ được thiết kế dựa trên những loại than cụ thể.
Thuỷ điện xả lũ gây thiệt hại phải bồi thường
Trả lời chất vấn của đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (đoàn Ninh Thuận) đề nghị cho biết quan điểm của Bộ về trách nhiệm của các nhà máy thuỷ điện xả lũ gây thiệt hại cho người dân thời gia qua ở miền Trung, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định: Qua rà soát, kiểm tra, đúng là có những dự án thuỷ điện làm chưa đúng với quy trình vận hành thuỷ điện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như Thuỷ điện sông Ba Hạ, khi vận hành xả lũ đã không kịp thời báo cáo với UBND tỉnh. Bộ Công thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của đơn vị quản lý. “Tuỳ theo mức độ sai phạm, sẽ kiên quyết xử lý theo quy định hiện hành”, ông Hoàng cho biết.
Cũng trả lời câu hỏi của đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương về chính kiến của Bộ trưởng về việc người dân có được bồi thường thiệt hại do việc xả lũ của các nhà máy thuỷ điện gây ra hay không? Đây cũng là vấn đề đại biểu Nguyễn Văn Nhượng (đoàn Quảng Nam) quan tâm khi đề nghị Bộ trưởng làm rõ cơ chế hỗ trợ dân khi các hồ thủy điện xả lũ làm lũ nặng hơn.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: Trên quan điểm tổng thể, nếu các nhà máy thuỷ điện gây ra thiệt hại thì phải có trách nhiệm trong việc hỗ trợ, đền bù thiệt hại cho người dân. Các chủ đầu tư phải thực hiện đúng các cam kết khi được cấp phép đầu tư, trong đó có việc tái trồng rừng, đền bù cho người dân ở vùng ảnh hưởng của dự án.
Về việc phá rừng để lấy đất làm thuỷ điện, ông Hoàng cũng cho biết, Bộ đã rà soát lại quy hoạch, nếu những dự án nào ảnh hưởng đến rừng và môi trường thì sẽ không cho triển khai tiếp và thời gian qua, Bộ đã kiến nghị dừng một số dự án ở miền Trung vì lý do trên.
Chiều 22/11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Hội trường, Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ là thành viên Chính phủ tiếp theo đăng đàn trả lời trước Quốc hội./.