Tại thành phố Hồ Chí Minh, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Thu Ba, Ủy ban Tư pháp đã thẩm tra dự án Luật Phòng, chống mua bán người. Đa số thành viên Ủy ban Tư pháp cho rằng, dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người cần quy định đầy đủ, cụ thể và làm rõ nội hàm tất cả các hành vi mua bán người, kể cả các hành vi pháp luật khác về phòng, chống mua bán người để làm cơ sở cho việc quy định các biện pháp phòng ngừa mua bán người, công tác hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng và trách nhiệm của nhà nước trong công tác này. Cần đánh giá các quy định của dự thảo Luật để bảo đảm luật có tính khả thi, nhất là các quy định về lồng ghép phòng, chống mua bán người trong hoạt động giảng dạy, học tập tại các cơ sở giáo dục, đào tạo tại hệ thống giáo dục quốc dân; việc giao UBND cấp xã hỗ trợ nạn nhân và đưa nạn nhân vào cơ sở bảo trợ xã hội. Mặt khác, một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân sâu xa của vấn nạn mua bán người là do người dân thiếu việc làm, thu nhập không ổn định... nên rất dễ bị các đối tượng xấu lừa bán. Do đó, để giải quyết tốt vấn nạn mua bán người, cần có chính sách cụ thể trong phát triển việc làm, nâng cao thu nhập và nhận thức cho người dân, nhất là người dân tộc thiểu số, người dân ở các vùng sâu, vùng xa... Phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp sẽ diễn ra đến hết ngày 13.9. Ủy ban sẽ thẩm tra các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự; Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa và chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2010; Báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác của ngành kiểm sát năm 2010 và Báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành kiểm sát năm 2010; Báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về công tác của ngành Tòa án năm 2010 và Báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành Tòa án năm 2010; Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2010; Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2010...
Phiên họp toàn thể của Ủy ban Pháp luật thẩm tra dự án Luật Thủ đô do Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận chủ trì. Theo Báo cáo của Bộ Tư pháp, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Thủ đô, sau 9 năm thực hiện Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng: kinh tế tăng trưởng cao; giáo dục đào tạo từng bước được chuẩn hóa; văn hóa xã hội khởi sắc... Tuy nhiên, thành phố Hà Nội đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức: quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, trong khi đó, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, không đáp ứng kịp yêu cầu phát triển; tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, sự xuống cấp của cảnh quan đô thị ngày càng phức tạp. Việc ban hành Luật Thủ đô Hà Nội sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng để khắc phục những khó khăn, thách thức nêu trên nhằm xây dựng Thủ đô đa chức năng văn minh, hiện đại, phát triển bền vững với quy hoạch phát triển ổn định, lâu dài, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và hiện đại... Các thành viên Ủy ban Pháp luật đánh giá, cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị dự án Luật khá công phu. Tuy nhiên, cần làm rõ các chính sách và cơ chế đặc thù cho Thủ đô như: không xây dựng mới các khu công nghiệp, trường học, bệnh viện trong nội thành nhằm giảm bớt tình trạng quá tải; không gian, kiến trúc và cảnh quan đô thị của Hà Nội cần bảo đảm xanh, sạch, văn minh; xác định rõ cơ chế ưu tiên các nguồn lực phát triển Thủ đô...