Bế mạc Phiên họp thứ Ba tư của UBTVQH

20/09/2010

* Báo cáo tổng kết bước một thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường: Tránh cảm tính… * Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH và Luật Bầu cử đại biểu HĐND: Tập trung sửa đổi những nội dung thực sự cần thiết nhằm tổ chức thành công cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND trong cùng một ngày

Chiều 18.9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, UBTVQH đã bế mạc Phiên họp thứ Ba tư.

Trước đó, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH đã cho ý kiến vào Báo cáo Tổng kết bước một thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH, Luật Bầu cử đại biểu HĐND.

Theo Báo cáo của Chính phủ, sau một năm thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường đã đạt được một số kết quả như: tạo được bước đột phá trong cải cách hành chính, góp phần tổ chức hợp lý chính quyền địa phương, phân biệt rõ sự khác nhau giữa tổ chức chính quyền đô thị và nông thôn; bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước; thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong quản lý, điều hành của UBND; KT-XH tại các địa phương thực hiện thí điểm tiếp tục ổn định và phát triển, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; việc giám sát, kiểm tra đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước cấp trên đối với các địa phương thực hiện thí điểm được bảo đảm, dân chủ trực tiếp được tăng cường. Báo cáo của Chính phủ khẳng định: chủ trương thực hiện thí điểm theo Nghị quyết Trung ương 5 và Nghị quyết số 26 của QH là đúng đắn, phù hợp với yêu cầu cải cách bộ máy hành chính nhà nước. Dù vậy, trong quá trình thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường đã nảy sinh một số hạn chế, vướng mắc như: việc tham gia giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, nhân dân đối với hoạt động của UBND, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân còn lúng túng; chưa có quy chế làm việc mẫu cho các địa phương thực hiện thí điểm nên mỗi địa phương thực hiện một kiểu; giám sát của HĐND tỉnh, thành phố với hoạt động của UBND, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân quận, huyện không thường xuyên, sâu sát như trước đây.

rình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng, các địa phương đã tổ chức triển khai nghiêm túc và kịp thời chủ trương không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Nhưng thực tế thí điểm cho thấy, việc không tổ chức HĐND huyện, quận, phường nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục nghiên cứu, giải quyết. Thời gian thực hiện thí điểm quá ngắn, tính đến thời điểm các địa phương báo cáo sơ kết là chưa đầy một năm nên việc đánh giá kết quả thí điểm chưa thể đạt được yêu cầu toàn diện, khách quan, chưa lường hết được những vấn đề phức tạp, vướng mắc có thể phát sinh sau này. Mặt khác, chúng ta đã thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND ở tất cả các huyện, quận, phường trong một tỉnh, thành phố nên thiếu mô hình đối chứng trong cùng điều kiện ở một địa phương để có thể so sánh, tổng kết, xác định chính xác ưu, nhược điểm của từng mô hình. Theo báo cáo của Chính phủ thì 10 tỉnh, thành phố được chọn thí điểm đều là những địa phương thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, có quyết tâm tham gia thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Kết quả thí điểm tại các địa phương này khó có thể phản ánh đúng tình hình ở các địa phương khác. Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, chưa có căn cứ vững chắc cho bất kỳ quyết định nào về việc tiếp tục tổ chức hay không tổ chức HĐND ở huyện, quận, phường.

Các Ủy viên UBTVQH cơ bản đồng tình với Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Pháp luật. Chủ tịch Hội đồng dân tộc K’sor Phước đề nghị, trước khi quyết định tiếp tục tổ chức hay không tổ chức HĐND ở huyện, quận, phường, cần trả lời các câu hỏi: có mô hình nào ưu việt hơn mô hình tổ chức nhà nước hiện nay để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình hay không? Cấp quyền lực nào trực tiếp gắn bó với quyền lợi của người dân nhất? Tính chất, mô hình tổ chức của chính quyền huyện, quận, phường có thực sự tương đồng giữa địa bàn thành thị và nông thôn? Cũng theo Chủ tịch HĐDT K’sor Phước thì hiện chưa thấy có mô hình nào ưu việt hơn mô hình tổ chức HĐND tại các cấp hành chính để giúp người dân có thể thực hiện quyền làm chủ của mình. Đồng thời, khi chưa thí điểm đầy đủ ở các cấp quận, huyện, phường, xã thì chưa đủ căn cứ để quyết định không tổ chức HĐND ở huyện, quận, phường. Chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn cũng có nhiều điểm khác biệt nên không thể đánh đồng cách tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước.

