Tọa đàm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số

23/11/2010

Ngày 21.11, tại Hà Nội, Hội đồng Dân tộc phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Tọa đàm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số thông qua chương trình giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ. Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc Triệu Thị Nái chủ trì Tọa đàm.

Tham dự Tọa đàm có các ĐBQH là thành viên Hội đồng Dân tộc; đại diện UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; đại diện của UB Dân tộc; đại diện các tổ chức quốc tế như UNICEF, UNESCO, Ngân hàng Thế giới và đại biểu các bộ, ngành liên quan cùng một số lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo...

Mục tiêu của buổi Tọa đàm nhằm chia sẻ bài học và kinh nghiệm thực tiễn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học cho học sinh vùng dân tộc thiểu số tại Việt Nam thông qua các hoạt động tăng cường tiếng Việt và giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ; đồng thời thảo luận một số định hướng về hoàn thiện chính sách nhằm nâng cao chất lượng giáo dục vùng miền núi dân tộc.

Trong chương trình tiểu học, tiếng Việt là môn học có tầm quan trọng đặc biệt, nhất là đối với lớp 1. Đối với học sinh dân tộc thiểu số thì việc đọc thông, viết thạo tiếng Việt càng quan trọng. Tuy nhiên, thời gian qua, chất lượng dạy học môn tiếng Việt, đặc biệt là tiếng Việt lớp 1 cho học sinh dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Một số nguyên nhân dẫn đến các bất cập, hạn chế được các đại biểu đề cập đến như: ngoài các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội... thì chương trình tiếng Việt là chương trình chung cho học sinh cả nước, sách giáo khoa chủ yếu soạn cho học sinh học tiếng Việt với tư cách là tiếng mẹ đẻ; nhiều giáo viên không biết tiếng dân tộc để hỗ trợ học sinh học tốt hơn... Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số đã tích cực tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non trước khi vào lớp 1 với tinh thần liên thông mầm non và tiểu học; tăng thời lượng dạy học môn tiếng Việt lớp một cho học sinh dân tộc thiểu số; Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã phối hợp với UNICEF thử nghiệm Nghiên cứu thực hành giáo dục song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ từ mẫu giáo 5 tuổi đến hết lớp 5 tại 3 tỉnh Lào Cai, Gia Lai và Trà Vinh.

Các đại biểu kiến nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tham mưu cho Chính phủ có chế độ, chính sách thỏa đáng đối với công tác nghiên cứu, biên soạn cũng như giảng dạy tiếng dân tộc thiểu số; Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần xây dựng khung chương trình để đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng dân tộc; đề nghị Hội đồng Dân tộc có kế hoạch khảo sát, nghiên cứu thực tế việc dạy song ngữ ở các tỉnh.

 

 

Thanh Hà

(http://daibieunhandan.vn/)

Các bài viết khác