Sáng 24.8, tiếp tục Phiên họp thứ Ba ba, UBTVQH đã nghe Bộ Quốc phòng và Bộ Công an báo cáo về tình hình Biển Đông và tình hình an ninh, trật tự trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.
Buổi chiều, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Đo lường.
Hoạt động đo lường có vai trò quan trọng trong đời sống, sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học, an ninh và quốc phòng. Tờ trình dự án Luật Đo lường của Chính phủ khẳng định: đo lường thống nhất và chính xác góp phần bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân trong các giao dịch kinh tế, dân sự; sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vật tư, năng lượng; bảo đảm an toàn; bảo vệ sức khoẻ và môi trường; góp phần đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước. Đo lường còn là công cụ đắc lực góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển KT-XH và hội nhập kinh tế quốc tế. Ở nước ta, từ năm 1950, Nhà nước đã ấn định một hệ đơn vị đo quốc gia và xác lập hệ thống chuẩn đo lường của từng lĩnh vực. Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về đo lường từ Trung ương xuống địa phương, hệ thống tổ chức kiểm định phương tiện đo trên địa bàn cả nước cũng đã được xác lập tương đối hoàn chỉnh. Tuy nhiên, hoạt động đo lường hiện đã bộc lộ nhiều hạn chế: độ chính xác, phạm vi đo của chuẩn quốc gia và thiết bị sao truyền còn hạn chế; chuẩn đo lường, trang thiết bị còn mang tính chắp vá; quy hoạch, thiết lập, duy trì, khai thác sử dụng chuẩn đo lường chưa được chú trọng đúng mức. Hệ thống tổ chức kiểm định phương tiện đo hiện mới chỉ đáp ứng từ 60% - 70% nhu cầu kiểm định. Vẫn còn hiện tượng một số tổ chức kiểm định phương tiện đo điện, nước sạch, xăng dầu đồng thời là doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ này gây nên hiện tượng vừa đá bóng, vừa thổi còi, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Trong khi đó, cơ chế, chính sách và pháp luật về đo lường của nước ta hiện cũng chưa đáp ứng yêu cầu thúc đẩy hoạt động đo lường phát triển phù hợp với tình hình KT-XH và hội nhập kinh tế quốc tế. Các quy định hiện hành, gồm Pháp lệnh Đo lường năm 1999 và hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành chưa bao quát toàn bộ hoạt động đo lường mà mới chỉ tập trung điều chỉnh một số vấn đề cơ bản nhất của đo lường như: đơn vị đo lường pháp định và chuẩn đo lường; kiểm định và hiệu chuẩn phương tiện đo; phép đo, hàng đóng gói sẵn theo định lượng; sản xuất, buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu phương tiện đo. Các quy định về xây dựng, quản lý hệ thống chuẩn đo lường, liên kết chuẩn đo lường vẫn còn những nội dung chưa phù hợp với thực tiễn trong nước và thông lệ quốc tế. Chưa tách bạch được hoạt động dịch vụ kỹ thuật về đo lường với công tác quản lý nhà nước về đo lường; chưa quy định đầy đủ các biện pháp quản lý để ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đo lường; thiếu các quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động đo lường.
Thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản tán thành việc ban hành một đạo luật hoàn chỉnh về đo lường. Tuy nhiên, dự thảo Luật vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, mới tập trung quy định về quản lý nhà nước về đo lường pháp định chứ chưa làm rõ được nội dung đo lường khoa học và đo lường công nghiệp. Theo đánh giá của một số Ủy viên UBTVQH, dự thảo Luật cũng chưa phân biệt rõ các hoạt động trong đo lường pháp định với hoạt động trong đo lường khoa học và đo lường công nghiệp; chưa quy định rõ trình tự, thủ tục kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo hoặc làm rõ cơ quan nào có thẩm quyền quy định trình tự, thủ tục kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo. Chưa tách biệt quyền và nghĩa vụ của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về đo lường với quyền và nghĩa vụ của tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng... Nhiều ý kiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát kỹ các quy định của dự thảo Luật nhằm bảo đảm sự tương thích với các quy định của Tổ chức đo lường quốc tế về đơn vị đo lường quốc tế, liên kết chuẩn đo lường quốc tế và tương thích với các quy định của Tổ chức thương mại thế giới về đối tượng, nội dung, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về đo lường đối với phương tiện đo, hàng đóng gói sẵn xuất khẩu, nhập khẩu... Về chính sách của Nhà nước đối với hoạt động đo lường, một số ý kiến cho rằng, Nhà nước nên khuyến khích sử dụng đơn vị đo pháp định; không nên khuyến khích, thậm chí cần hạn chế dần việc sử dụng các đơn vị đo khác nhằm đạt được sự thống nhất, chính xác và hạn chế tranh chấp về đo lường. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cần bảo đảm nguyên tắc độc lập, khách quan, chính xác và thực hiện xã hội hóa các hoạt động đo lường. Nên có chính sách thúc đẩy xã hội hóa hoạt động tiêu chuẩn, thử nghiệm, kiểm định phương tiện đo. Nhà nước chủ tập trung xây dựng các phòng thử nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn đối với các chuẩn đo lường, chất chuẩn và phương tiện đo mà tổ chức, cá nhân không đủ năng lực đầu tư hoặc đầu tư không có hiệu quả.