Tọa đàm vấn đề giới trong thực hiện chính sách, pháp luật về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

26/08/2010

Ngày 25.8, tại Hà Nội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã tổ chức Tọa đàm Các tác động xã hội và những vấn đề giới đặt ra trong thực hiện chính sách, pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Các đại biểu đã tập trung đánh giá các tác động xã hội và những vấn đề đặt ra trong việc đưa lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; thực trạng di cư lao động quốc tế từ góc độ kinh tế... Từ năm 2000 đến nay, cả nước có hơn 224 nghìn lao động nữ đi làm việc ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm 32,6% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài. Lao động nữ chủ yếu làm việc trong ngành phục vụ cá nhân và xã hội như: giúp việc gia đình, chăm sóc người bệnh, hộ lý, y tá... Lao động nữ nước ta đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được chủ sử dụng lao động nước ngoài đánh giá cao về tính cần cù, chịu khó. Theo các đại biểu, việc đưa lao động nữ nước ta đi làm việc ở nước ngoài có nhiều thuận lợi, nhất là các quy định pháp luật, các cơ chế chính sách đã tạo điều kiện bình đẳng cho cả nam lẫn nữ trong việc tìm việc làm ở nước ngoài. Tuy nhiên, lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài cũng gặp một số khó khăn. Phần lớn lao động nữ làm công việc giúp việc gia đình. Trong khi đó, ở hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ lại chưa có quy định riêng cho loại hình lao động này nên trong nhiều trường hợp, quyền lợi và các điều kiện làm việc của lao động nữ chưa được bảo đảm đầy đủ. Các đại biểu kiến nghị, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các công ty xuất nhập khẩu lao động; đào tạo nghề, trang bị kiến thức pháp luật và kỹ năng giao tiếp cho lao động nữ trước khi được đưa đi làm việc ở nước ngoài...

Lệ Thủy

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)

Các bài viết khác