Đồng tình với quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình nhấn mạnh, không thể nói quyền đại diện, quyền làm chủ của người dân được tăng cường khi không còn HĐND huyện, quận, phường. Người dân cần thông qua người đại diện do chính họ lựa chọn để thực hiện quyền làm chủ tại cơ quan nhà nước. Như vậy, ở chừng mực nào đấy, việc không tổ chức HĐND huyện, quận, phường đã làm thiết chế dân chủ bị lùi lại so với trước đây. Hơn nữa, nếu không cải cách toàn diện tổ chức bộ máy nhà nước mà chỉ tập trung vào thay đổi tổ chức HĐND thì liệu có đạt được mục đích cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước không? Một số Ủy viên UBTVQH cho rằng, cần làm rõ vì sao HĐND huyện, quận, phường hoạt động còn hình thức. Nếu không tổ chức HĐND huyện, quận, phường là bỏ đi một thiết chế dân chủ, bỏ đi một diễn đàn quan trọng phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho rằng, Báo cáo tổng kết của Chính phủ còn nhiều lý lẽ chưa chắc chắn, nên cần được tiếp tục hoàn chỉnh để đưa ra các kết luận thuyết phục, tránh những kết luận cảm tính.

Trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH và Luật Bầu cử đại biểu HĐND, Trưởng ban Công tác đại biểu Phạm Minh Tuyên nêu rõ: hiện nay Luật Bầu cử ĐBQH và Luật Bầu cử HĐND có quy định khác nhau về nhiều nội dung như: tổ chức phụ trách bầu cử; số lượng cử tri tại mỗi khu vực bầu cử; trình tự, thủ tục, thời gian, thời hạn thực hiện các bước trong quy trình bầu cử... Với các quy định khác nhau như vậy, nếu vẫn tiến hành quy trình bầu cử độc lập theo từng Luật thì sẽ rất phức tạp trong tổ chức thực hiện, gây lãng phí thời gian, tiền của và công sức. Dự thảo Luật tập trung sửa đổi, bổ sung một số vấn đề thực sự cấp bách nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND trong cùng một ngày và trong điều kiện thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường tại một số địa phương. Dự thảo Luật có 4 điều quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH; việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu HĐND; về đổi tên gọi các tổ chức phụ trách bầu cử; hiệu lực thi hành.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận trình bày Báo cáo thẩm tra tán thành quan điểm sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH và Luật Bầu cử đại biểu HĐND để bảo đảm cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND sắp tới được tiến hành thuận lợi, tiết kiệm, an toàn, dân chủ và đúng pháp luật. Ủy ban Pháp luật đề nghị, trong lần sửa đổi, bổ sung này chỉ nên tập trung vào những vấn đề thực sự cần thiết nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn khi tiến hành bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND trong cùng một ngày. Những vấn đề khác, kể cả những vấn đề về kỹ thuật giữa hai luật bầu cử hiện hành cần có thời gian nghiên cứu và phải sửa đổi cùng với các Luật về tổ chức bộ máy nhà nước.

Các Ủy viên UBTVQH cơ bản tán thành với quan điểm nêu trên của Ủy ban Pháp luật. Tuy nhiên, các Ủy viên UBTVQH còn có ý kiến khác nhau về việc có nên tăng số lượng đại biểu HĐND tại các địa phương thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và một số đô thị lớn hay không. Chủ tịch Hội đồng dân tộc K’sor Phước, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho rằng, tại các địa phương đang thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường thì số điểm bầu cử sẽ giảm đi. Cần tính tới việc tăng số lượng đại biểu HĐND tại các tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và một số đô thị lớn để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Thuận lại cho rằng, chưa nên tính tới việc tăng số lượng đại biểu tại các địa phương thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, đặc biệt là tại thành phố Hồ Chí Minh. Bởi sau một năm thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, hiện chưa có đủ căn cứ để đi đến quyết định tiếp tục hay không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Thực tế, việc tăng hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh, thành phố cũng không hoàn toàn phụ thuộc vào việc tăng một vài đại biểu HĐND mà phụ thuộc vào cách thức tổ chức các Ban của HĐND, Văn phòng HĐND các cấp. Do vậy, chỉ nên sửa đổi, bổ sung Luật Bầu cử ĐBQH và Luật Bầu cử đại biểu HĐND để cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND trong cùng một ngày tới đây được tổ chức suôn sẻ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

 

 

P. THỦY

(http://www.nguoidaibieu.com.vn/)

Các bài viết khác